Người cán bộ với khu vườn di tích
Bất khuất, kiên trung
Bà Gái cho biết, khu vườn của bà thuộc rừng 6 mẫu, là một trong những cơ sở quần chúng nuôi giấu cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nói đến khu vườn này, ký ức về một thời hào hùng lại chợt hiện về trong suy nghĩ của bà. Bà kể: Choáng váng sau đòn tập kích chiến lược mùa xuân 1968 của quân và dân ta, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn Hội nghị Paris, nhưng đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố tiếp tục âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, tăng cường quân ngụy và vũ khí, phương tiện chiến đấu để “dùng người Việt đánh người Việt”, đẩy mạnh chương trình bình định cấp tốc đánh ta toàn diện với những cuộc hành quân càn quét quy mô lớn. Trên địa bàn Tân Đông Hiệp, địch cho xe ủi phá sạch các lùm bụi, đưa trực thăng loại nhỏ do thám sục sạo ngày đêm ở các cánh đồng và rừng lõm để phát hiện và tiêu diệt căn cứ du kích của ta. Bà Gái bên những gốc cây to quen thuộc trong vườn
Kỷ vật quý báu của một thời hào hùng mà bà Gái còn giữ lại là quyển kiểm nhận ghi ngày tháng năm và chữ ký mà sau khi ra tù, mỗi tháng bà phải đến Bộ Chỉ huy cảnh sát quốc gia tỉnh Biên Hòa để trình báo hiện diện. Hơn 40 năm qua, quyển sổ nhỏ này được bà cất giữ cẩn thận, còn nguyên vẹn từng mép giấy như một kỷ vật quý báu về những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ.
Từ năm 1970, bà cùng nhiều đồng chí là lực lượng đoàn viên thanh niên trong độ tuổi mười tám đôi mươi sôi sục khí thế đấu tranh, sẵn sàng hy sinh tất cả để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Bà cùng các đồng chí của mình nhận nhiệm vụ hoạt động theo dõi tình hình địch, cung cấp sơ đồ đồn bót giặc, chống bầu cử, nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, thuốc men cho cán bộ, đảng viên, rải truyền đơn và gửi thư cảnh báo bọn ác ôn chỉ điểm… Nhờ đó, đã hạn chế thủ đoạn đánh phá điên cuồng của giặc và xây dựng được một số cơ sở mới cho ta.
Năm 1972, bà Gái bị địch bắt, mặc dù ở trong khám tối địch hăm dọa, dùng bạo lực nhưng bà nhất mực không khai cơ sở bí mật. Sau 4 tháng trong tù bà được thả và tiếp tục tham gia hoạt động giao liên, phục vụ sự nghiệp cách mạng. Đầu năm 1975, bà tiếp tục bị bắt do bọn ác ôn chỉ điểm, nhưng bà vẫn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, góp phần vào sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước.
“Giữ vườn” cho mai sau…
Cùng bà Gái đi một vòng quanh vườn dưới những tán lá to cao trong tiếng ve kêu ran, chúng tôi có cảm giác như đang hòa mình với thiên nhiên giữa phố thị nhộn nhịp. Chỉ tay về lối mòn trong khu vườn bà Gái nói: “Đường mòn này là do Mỹ cho xe tăng vào càn khu vườn để phá hủy căn cứ cách mạng vào năm 1969. Lúc đó, nghe tiếng xe tới, tôi và đứa em gái cầm rựa chạy ra đứng trước đầu xe, ngăn lại nhất định không cho càn. Vì là cơ sở mật nên nhiều lần địch bao vây khu vườn nhưng chúng cũng không tìm được. Còn bờ đất cao trong khu vườn là ấp chiến lược của chúng dựng lên hồi đó”. Quyển sổ kiểm nhận - kỷ vật thời chiến bà Gái lưu giữ cẩn thận
Bước qua bờ đất cao, tiếp theo màu xanh của những khóm tầm vông to, bà cho chúng tôi xem vườn mít được trồng vào dịp 30-4-1975, tuy chỉ vỏn vẹn gần chục cây còn đơm hoa kết trái mỗi mùa nhưng vườn mít đã in dấu kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Trong căn nhà ngói 3 gian, bà Gái dành một góc trang trọng để treo ảnh Bác và Huy chương Kháng chiến hạng nhất - thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày nêu cao tinh thần kiên trung bất khuất góp phần vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc; Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc... của bà để giáo dục thế hệ trẻ noi theo.
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, bà Gái tiếp tục đảm nhận công tác tại địa phương. Bà luôn nhớ lời căn dặn của Bác “Vì lợi ích mười năm trồng cây/Vì lợi ích trăm năm trồng người” và đức tính giản dị, tiết kiệm, tinh thần lao động, tăng gia sản xuất của Người. Sau vườn mít năm 1975, bà trồng thêm những khóm tầm vông, hàng dầu, điều, tràm, cây cau, cây ăn trái… Giờ chúng đã cao lớn cùng với khu vườn sẵn có đã tạo thành khoảng không gian xanh giữa lòng đô thị rộng hơn 10.000m2.
Mảnh đất vườn có cây cối xanh tươi này thời gian qua đã được nhiều người chào hỏi mua giá cao nhưng bà Gái vẫn không bán. Bà nói: “Khu vườn là di tích một thời anh hùng của ông cha ta, làm sao đánh đổi bằng tiền được. Giữ vườn này không phải để cho tôi mà còn cho thế hệ mai sau nữa.
KIM TUYẾN