Người bệnh tim mạch: Nên thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh
Bệnh tim mạch (BTM) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Hàng năm, số bệnh nhân tử vong vì BTM trên thế giới lên đến hàng chục triệu người. Tuy nhiên, nếu tuân thủ đúng chế độ điều trị và tránh những yếu tố nguy cơ cao, người bị BTM có thể tránh được các biến chứng nguy hiểm…
Người bị BTM phải tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ. Trong ảnh: Khám bệnh tại khoa KB-HSCC, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh
Người mắc BTM ngày càng trẻ hóa
Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ, BTM là bệnh của nhà giàu và người lớn tuổi. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, BTM không chừa một ai. Từ người giàu đến người nghèo, từ người già đến người trẻ đều có thể mắc BTM. Theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 24-9 tại Khoa Khám bệnh - Cấp cứu hồi sức (KB-HSCC), Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh, có khá nhiều người trẻ tuổi đến khám bệnh liên quan đến tim mạch. Bác sĩ (BS) Nguyễn Quốc Long, Trưởng khoa cho biết, trước đây BTM thường phát hiện ở người trung niên và lớn tuổi. Sau này, người mắc BTM ngày càng trẻ hóa. Theo BS Long, tại khoa KB-HSCC có 3 mặt bệnh chính, đó là tăng huyết áp, đái tháo đường và cơ xương khớp. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân mắc BTM chiếm khoảng 1/3. Những người có nguy cơ mắc BTM, bao gồm: béo phì, nghiện thuốc lá, rượu bia, lười vận động... Ngoài ra, những người bị strees, tổn thương về tâm lý cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc BTM. Lối sống xã hội hiện đại, cộng với chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, nhiều chất đường, chất béo, chất mặn và sống trong môi trường đầy khói thuốc… cũng khiến con người dễ bị các căn bệnh này. Các chuyên gia về BTM nhận định rằng, với mức sống ngày càng nâng cao của người Việt Nam hiện nay, tỷ lệ người BTM sẽ ngày càng nhiều. Điều này sẽ trở thành gánh nặng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Lý giải về nguyên nhân vì sao BTM sau này trở nên trẻ hóa và gặp ở nhiều độ tuổi, các BS cho rằng, đó là do khoa học kỹ thuật tiến bộ, cộng thêm đời sống nâng cao, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế thoải mái… nên người ta chú ý nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe. Từ đó, BTM được phát hiện rộng và phổ biến hơn. Có 80 - 90% người mắc bệnh không xác định được nguyên nhân ban đầu. Những người bị bệnh tăng huyết áp có nguy cơ cao và dễ bị biến chứng thành BTM. Những người trẻ tuổi mắc bệnh thận, tim bẩm sinh cũng rất dễ mắc BTM.
Triệu chứng và khuyến cáo của BS
Theo BS Long, triệu chứng của BTM rất phong phú và đa dạng, không theo một mô típ cụ thể nào. Những triệu chứng thường gặp nhất là chóng mặt, đau đầu, mỏi vai gáy, đau tức ngực, mệt mỏi… Vì thế, với những người có nguy cơ cao, nên đi thăm khám sức khỏe định kỳ 3 tháng/lần. Với những người có sức khỏe bình thường mỗi năm cũng nên khám sức khỏe định kỳ 2 lần. Khi đi khám nên khám tổng quát, lưu ý vấn đề mỡ máu, kiểm tra tim mạch, siêu âm điện tim, điện quang tim phổi… Những người mắc BTM nếu tuân thủ đúng chế độ điều trị theo chỉ định của BS, tránh những yếu tố nguy cơ, thì việc điều trị sẽ có kết quả tốt. Ngược lại, rất dễ dẫn đến tai biến mạch máu não, có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt, những người bị bệnh tăng huyết áp là những người cần quan tâm đến sức khỏe tim mạch nhiều nhất. Bệnh tăng huyết áp rất nguy hiểm vì nó diễn biến âm thầm, lặng lẽ nhưng lại gây ra các biến chứng rất nặng nề trên hầu hết các cơ quan của cơ thể, trong đó có tim mạch. Tăng huyết áp gây phì đại tim, suy tim và các bệnh mạch vành, như: thiếu máu cơ tim, cơn đau thắt ngực và nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim. Vì thế, BS Long lưu ý rằng, người bệnh khi đo huyết áp có kết quả từ 180 - 200mmHg thì phải nhập viện để điều trị liền, nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Nếu mọi người có nhận thức đúng đắn và biết cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ trên một cách bền vững, lâu dài sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cũng như phòng ngừa BTM một cách hiệu quả. BS Long khuyến cáo, sau khi đi khám nếu phát hiện mình mắc bệnh tim thì phải tuân thủ theo lời khuyên của BS, tích cực điều trị và kiểm soát bệnh. Cùng với chế độ điều trị bằng thuốc, cũng phải thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn, như ăn ít chất mặn, chất béo và tích cực vận động nhiều hơn...
HỒNG THUẬN