Ngôi chùa đặc biệt
(BDO) Cách đây 45 năm, lúc 10 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng Bạc Liêu. Nhưng ít ai biết rằng, để Bạc Liêu giải phóng không đổ máu là những giây phút căng thẳng đối đầu giữa cách mạng với chính quyền ngụy và điểm xuất phát khởi hành của phái đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bạc Liêu đi đàm phán với tỉnh trưởng ngụy giành chính quyền thắng lợi lại từ một ngôi chùa!
Hoạt động ngay trong lòng địch
Những ngày này, cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2020). Người dân tỉnh Bạc Liêu cũng rộn ràng mừng giải phóng và bao ký ức từ 45 năm trước lại tràn về trong lòng của những chứng nhân lịch sử. Và mỗi khi nhớ về thời khắc của những ngày tháng 4 lịch sử, người dân Bạc Liêu lại không quên được ngôi chùa Vĩnh Đức. Bởi ngôi chùa này không chỉ là nơi thờ phụng tâm linh mà còn là địa điểm quan trọng của cách mạng, nơi chứng kiến những thời khắc quan trọng của cuộc đấu tranh giành chính quyền của Đảng bộ và quân dân Bạc Liêu 45 năm về trước.
Tìm về Bạc Liêu, chúng tôi may mắn gặp được ông Thích Quảng Thiệt (75 tuổi), Giám tự chùa Vĩnh Đức - một trong những “nhân chứng sống” của những ngày tháng cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn 45 năm trước. Theo lời ông Thiệt, Chùa Vĩnh Đức tọa lạc tại phường 1, thành phố Bạc Liêu, được xây dựng năm 1887 chỉ là thảo am nhỏ, đơn sơ, chủ yếu bằng cây lá rừng. Đến năm 1915, ngài Giáo thọ Xuân Phong đương chức Hương văn đình Tân Hưng, làng Vĩnh Lợi, tổ chức trùng tu lại ngôi chùa. Sư cụ Xuân Phong nói được tiếng Pháp, Hoa, Khmer, ông thường làm thông ngôn cho các đình chùa khi có việc với chính quyền Pháp cai trị lúc bấy giờ nên rất có uy tín và được chức sắc ở Bạc Liêu tin cậy, thương mến.
Ông Thích Quảng Thiệt bên linh vị của những cán bộ có công với đất nước
Những năm phong trào cách mạng ở Bạc Liêu mới nổi dậy hoạt động rất khó khăn, sư Xuân Phong, Nguyệt Chiếu là người mang tư tưởng Đại thừa Phật giáo, không theo Pháp nên được tổ chức vận động, giác ngộ theo cách mạng tham gia cứu quốc và cho chùa làm cơ sở tuyên truyền, chuyển tin tức, nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ ta. Đến năm 1968, dưới sự trụ trì của Thượng tọa Thích Hiển Giác (tên thật là Nguyễn Văn Đằng, người làng Tân Thủy, huyện Ba Tri, tham gia cách mạng năm 1945 nhưng bại lộ, bị chính quyền Ngô Đình Diệm truy nã phải xuống tóc làm thầy tu để hoạt động bí mật), truyền thống cách mạng càng đậm nét hơn. Chùa Vĩnh Đức trở thành trung tâm tập hợp các tầng lớp nhân sĩ trí thức, lãnh tụ tôn giáo yêu nước và đầu mối liên lạc cơ sở bí mật nội thành.
Ngày chiến thắng không đổ máu
Năm 1975, ông Thiệt lúc đó là Chánh thư ký Tỉnh Hội Phật giáo Bạc Liêu được tên đại tá, tỉnh trưởng ngụy quyền Nguyễn Ngọc Điệp đưa vào giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng tử thủ tỉnh Bạc Liêu. Từ đây ông có điều kiện cung cấp nhiều thông tin quý báu cho Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu.
Ông Thích Quảng Thiệt kể, từ ngày 21-4, khi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, lực lượng chính quyền ngụy tại Bạc Liêu bố phòng rất kỹ, trang bị vũ khí, quân lực cao điểm để tăng cường tử thủ. Lúc này, tên tỉnh trưởng Bạc Liêu dự tính sẽ sẵn sàng đánh nhau sống chết với phía quân cách mạng. Đến ngày 24-4, ông Thiệt nhận được thông tin lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh gặp mặt để trao đổi một số thông tin có liên quan đến chiến thuật giải phóng. Lúc này, ông Thiệt mới biết cách mạng sẽ cử một người vào ở trong chùa Vĩnh Đức để trực tiếp đấu tranh giành chính quyền. Sáng ngày 28-4, ông Thiệt đi đón ông Lê Quân (Ủy viên Khu 9), người được Khu ủy Khu 9 và Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm trên. “Với cương vị của tôi lúc bấy giờ thì mọi nhất cử nhất động của tôi đều bị theo dõi, giám sát nên tôi phải hóa trang rất kỹ để tránh tai mắt địch và đưa được ông Lê Quân vào chùa an toàn”, ông Thiệt nhớ lại.
Theo lời ông Lâm Tuấn Kiệt, nguyên Chính trị viên Thị đội Bạc Liêu, lúc này, tên tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp dự tính sẽ đánh nhau sống chết với quân giải phóng. Trong khi đó, Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu đánh giá sát tình hình, xác định tư tưởng tiến công, sẵn sàng chiến đấu giành thắng lợi. Càng gần tới ngày 30-4 tình hình chiến sự diễn ra căng thẳng hơn. “Ngày 28-4, ông Lê Quân, Đặc phái viên Khu ủy Khu Tây Nam bộ vào chùa Vĩnh Đức chỉ đạo đêm 29 nổ súng tiến công bằng ba mũi giáp công. Tuy nhiên, sau khi nắm được diễn biến tình hình của tên đại tá Nguyễn Ngọc Điệp, Tỉnh ủy nhận định nếu chúng ta tấn công mạnh về chính trị và binh vận có thể địch sẽ đầu hàng, Bạc Liêu giải phóng không đổ máu. Do đó Ban chỉ huy chiến dịch quyết định không tấn công bằng quân sự”, ông Lâm Tuấn Kiệt kể.
Sau khi bàn bạc thống nhất, 7 giờ sáng ngày 30-4, từ chùa Vĩnh Đức, phái đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bạc Liêu gồm ông Lê Quân, ông Trần Thanh Hồng (lãnh đạo Cao Đài tỉnh Bạc Liêu, cũng là Phó chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh) và trụ trì Thích Hiển Giác, trực tiếp vào dinh Tỉnh trưởng gặp mặt, vận động tên đại tá Nguyễn Ngọc Điệp bàn giao chính quyền cho cách mạng. Theo hồi ký của ông Lê Quân, lúc bấy giờ, đoàn đã có những giờ phút đối đầu hết sức căng thẳng, gay cấn để thuyết phục đại tá Nguyễn Ngọc Điệp - tỉnh trưởng Bạc Liêu hạ vũ khí. Lúc đầu tên tỉnh trưởng Bạc Liêu và một số thuộc hạ vẫn còn ngoan cố không khuất phục và dọa sẽ tử thủ đến cùng. Tuy nhiên, sau khi được đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh phân tích tình hình, hắn mới chính thức ra lệnh hạ vũ khí, bàn giao chính quyền cho cách mạng.
Đúng 10 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng Bạc Liêu. Bạc Liêu hoàn toàn giải phóng không đổ máu, trước Sài Gòn một giờ đồng hồ và là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long giải phóng trước nhất. Ông Thích Quảng Thiệt nói: “Cái hào khí Bạc Liêu từ nhiều chục năm đấu tranh giải phóng dân tộc đổ máu rất nhiều, hy sinh cũng nhiều nhưng may mắn ở trận đánh sau cùng đã không đổ máu cho đôi bên và đồng bào. Tôi nghĩ rằng đây là điều khó nơi nào có được”.
45 năm trôi qua, một điều mà cũng “khó nơi nào có được” như ngôi chùa này là nơi thờ rất nhiều anh hùng, tướng lĩnh, những cán bộ đã đóng góp xương máu, công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đặc biệt, hơn 600 linh vị Mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh Bạc Liêu được ông Thích Quảng Thiệt sưu tầm và đưa về đây lo hương khói để tỏ lòng tôn kính. Những việc làm của các thế hệ trụ trì và sư sãi chùa Vĩnh Đức đã góp phần khẳng định sức mạnh khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Theo qdnd.vn