Ngọt ngào làn điệu đờn ca
(BDO)
Ông Lê Văn Thái (giữa), Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải thưởng cho các ban đờn ca tài tử đoạt giải toàn đoàn
Nhiều ấn tượng đẹp
Hòa trong những giai điệu mượt mà của âm nhạc ngũ cung, chúng tôi đã có dịp lắng nghe nhiều tâm tư của các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử, người mộ điệu về sự phấn khởi khi đến với hội thi lần này. Bà Huỳnh Thị Cẩm Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng cho biết, để mang đến hội thi những tiết mục đặc sắc và ý nghĩa, Ban ĐCTT của đơn vị đã tuyển chọn những hạt nhân xuất sắc của các Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT tại địa phương. Bên cạnh lịch sinh hoạt định kỳ tại CLB, các nghệ nhân và tài tử còn cùng nhau dàn dựng tiết mục, tập luyện nhiều tuần liền với chủ đề “Ngọc sáng phương Nam”, gồm những bài ca được sáng tác mới ca ngợi tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ơn Đảng, ơn Bác… để chào mừng đại hội Đảng các cấp.
Với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng, các tiết mục của Ban ĐCTT Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với khán giả mộ điệu và Ban Giám khảo hội thi. Các tiết mục của ban đã lan tỏa đến giới mộ điệu niềm tin về sức sống trường tồn của loại hình nghệ thuật ĐCTT - một di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận từ năm 2013. Tham dự hội thi, mỗi ban ĐCTT thi diễn một chương trình gồm đủ các làn điệu: Nam, Hạ, Bắc, Oán, vọng cổ, ca ra bộ. Bên cạnh các nghệ nhân cao niên, các tài tử trung niên, hội thi còn có sự tham gia của các “tài tử nhí”. Điều này đã cho thấy ĐCTT đang có những mầm non tương lai kế thừa.
Đờn ca tài tử sẽ trường tồn
Tham gia hội thi, các nghệ nhân, nghệ sĩ của Bình Dương, các đơn vị, CLB ĐCTT - cải lương trong toàn tỉnh có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ. Đây cũng là dịp để họ không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động đối với loại hình ĐCTT - cải lương, góp phần duy trì, truyền bá mạnh mẽ phong trào tập luyện ĐCTT, đặc biệt là giới thiệu phổ biến đến cộng đồng, giới trẻ về kiến thức sâu sắc của âm nhạc tài tử - cải lương.
Nhận xét về chất lượng thi diễn của các ban ĐCTT tham gia hội thi, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, Trưởng ban Giám khảo hội thi cho biết, sự tham gia của các “tài tử nhí” đã mang đến cho những người mộ điệu ĐCTT về niềm tin nghệ thuật ĐCTT sẽ có sức sống với thời gian. Việc đầu tư cho lớp trẻ kế thừa rất quan trọng. “Vì thế, chúng ta hãy dẫn dắt những “tài tử nhí” này đi lên từ những bước căn bản và nên tập cho các em ca từ những bài bản nhỏ, đơn giản trước. Có như vậy chúng ta mới gieo một hạt giống tương lai khỏe mạnh ngay từ gốc rễ để sau này chính các em sẽ là những người tạo ra những hoa thơm, trái ngọt cho loại hình nghệ thuật độc đáo này”, tiến sĩ Duyên nói.
Theo ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mặc dù có nhiều khó khăn trong việc quy tụ các nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca của địa phương tham gia tập luyện để có một chương trình thi diễn hoàn chỉnh do tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng các địa phương đã cố gắng tập luyện và chuẩn bị tốt để tham gia hội thi. Ban tổ chức ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực và tinh thần tham gia của các địa phương và mong muốn các ban ĐCTT sẽ nêu cao tinh thần hữu nghị, học tập lẫn nhau, qua đó, góp phần giữ gìn, tôn vinh, phát huy những giá trị tinh hoa của âm nhạc dân tộc Việt Nam; khơi dậy lòng đam mê bộ môn âm nhạc truyền thống của dân tộc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú trong các tầng lớp nhân dân.
THỤC VĂN