Nghiên cứu về tác dụng của khẩu trang đối với biến thể Omicron
(BDO)
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Brussels, Bỉ.
Nhóm nhà nghiên cứu y tế thuộc Viện Burnet, Australia, đã công bố mô hình mới cho thấy hiệu quả của khẩu trang đối với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Mô hình cho thấy việc đeo khẩu trang đầy đủ trong khoảng thời gian từ tháng Bảy đến tháng 10/2022 có thể giảm số ca mắc, nhập viện lên đến 20% và số ca tử vong lên đến 14%.
Nghiên cứu không đánh giá hiệu quả của các loại khẩu trang khác nhau.
Theo các nhà nghiên cứu, mô hình đánh giá khẩu trang, được thực hiện vào tháng Bảy năm nay, phản ánh rõ lợi ích của việc đeo khẩu trang, đặc biệt là ở trong nhà.
Mô hình cho thấy càng đeo khẩu trang nhiều, càng mang lại hiệu quả, do đó, khẩu trang có thể giúp giảm thời gian đỉnh dịch, đẩy nhanh việc giảm dần làn sóng bệnh dịch.
Bên cạnh đó, mô hình cũng cho thấy một lượng lớn những người nhiễm các biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 đã không được ghi nhận tại Australia.
Giả định trên được đưa ra do sự chênh lệch giữa số ca mắc và nhập viện.
Cụ thể, do số ca nhập viện cao hơn dự đoán, nên các nhà nghiên cứu cho rằng có thể có nhiều ca mắc trong cộng đồng chưa được thông báo.
Ngày 12/8, Bộ Y tế bang Victoria cho biết 550 người đã phải nhập viện do mắc COVID-19 tại bang này, giảm mạnh so với mức đỉnh 906 ca hồi tháng trước.
Cho dù làn sóng dịch mùa Đông giảm dần, nhà chức trách bang đã kêu gọi người dân cảnh giác, đồng thời cung cấp hơn 3 triệu khẩu trang N95 và KN95 miễn phí cho người dân.
Báo cáo của Viện Actuaries, chuyên nghiên cứu tỷ lệ tử vong ở Australia, công bố tuần này, cho thấy COVID-19 là nguyên nhân gây số ca tử vong cao thứ 3 ở Australia trong năm 2022, sau bệnh tim và chứng mất trí.
Báo cáo ước tính trong 7 tháng đầu năm 2022, đã có 7.100 ca tử vong do mắc COVID-19 trên khắp Australia./.
Theo TTXVN