Người bác sĩ quân y gương mẫu
Là người cán bộ quân y ở đơn vị, trải qua nhiều năm làm công tác huấn luyện 5 kỹ thuật băng bó cấp cứu, chuyển thương, Trung tá - bác sĩ Lê Văn Phản - Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn 7 luôn trăn trở suy nghĩ tìm ra sáng kiến nhằm giảm tỷ lệ thương vong, hạn chế biến chứng xấu, rút ngắn thời gian điều trị, giúp bộ đội nhanh chóng lấy lại sức chiến đấu.
(BDO)
Bác sĩ Lê Văn Phản trong đợt khám chữa bệnh cho cựu chiến binh
Tháng 4-2001, đồng chí Lê Văn Phản tốt nghiệp Học viện Quân y, được điều động về công tác tại Trung đoàn 3 - Sư đoàn 9. Bằng tấm lòng tất cả vì bệnh nhân, đau cùng nỗi đau của bộ đội, anh luôn phát huy tốt tinh thần trách nhiệm khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân.
Được các cấp quan tâm cho đi đào tạo chuyên khoa 1, bác sĩ Phản được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Quân y - Sư đoàn 7 và hiện nay là Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn. Bác sĩ Lê Văn Phản luôn làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy - Chỉ huy Phòng Hậu cần, Đảng ủy - Chỉ huy Sư đoàn nhiều nội dung giải pháp nâng cao sức khỏe cho bộ đội; chỉ đạo cho nhân viên chuyên môn cấp dưới làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch, chú trọng các công trình vệ sinh công cộng, khu xử lý rác thải. Hàng năm, bác sĩ Lê Văn Phản chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn và chỉ huy các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhiều đợt uống thuốc dự phòng bệnh truyền nhiễm; phun thuốc khử trùng, vệ sinh bề mặt, vệ sinh phòng bệnh, không để dịch bệnh hay ngộ độc thực phẩm xảy ra, bảo đảm quân số khỏe của đơn vị luôn đạt trên 99%.
Thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh anh Bộ đội Cụ Hồ”, đồng chí đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong đó sáng kiến “Bộ nẹp ứng dụng cố định tạm thời gãy xương cẳng chân” được Hội đồng khoa học Bệnh viện Quân y 4; Hội đồng khoa học Quân đoàn; Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng công nhận. Tâm sự với chúng tôi, bác sĩ Lê Văn Phản cho biết bộ nẹp ứng dụng cố định tạm thời gãy xương cẳng chân cải tiến có ưu điểm giảm thời gian sơ cấp cứu ban đầu. Cán bộ, chiến sĩ có thể tự cứu thương cho mình hoặc đồng đội, qua đó tránh được những điều đáng tiếc xảy ra trong quá trình huấn luyện, chiến đấu.
Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ công tác chuyên môn và say mê sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bác sĩ Lê Văn Phản còn tham gia tích cực các chương trình như “Uống nước nhớ nguồn”, kết hợp với các cơ quan, đơn vị khám chữa bệnh và tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công, người già neo đơn, ở các vùng căn cứ cách mạng, góp phần tô thắm hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân. Đại tá Nguyễn Quang Phú - Chính ủy Sư đoàn nhận xét: “Bác sĩ Lê Văn Phản là một cán bộ luôn hòa đồng, gần gũi với mọi người, giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc, làmột trong những tấm gương sáng cho đội ngũ y, bác sĩ của Sư đoàn noi theo”.
Với những thành tích nổi bật trong công tác, bác sĩ Lê Văn Phản nhiều năm liền được tặng danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, Chiến sĩ thi đua; được sư đoàn tuyên dương trong thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”.
NGUYỄN QUỐC VỤ