Nghiên cứu mới tiết lộ biến thể Omicron tồn tại lâu hơn trên nhựa và da
(BDO) Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, biến thể Omicron tồn tại trên da và nhựa lâu hơn so với các biến thể khác.
"Tính bền vững về môi trường" cao - tức là khả năng duy trì lây nhiễm của biến thể Omicron có lẽ đã giúp nó thay thế biến thể Delta để trở thành biến thể vượt trội nhất và lây lan nhanh chóng. Trên bề mặt nhựa, thời gian tồn tại trung bình của chủng virus ban đầu cùng với Alpha, Beta, Gamma và Delta lần lượt là 56; 191,3; 156,6; 59,3 và 114 tiếng. Trong khi đó, thời gian tồn tại của biến thể Omicron trên nhựa là 193,5 tiếng, các nhà nghiên cứu cho biết trên bioRxiv. Trên các mẫu da từ thi thể, thời gian tồn tại trung bình của virus là 8,6 tiếng với chủng virus ban đầu; 19,6 tiếng với biến thể Alpha; 19,1 tiếng với Beta; 11 tiếng với Gamma; 16,8 tiếng với Delta và 21,1 tiếng với Omicron.
Ảnh minh họa: Reuters
Trên da, tất cả biến thể đều hoàn toàn bất hoạt trong 15 giây sau khi phơi nhiễm với nước rửa tay có cồn. Vì thế, các nhà khoa học khuyến cáo nên sử dụng các loại nước rửa tay hoặc sát khuẩn thường xuyên để ngăn ngừa sự lây nhiễm của dịch bệnh như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ngoài ra, que chọc mũi là cách tốt nhất cho các xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Những người sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh nhằm phát hiện Covid-19 nên ngoáy trực tiếp vào lỗ mũi như hướng dẫn của nhà sản xuất.
Đầu tháng này, giữa bối cảnh biến thể Omicron chiếm gần như tất cả số ca mắc mới ở San Francisco, các nhà nghiên cứu đã sử dụng cả xét nghiệm PCR và xét nghiệm kháng nguyên nhanh BinaxNOW trên 731 người yêu cầu xét nghiệm Covid-19. Việc xét nghiệm bằng que chọc mũi đã "phát hiện hơn 95% những người có lượng virus cao nhất, cũng là những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất", bác sĩ Diane Havlir thuộc Đại học California, San Francisco cho hay.
Trong 115 tình nguyện viên có kết quả dương tính trong xét nghiệm PCR, đội ngũ nghiên cứu đã so sánh với các kết quả xét nghiệm BinaxNOW sử dụng các mẫu thử từ mũi và cổ họng. Những mẫu thử từ cổ họng phát hiện được số ca mắc ít hơn 40% so với những mẫu thử lấy từ mũi.
Một nghiên cứu từ Tây Ban Nha cũng cho thấy, việc lấy mẫu xét nghiệm bên trong má có mức độ đáng tin cậy ít hơn nhiều so với mẫu lấy từ mũi để phát hiện virus. Những nghiên cứu gần đây đã cho thấy biến thể Omicron có thể phát hiện trong cổ họng sớm hơn so với trong mũi, dẫn đến một số chuyên gia cho rằng người sử dụng nên lấy mẫu từ cổ họng mặc dù Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho rằng các xét nghiệm nên được thực hiện như chỉ dẫn./.
Theo VOV