Người Bình Dương đánh cọp
(BDO) Lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ được mở đầu bằng trang sử chinh phục thiên nhiên. Những loài như cọp, cá sấu, rắn rết, muỗi mòng, đỉa vắt… luôn là mối đe dọa thường trực trong cuộc đấu tranh sinh tồn của người dân nơi đây. Trong đó, cọp là mối hiểm nguy bậc nhất bởi vì loài ác thú này đã giết hại biết bao nhiêu người dân thời khai hoang mở đất.
Một nữ huấn luyện viên môn Võ lâm Tân Khánh Bà Trà (Takhado) cầm thương trong tư thế giống bà Năm Vuông cầm lao đánh nhau với cọp năm 1914 ở lễ khai thị chợ Bến Thành, Sài Gòn
Ứng phó cọp
Ở Bình Dương, xưa gọi là Thủ Dầu Một, từ giữa thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ XX, cọp dữ vẫn còn hoành hành. Năm 1866, trong tiểu thuyết “Những người lao động miền biển” (Les travailleurs de mer), nhà văn Pháp là Victor Hugo đã thuật lại chuyện cọp lộng hành ngay giữa chợ Thủ Dầu Một và bắt một bà lão lúc chợ đang nhóm khá đông. Đến cuối thế kỷ XIX, sau khi Pháp sang nước ta hơn 10 năm, dân cư ở khu vực Đông Nam bộ đông đúc, vậy mà nạn cọp vẫn còn hoành hành, vùng Thủ Dầu Một, trong vài tháng có 8 người bị cọp bắt (theo Bến Nghé xưa, nhà văn Sơn Nam). Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xung quanh chợ Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh ngày nay) vẫn còn rừng Dĩ An gần đó hoang vu hơn, thỉnh thoảng có cọp (theo Địa chí Sông Bé, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng).
Trước tình hình cọp dữ lộng hành như vậy, người dân đi khai phá vùng đất Nam bộ thời đó đã tính đến nhiều phương án để giảm dần và chấm dứt hẳn chuyện cọp làm hại con người. Phương án thứ nhất là lập miễu thờ cọp, cúng đầu heo cho chúa sơn lâm, để cọp no đủ không quấy phá nữa. Đến nay, phong tục này vẫn còn thấy qua các bia ông hổ ở các ngôi đình. Phương án thứ hai là nhờ thầy pháp Huỳnh Công Nhẫn ở miệt Bưng Bố (nay là phường Bình Hòa, TP.Thuận An) cho bùa phép thì mới mong đuổi được hẳn loài ác thú này.
Phương án thứ ba mà người Bình Dương xưa sử dụng để ứng phó với cọp chính là “đánh cọp”. Ở các địa phương khác phải đi mời thầy giỏi võ các nơi khác về hạ cọp giúp đỡ dân làng, nhưng riêng trên đất Thủ Dầu Một những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã xuất hiện những bậc võ dõng có biệt tài “đả hổ”, đó là ông Hai Ất, ông Ba Giá và bà Năm Vuông của làng võ Tân Khánh - Bà Trà lừng danh.
Những câu chuyện trên kể về “người Bình Dương đánh cọp” đã cho thấy tài năng lỗi lạc của các bậc tiền bối môn Võ lâm Tân Khánh Bà Trà từng hạ gục loài ác thú mệnh danh là “chúa sơn lâm”. |
Ông Hai Ất và ông Ba Giá là “cặp bài trùng” trong biết bao chiến công đả hổ bằng cây roi trường nổi tiếng của môn Võ lâm Tân Khánh Bà Trà ở ngay chính vùng đất Tân Khánh và các địa phương lân cận. Trong số đó có trận đả hổ diễn ra ngay trên đất Tân Khánh (nay là phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên) giáp với rừng Cầy Bẹ. Ông Hai Ất và ông Ba Giá đã hợp lực diệt trừ cùng một lúc hai con cọp dữ, được dân làng kể lại từ đời này qua đời khác, như sau: “Ông Giá lẹ làng dùng thế “giải giáp”, cởi phăng chiếc áo đang mặc, liệng vào một con gần nhứt. Thấy chiếc áo thình lình bay tới, cọp ngỡ như có người trợ chiến, liền đón lấy cái áo xé nát tan. Chặn đứng được một con, ông Giá vung roi đồng nhảy bổ đập vào đầu con cọp đang sắp phủ lên đầu ông Ất. Con cọp này không kịp kêu lên một tiếng, té lộn mèo về phía sau, đầu óc văng ra tứ tung trông thật ghê khiếp. Tiện đường roi, ông Giá trở cán đập vào lưng con cọp đã vồ chiếc áo. Con này cũng nhanh nhẹn trở khỏi, nhưng vừa trở được đường roi này thì đường roi khác tiến đến tới tấp. Con cọp lùi chưa được mấy bước định tẩu thoát vào rừng thì bị một ngọn roi giáng xuống ngang lưng, nằm mọp luôn, không cựa quậy”.
Trận đả hổ nổi tiếng
Trận đả hổ nổi tiếng của ông Hai Ất và ông Ba Giá chính là ở Bàu Lòng (nay là khu phố Bàu Lòng, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) vì qua trận này, hai ông đã được người đời ví như nhân vật Võ Tòng trong tác phẩm Thủy Hử xưa với câu tục ngữ: “Cọp Bàu Lòng, Võ Tòng - Tân Khánh”. Cách nay 60 năm, Lưu Linh Tử đã kể lại chuyện đánh cọp của ông Hai Ất và ông Ba Giá trên tạp chí Phổ Thông ở Sài Gòn khá hấp dẫn: “Phen này ông Giá đánh rất kịch liệt, roi loang nghe vo vo, lúc đánh trật, roi lún xuống đất, bụi cát tung bay, và không bao lâu người ta nghe tiếng cọp rống thật to và vọt một cái ra ngoài vòng chiến toan chạy về rừng. Nhưng, người ta nghe cọp rống thêm một tiếng nữa to hơn và dài hơn, nhìn lại thấy ông Ất đang đứng bên xác cọp, cọp còn vặn mình sắp chết”.
Võ sư và huấn luyện viên môn Võ lâm Tân Khánh Bà Trà (Takhado) song đấu tề mi côn. Tề mi côn cùng loại với roi đánh cọp của ông Ất, ông Giá nhưng ngắn hơn, thân nhỏ hơn
Riêng bà Năm Vuông là con gái của ông Hai Ất, nổi tiếng giỏi võ. Chính thực tài của bà Năm Vuông đã làm cho ông Hai Ất an lòng khi đồng ý cho bà quyết đấu với hổ dữ tại lễ khai thị chợ Bến Thành ở Sài Gòn diễn ra vào ngày 30-3-1914. Ngày 1-2-1953, cách nay gần 70 năm, trong bài “Quyền sư ở Nam Việt: Ông Ất” đăng trên Việt Nam giáo khoa tập san ấn hành ở Sài Gòn, tác giả Vũ Thuật đã ghi lại như sau: “Qua mấy giờ đấu, người và vật máu me nhuộm đỏ. Có người lo ngại, hỏi con ông có bị thương không, ông lắc đầu và mỉm cười. Cọp lần lần ra máu nhiều, kiệt sức, xoay trở chậm chạp, và sau cùng phải rước lấy ngọn lao độc hiểm để kết thúc buổi đấu”.
Những câu chuyện trên kể về “người Bình Dương đánh cọp” đã cho thấy tài năng lỗi lạc của các bậc tiền bối môn Võ lâm Tân Khánh Bà Trà từng hạ gục loài ác thú mệnh danh là “chúa sơn lâm”. Thành tích đả hổ của các bậc tiền nhân đã khiến cho một chuyên gia nghiên cứu về võ học Việt Nam và thế giới phải thốt lên: “Tôi nghĩ đến danh đồn võ ta ở Bà Trà Tân Khánh đánh cọp rất hay, mà nếu không hay sao dám đánh với cọp dữ? Thử hỏi võ Đại Hàn, võ Nhu Đạo, võ đánh bốc… có dám đứng nhìn khi gặp cọp trong rừng không?”.
Nhân dịp năm mới, năm con cọp (Nhâm Dần 2022), nhắc lại chuyện đánh cọp oai hùng của người Bình Dương xưa để thấy công lao các bậc tiền nhân từ những bước đi đầu tiên thời mở cõi.
TIẾN SĨ - VÕ SƯ HỒ TƯỜNG (Truyền nhân môn Võ lâm Tân Khánh Bà Trà)