Người chăn nuôi cần cảnh giác với dịch heo tai xanh!
Người chăn nuôi heo cần cảnh giác với dịch heo tai xanh để phòng tránh thiệt hại
Hai tiếng “tai xanh” vẫn còn hiện diện rất rõ trong tâm trí của mọi người vì đây là loại dịch bệnh có sức tàn phá ghê gớm và gây ra những thiệt hại nặng nề. Tuy dịch heo tai xanh vẫn chưa xuất hiện, nhưng vào ngày 6-4 vừa qua, ngành chức năng đã phát hiện tại địa bàn thị trấn Thái Hòa (Tân Uyên) ổ dịch bệnh lở mồm, long móng tại 2 hộ chăn nuôi với tổng số heo mắc bệnh và được tiêu hủy là 65 con. Điều này cho thấy khả năng đàn heo mắc các loại dịch bệnh trong giai đoạn này là rất cao. Vì vậy, đòi hỏi công tác phòng, chống các loại loại dịch bệnh trên đàn heo cần được tăng cường. Nhằm đẩy mạnh công tác phòng ngừa với dịch heo tai xanh, mới đây UBND tỉnh cũng đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện thị, xã phường tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc.
Với những “dấu ấn” mà dịch heo tai xanh để lại trong thời gian qua, sự cảnh giác của người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh với loại dịch bệnh này đã được nâng cao hơn. Ông Cường, người nuôi heo tại xã Tân Định (Tân Uyên), cho biết: “Với những người nuôi heo trại lạnh như chúng tôi, chi phí đầu tư chuồng trại là rất lớn. Do vậy việc phòng, chống với các loại dịch bệnh, nhất là dịch heo tai xanh luôn được chú ý. Các lối đi trong trang trại được chúng tôi rải vôi sát khuẩn thường xuyên, cũng như hạn chế đến mức thấp nhất số người ra vào trại. Các trại nuôi heo cũng được chúng tôi thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo định kỳ, đúng tiêu chuẩn; còn đàn heo thì luôn được theo dõi và tăng cường khả năng đề kháng bằng cách bổ sung thêm lượng thức ăn cần thiết”.
Bà Nguyễn Thị Nhạn, người 8 năm nuôi heo và đang sở hữu trại heo lạnh với số lượng khoảng 400 con tại xã Minh Hòa (Dầu Tiếng), cho biết: “Bệnh tai xanh gây ra những tác động trực tiếp vào đường hô hấp của con heo nên việc phòng ngừa là khâu quan trọng nhất. Để phòng ngừa với loại dịch bệnh này, bên cạnh việc tiêu độc khử trùng, cần chú ý tiêm phòng vắc-xin phòng ngừa. Nếu thực hiện cùng lúc các vấn đề nói trên thì không phải lo dịch bệnh xuất hiện”.
Với những kiến thức cơ bản mà người chăn nuôi heo cho biết, cho thấy ý thức của người chăn nuôi heo đối với công tác phòng chống dịch bệnh đã được nâng cao. Tuy nhiên, đây là 2 trường hợp nuôi theo mô hình trại lạnh với quy mô lớn, còn đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì ý thức phòng chống dịch bệnh vẫn còn hạn chế. Hầu hết các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ vẫn còn thiếu các kinh nghiệm, phương pháp chăn nuôi khoa học. Các điều kiện về chuồng trại, vệ sinh thú y, ý thức phòng chống dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do vậy chưa đạt hiệu quả cao. Hạn chế này sẽ là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh trên heo xuất hiện và lây lan. Thực tế đợt dịch heo tai xanh năm 2010 cũng cho thấy dịch bệnh xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khiến những hộ này phải chịu thiệt hại nặng nề!
Trước những diễn biến phức tạp của dịch heo tai xanh tại một số địa phương, ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương, cho biết chi cục đã thực hiện tiêm phòng lại đàn heo tại các ổ dịch cũ; thực hiện việc giám sát chặt chẽ các đàn heo đưa vào lò mổ; chỉ đạo cho thú y cơ sở theo dõi sát sao đàn heo tại các địa phương cũng như tăng cường hoạt động của các chốt kiểm dịch. Chi cục còn thường xuyên tuyên truyền cho người chăn nuôi các kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc đàn heo; sử dụng vắc-xin để tiêm phòng dịch bệnh heo tai xanh và khuyến cáo người chăn nuôi không nên nhập heo giống khi không biết rõ nguồn gốc xuất xứ.
CAO SƠN