Người cao tuổi với đờn ca tài tử: Không chỉ là đam mê

Thứ ba, ngày 10/11/2020

(BDO) “Đờn ca tài tử rất hay. Phải có một quá trình tìm hiểu thì sẽ càng thêm yêu bộ môn nghệ thuật độc đáo này”, “Khi ca tôi thấy lòng mình ngập tràn vui sướng”, “Cần phải học để biết cách ca và truyền cho con cháu sau này”… Đó là những chia sẻ của nhiều người cao tuổi (NCT) khi tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử (ĐCTT) tại các câu lạc bộ (CLB) trong tỉnh.


Các thành viên đội ca cổ CLB Hưu trí tỉnh cùng nhau sinh hoạt ĐCTT chuẩn bị cho các ngày lễ lớn cuối năm 2020

Như trẻ lại với đờn ca

Đến với các sân chơi ĐCTT trong tỉnh, điều dễ dàng nhận ra là số NCT tham gia ngày càng nhiều. Với NCT, nhờ sinh hoạt ĐCTT mà họ thấy mình mở mang nhiều kiến thức hay về bộ môn nghệ thuật này gắn với lịch sử địa phương, qua đó họ như trẻ lại khi chơi đúng loại hình âm nhạc mà mình đam mê khi còn thanh xuân.

“Bình minh, nắng hồng tươi sáng trời Nam/ Hương tươi ngàn thắm vườn xuân/ Hương hoa tỏa ra ngào ngạt/ Ta về đất mẹ Bình Dương/ Theo đường đại lộ thênh thang, tưng bừng ngày mới dựng xây/ Công trường, phố chợ hòa vui…”. Lần theo những âm điệu ngọt ngào và sâu lắng của bài “Hương sắc Bình Dương” do Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Phú viết lời theo điệu Tây Thi Quảng của cụ Út Búng, chúng tôi có dịp hòa mình cùng không khí thư thái đầy thi vị của các thành viên đội ca cổ CLB Hưu trí tỉnh. Tiếng đờn hòa cùng lời ca của những NCT ở đây nghe như tha thiết, đậm đà.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Vương Thị Thanh (59 tuổi, ngụ phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một), cho biết đam mê ĐCTT từ nhỏ, nhưng mãi đến khi lớn tuổi, nghỉ hưu bà mới có thời gian tìm hiểu và học ca từ các thành viên của đội ca cổ ở CLB Hưu trí tỉnh. Bà cho hay, được vận động tham gia ĐCTT nên bà cũng tham gia học hỏi. Sinh hoạt ở đội, bà được mở mang thêm về bài bản ĐCTT, thấy tinh thần thoải mái, yêu đời hơn. Còn với ông Nguyễn Thanh Hoàng (64 tuổi, ngụ phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một), lúc trẻ ông từng theo cố Nghệ sĩ ưu tú Tư Còn học ĐCTT, nay lớn tuổi nên tự tìm hiểu, học hỏi với các thành viên ở CLB Hưu trí tỉnh. Ông Hoàng thích nhất là những bài cũ, quen thuộc như: “Dòng sông quê em”, “Màu hoa bí”, “Nhớ biển Nha Trang”, “Chuyến xe Tây Ninh”…

Không chỉ là đam mê

Chia sẻ về niềm đam mê đờn ca, ông Nguyễn Hồng Long (67 tuổi, cán bộ Trung tâm Dạy nghề TP.Thủ Dầu Một), cho hay ông bắt đầu chơi ĐCTT từ 5 năm trước. Càng học, càng chơi, ông Long càng thấm thía từng bài bản tài tử. Ông Long nói, ĐCTT là một loại hình nghệ thuật rất độc đáo, lứa tuổi nào cũng có thể học, cũng có thể chơi. Nếu chúng ta có một quá trình học tập bài bản thì sẽ lĩnh hội được những tinh hoa của đờn ca. “Từ đó tôi thấy được trách nhiệm của bản thân đối việc duy trì loại hình nghệ thuật truyền thống này. Có như vậy thì ĐCTT mới không mai một mà ngày càng phát triển, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng nhiều hơn”, ông Long nói.

Hiện nay đội ca cổ CLB Hưu trí tỉnh có khoảng 10 người, gồm 2 nghệ nhân đờn và 8 tài tử ca, sinh hoạt đều đặn vào các buổi sáng thứ hai và thứ năm hàng tuần. Tuy chỉ là học hỏi qua lại giữa các thành viên và từ các kênh thông tin đại chúng nhưng tất cả đều rất hứng khởi, nhiệt tình. Bà Huỳnh Thị Thu Thủy, Đội phó Đội ca cổ CLB Hưu trí tỉnh, cho biết các cụ sinh hoạt ĐCTT ngoài mục đích vui khỏe còn hướng đến mục đích giữ gìn để truyền bá cho các thế hệ mai sau. Vì thế, các cụ tập luyện rất chăm chỉ để có thể biểu diễn “thật ngọt” các bài bản trong các chương trình họp định kỳ hàng tháng của CLB Hưu trí tỉnh, các chương trình giao lưu vào các dịp lễ, giỗ tổ sân khấu…

Nhiều cụ tuy đến với ĐCTT ở lứa tuổi khá muộn, nhưng tâm hồn của những tài tử như trẻ lại với tâm huyết về công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của ĐCTT Bình Dương. ĐCTT còn giúp họ có cơ hội góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa của quê hương, để luôn tự hào khi ca: “Quê hương ơi, mảnh đất ân tình/ Cho ta tự hào hương sắc Bình Dương” (trích trong bài “Hương sắc Bình Dương” của Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Phú).

 THỤC VĂN