Ngôi mộ Bá hộ trên vùng đất Bình Dương
Ngôi mộ Bá hộ Hạ Quang Quới tương truyền đã chôn cách đây hơn 200 năm, nằm trên ngọn đồi thuộc Tỉnh ủy Sông Bé cũ (nay là tỉnh Bình Dương). Do yêu cầu giải tỏa mặt bằng theo quy định của tỉnh, UBND tỉnh Sông Bé đã phối hợp với Viện Khoa học xã hội tại TP.Hồ Chí Minh khai quật để di dời ngôi mộ từ ngày 27-12-1985 đến 13-1-1986.
(BDO)
Cổng vào khu mộ Bá hộ Hạ Quang Quới
Khai quật huyệt mộ Bá hộ Quới
Đồ tùy táng trong hộc mộ
Ấm đồng chôn trong mộ
Đĩa sứ chôn trong mộ
Thố chôn trong mộ
Di tích nằm trong một vùng cây cối âm u, gồm một số cây cổ thụ, cây lưu niệm, dừa nước… Khu mộ có quy mô khá lớn, có tường thành thấp bao quanh khuôn viên dài 13,40m (khoảng 18m kể từ cổng chính), rộng 8,50m ở phần sân trước và sân giữa; 6,50m ở phần chính mộ; khuôn viên có chu vi 41,80m và diện tích khoảng 112m2. Cổng chính vào khu mộ cách tường thành phía trước 4m là một cửa vòm vòng cung cao 2,50m, hai bên có cột vuông với hai câu liễn chữ đã mòn không đọc được, hai cánh bên phải và bên trái đắp nổi phong cảnh có hình con hạc vươn cổ đứng dưới gốc cây, phần trên cổng hình mái nhà lợp ngói ống. Cổng được xây bằng gạch, đá ong, vôi cát và ô dước.
Khuôn viên khu mộ
Bình đồ khuôn viên khu mộ được chia làm ba phần riêng biệt: Sân trước, sân giữa và khu chính mộ, toàn bộ có tường thành thấp bao quanh (cao 0,80m; dày 0,80m).
Sân trước và sân giữa có bình đồ hình chữ nhật. Sân trước có diện tích 20,70m2. Cửa vào sân trước ở ngay chính giữa, rộng 1,50m, ngang hàng với cổng chính (cũng như cửa vào sân sau và khu chính mộ). Hai bên cửa có hai cột liền với tường thành cao 1,50m. Chắn ngay trước cửa vào sân giữa là một bình phong xây bằng vôi vữa có chiều dài cạnh đáy 2,56m, cao khoảng 2m, có đường gờ chia làm hai phần (phần dưới cao 0,70m). Cả phần trên và dưới đều có đắp đường viền xung quanh. Trên bình phong này không có chữ, người dân địa phương gọi tấm bình phong này là bia trước của mộ để phân biệt với tấm bia sau của mộ.
Sân giữa có diện tích 13,80m2. Cửa ra vào ở chính giữa rộng 1,50m, ngay sau tấm bình phong. Hai bên cửa có hai cột cao 1,85m liền với bức tường thành ngăn với sân trước, hai đầu cột được tạo khối hình trụ tròn và nhọn ở phía trên như hình búp sen. Hai góc phải và trái có một phần đắp nhô lên khỏi tường thành tượng trưng cho đầu cột. Trên vách tường hai bên cửa vào ở cả sân trước và sân giữa đều có vòng hoa văn đắp nổi với đề tài hoa lá.
Khu chính mộ có bình đồ gần vuông, diện tích 39m2. Cửa vào ở chính giữa rộng khoảng 1,50m, hai bên có hai cột cao 1,85m liền với bức tường thành ngăn với sân giữa, đầu cột tạo hình búp sen giống như cột ở cửa sân giữa. Hai góc phải trái không tạo cột mà chỉ có phần đắp nổi nhô lên khỏi tường thành giống như hai góc ở phần sân giữa.
Mộ phần là một khối vữa ô dước vuông nằm chính giữa khu chính mộ, mỗi cạnh 2,80m; cao cũng khoảng 2,80m bên trên tạo hình hai nóc nhà cách nhau 2,40m. Nóc trước dài 2m, nóc sau dài 1,95m. Mặt trước mộ phần được tạo hình mặt tiền nhà có một cửa giả làm lõm vào vách, phía trên hình vòng cung, phía bên đắp 2 cột nổi trên bậc thềm, hình đầu cột tròn. Mặt hông được tạo hình với hai cửa giả.
Bia mộ
Bia mộ xây liền với vách sau của khu chính mộ. Bia rộng 2,30m, cao khoảng 1,80m, phía dưới có xây một bàn tế nhỏ. Vách tường thành từ hai bên đầu bia ra đến góc xây dốc xuống theo đường bẻ góc bốn lần. Hai góc phải và trái có hai cột cao 1,85m xây liền với bức tường thành đầu cột tạo hình búp sen giống như cột ở cửa vào khu chính mộ.
Mặt bia được trát kín bằng một lớp vôi vữa. Ở những chỗ lớp vữa tróc ra, có thể nhận dạng một số chữ Hán viết theo tuồn chữ thảo đã quá mờ nhạt, không còn đọc được.
Nhìn chung kiến trúc ngôi mộ của Bá hộ Hạ Quang Quới được bố trí giống như một ngôi nhà vườn, có cổng chính, sân trước, sân giữa; mộ phần là một ngôi nhà hai nóc nằm giữa vườn sau. Qua một thời gian dài hoang phế, cả kiến trúc đều phủ một lớp rêu phong. Trên những bụi cỏ hoang tàn úa, dưới những tàn lá xanh cao, khu mộ cổ tạo cho khách tham quan hình ảnh của một thời đã qua, thâm u và cổ kính.
Huyệt mộ
Biên mộ hình vuông, mỗi cạnh dài 3,00m, mặt trên được xây bằng gạch nung. Trong biên là hai huyệt mộ song song, hướng mộ theo trục bắc nam, có xây kim tỉnh. Mộ phía đông (mộ A) có kích thước lọt lòng dài 2,35m; rộng 0,95m; mộ phía tây (mộ B) dài 2,35m; rộng 0,90m. Nắp áo quan của cả hai mộ đều bị mục nát.
Bên trong mộ A là bộ xương một người đàn ông, tuổi từ 65 đến 70 có những dấu vết của quần áo liệm bằng nỉ màu xanh và đỏ. Chủ nhân bên trong mộ B là một người đàn bà cao khoảng 1,50m, bộ xương hầu như bị mục nát.
Bên trong cả hai ngôi mộ đều có một hộc lõm. Hộc được xây ở chính giữa vách nam, trong hộc có chứa nhiều tùy táng phẩm, đa số là đồ dùng trong sinh hoạt. Sau khi khai quật, di cốt của hai ngôi mộ được để trong hai chiếc tiểu và chuyển đến chôn ở nghĩa trang tỉnh Sông Bé.
Di vật trong mộ
Phần lớn lấy được từ hai hộc mộ đặt hiện vật và một số ít thu được từ hai quan tài, tổng cộng có 43 đơn vị hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương.
Hiện vật bằng sứ có số lượng lớn nhất gồm: tô (6), chén (6), đĩa (6), muỗng (5), bình trà (1), chén uống trà (3), thố (1). Hiện vật gốm chỉ có một (nồi đất). Hiện vật bằng thủy tinh (2): chai đựng rượu và ly uống rượu. Hiện vật bằng đồng gồm nồi đồng (2), siêu đồng (1), chảo đồng (1), mâm đồng (2), chậu đồng (1), giỏ xách bằng đồng (1), ống nhổ bằng đồng (1). Ngoài ra, còn một số hiện vật bằng chất liệu khác như một cái muỗng bằng vỏ sò, mảnh hoa văn gỗ, mảnh gỗ và đồng của một chiếc hộp đã phân hủy, cúc áo (6 cúc bằng đồng và 1 cúc bằng mã não), năm chiếc răng rơi ra từ hộp sọ.
Bản minh văn
Khi cạo lớp vôi vữa trên tấm bia dựng phía sau mộ đã lộ ra một bản văn khắc chìm bằng chữ Hán. Bản văn gồm 62 chữ, khắc từ trên xuống và từ phải sang trái, có bảy dòng chữ. Trừ dòng cuối ghi năm, tháng lập bia đọc được tám chữ, phần nội dung còn lại gồm 6 dòng, mỗi dòng 9 chữ. Nhiều chữ đã bị mòn, có chữ bị mòn hẳn chữ nên việc đọc văn bản rất khó khăn.
Về niên đại, trên tấm bia có ghi “Mậu thân niên quý thu cát nhật” (năm Mậu Thân, tháng cuối mùa thu, ngày lành). Tháng cuối mùa thu là tháng chín. Mậu Thân ngược dòng lịch sử, có năm 1908, 1848, 1788, 1728… Có thể loại trừ những năm 1908 và 1728, một quá gần và một quá xa. Chức danh “Bá hộ” bắt đầu có từ triều đại nhà Nguyễn (sau năm 1802). Nếu ông Qưới đích thực có chức danh “Bá hộ” thì tấm bia mộ phải được lập vào năm 1848.
Ngôi mộ Bá hộ Hạ Quang Quới từ lâu đã được người dân xem như là một di tích thuộc thời đại phong kiến ở đất Gia Định cũ. Ở Nam bộ hiện nay vẫn còn nhiều mộ cổ xây bằng ô dước, tuy nhiên về quy mô và mức độ kiên cố, ít ngôi mộ nào có thể so sánh với di tích này.
Những người nằm trong mộ là hai vợ chồng Bá hộ Quới, tài liệu cũ ghi họ tên là Hạ Đình Quới. Cũng có ý kiến cho rằng, ông Quới là một thương gia giàu có ở đất Bình Dương xưa. Quy mô của ngôi mộ có thể khẳng định mức độ giàu có của chủ nhân. Bản văn bia cho thấy chủ nhân (hay gia đình chủ nhân) là người ưa chuộng văn chương cổ.
Trước khi khai quật người ta vẫn cho rằng đây là ngôi mộ của “Ông Bá hộ”. Cuộc khai quật cho thấy, đây là ngôi mộ đôi có hai huyệt mộ, chôn một nam (mộ A) và một nữ (mộ B) có thể là ông bà Bá hộ Quới. Ở địa phương có một số truyền thuyết về ngôi mộ cho rằng lúc sinh thời, Bá hộ Quới có nuôi nhiều gia nhân người Thượng và khi chết đi có chôn theo một số nô lệ. Cuộc khai quật cho thấy, ngôi mộ này tuy lớn nhưng vẫn chôn theo nghi thức bình thường, không có dấu hiệu nào về việc chôn nô lệ. Việc chôn cất hai ông bà được thực hiện khá đơn giản, từ áo quan, trang phục cho đến những vật tùy táng, thậm chí nền đáy huyệt cũng không được xử lý kỹ trước khi chôn, những sự kiện này tương phản với quy mô của kiến trúc ngôi mộ bên trên. Việc khai quật ngôi mộ Bá hộ Hạ Quang Quới đóng góp những tư liệu quan trọng trong việc nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cũng như đời sống tâm linh của người dân trên đất Bình Dương nói riêng và Nam bộ nói chung.
BÌNH CÔNG