Nghiên cứu sâu về hiệu quả phòng chống biến thể Omicron của vaccine
(BDO)
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ được công bố mới đây, kháng thể được tạo ra nhờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 và các mũi vaccine tăng cường sẽ mang lại ít hiệu quả trong phòng chống biến thể Omicron hơn so với các biến thể trước đây của virus SARS-CoV-2.
Các nhà khoa học Đại học Johns Hopkins đã tiến hành nghiên cứu về kháng thể ở 18 người đã tiêm các mũi vaccine cơ bản và vaccine tăng cường, song vẫn mắc COVID-19 từ cuối tháng 12/2021 đến giữa tháng 1/2022, giai đoạn biến thể Omicron hoành hành và gây ra trên 90% ca mắc COVID-19.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sỹ Joel Blankson, giáo sư Khoa Y của Đại học Johns Hopkins, cho biết các nhà khoa học phát hiện thấy lượng kháng thể cao ở những bệnh nhân này có thể ngăn chặn protein gai của virus SARS-CoV-2 bám chặt vào bề mặt tế bào, song lại không thể thực hiện tốt chức năng như vậy trong phản ứng với biến thể Omicron.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học cũng so sánh phản ứng của hệ miễn dịch của những người đã tiêm vaccine và mắc COVID-19 với những người đã tiêm vaccine song chưa mắc bệnh. Kết quả cho thấy lượng kháng thể ở hai nhóm này là tương đương nhau.
Kết quả này khác với kết quả các nghiên cứu trước đây cho rằng những người đã tiêm chủng mà nhiễm biến thể Alpha có lượng kháng thể thấp hơn so với những người đã tiêm phòng song chưa mắc COVID-19.
Tuy nhiên, nghiên cứu phát hiện thấy những bệnh nhân lây nhiễm đột phá với biến thể Omicron mà đã tiêm phòng, sản sinh ra phản ứng miễn dịch khỏe ở tế bào miễn dịch gọi là "Tế bào T". Theo giáo sư Blankson, điều này sẽ giải thích tại sao những người đã tiêm chủng thường mắc COVID-19 thể nhẹ./.
Theo TTXVN