Người chăm (Minh Hòa, Dầu Tiếng): Sống tốt đời, đẹp đạo
Với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, thời gian qua, đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi tại Làng Chăm (ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng) tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, góp phần cùng nhân dân xã Minh Hòa nói riêng, tỉnh nói chung thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững và ổn định tình hình an ninh trật tự…
Ông Kho Sanh (phải) dạy những điều hay cho lớp trẻ
Nỗ lực để phát triển kinh tế
Người Chăm tại Làng Chăm có khoảng 100 hộ, với gần 450 nhân khẩu. Họ chủ yếu di cư từ Châu Đốc, An Giang đến đây khai hoang, lập nghiệp vào thập niên 80. Đến mảnh đất mới, với ý chí và sức lao động của mình, họ đã nỗ lực làm ăn phát triển kinh tế. Mặc dù cuộc sống nơi “đất khách quê người” còn nhiều khó khăn nhưng niềm tin với đạo của mỗi người Chăm không bao giờ “tắt”. Ban đầu chưa có nơi sinh hoạt cộng đồng, họ tự sinh hoạt nghi thức của đạo trong gia đình, tập hợp tại nhà những người lớn tuổi, hay cố gắng trở về quê hương để dự các ngày lễ của đạo mình.
Trước mong mỏi có nơi sinh hoạt tâm linh của người Chăm, năm 2007, được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự chung sức của người dân… thánh đường (TĐ) (theo tiếng Chăm là “Thang Mugik” hay gọi là chùa) đã được xây dựng. “Có nơi sinh hoạt bà con vui lắm, ai cũng phấn khởi. Thông qua TĐ, con, cháu người Chăm chúng tôi có thể hiểu hơn về tín ngưỡng, bản sắc văn hóa dân tộc đã được cha ông gầy dựng từ ngàn năm”, anh A Zít, người Chăm tại Làng Chăm nói.
Ông Kho Sanh, Phó Giáo cả, Ban Quản trị TĐ Hồi giáo làng Chăm cho biết, mỗi tuần, người Chăm gặp nhau ít nhất một lần vào ngày thứ sáu tại TĐ. Tại đây, ngoài nghi thức tôn giáo, các vị Tul (người dạy giáo lý) đã dạy những bài học về đạo đức; phổ biến các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; khuyên mọi người làm những điều tốt, xa lánh điều xấu.
Mỗi năm người theo Hồi giáo sẽ ăn chay 1 tháng, người Chăm tại đây cũng thực hiện các nghi thức của tháng chay Ramadan. Trong tháng chay không được đưa bất kể thứ gì (thức ăn, nước uống) vào miệng nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày, cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, buổi tối có thể ăn uống bình thường. Tháng chay không đơn thuần chỉ là thực hiện nghi thức của giáo luật mà nó còn thể hiện tính giáo dục đạo đức, răn đe cho mỗi người. Nhịn ăn, uống là để có sự thông cảm và chia sẻ với những người nghèo; đồng thời, rèn luyện cho con người một sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất. Bởi vậy, bất kỳ người theo đạo Hồi chân chính nào đều không bao giờ muốn làm ai khổ, ai ai đều sợ làm người khác đau.
Sống có nghĩa, có tình
Chính những lời dạy từ giáo luật của Ban quản trị TĐ, cùng những người lớn tuổi trong làng, người Chăm luôn biết yêu thương, giúp đỡ nhau. Ông Kho Sanh cho biết thêm, người Chăm ở đây sống với nhau có nghĩa, có tình; chăm lo và phát huy cao độ tinh thần cộng đồng, dân tộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể, những người có điều kiện sẽ giúp đỡ, hỗ trợ những trường hợp khó khăn có cái ăn, cái mặc. Từ đó, số hộ nghèo trong làng giảm hẳn, tăng số hộ khá, giàu. Hay khi trong làng có người qua đời, các thành viên trong cộng đồng đến chia buồn, cùng nhau cầu nguyện cho người vừa mất. Tang lễ được tổ chức rất đơn giản, văn hóa. Điều đó phù hợp với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa hiện nay.
Tệ nạn mại dâm, ma túy, trộm cắp đang là những “mảng tối” của quá trình hội nhập. Tuy nhiên, đối với cộng đồng Chăm tại Minh Hòa, nhờ biết “gạn đục, khơi trong” nên các tác động xấu từ những vấn đề này đã không xảy ra. Theo người Chăm, quá trình hội nhập với thế giới bên ngoài, bà con tiếp nhận được nhiều thứ hay nhưng chỉ “hòa nhập” không “hòa tan” bản sắc văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, đồng bào người Chăm luôn nỗ lực thực hiện các điều cấm trong đạo để luôn là những người công dân tốt. “Nhờ có giáo luật, chúng tôi luôn ý thức được những việc mình làm, việc nào đúng, việc nào sai. Chúng tôi còn được tuyên truyền về các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, chúng tôi cố gắng sống chan hòa với mọi người xung quanh, không uống rượu, đánh nhau, vi phạm pháp luật”, anh Du Số (người Chăm) nói.
Trước nỗ lực của chính người Chăm, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều hoạt động “tiếp lửa” cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số người Chăm phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn bản sắc, sống tốt đời đẹp đạo. Qua đó, Đảng ủy, UBND xã Minh Hòa tổ chức thăm hỏi người Chăm vào Tháng chay Ramada, tổ chức tuyên truyền pháp luật, gặp gỡ để trao đổi và ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của họ trong các lĩnh vực… Nhờ thế, bên cạnh đời sống vật chất được cải thiện, đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Chăm xã Minh Hòa ngày càng khởi sắc, họ đã chung tay góp phần xây dựng địa phương thêm giàu đẹp, văn minh.
THIÊN LÝ