Nghịch lý thị trường: CPI giảm kỷ lục, giá cả hàng hóa không giảm!
Theo lẽ thường, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm thì mặt bằng giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường cũng giảm, vì CPI vốn được thống kê từ chính giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Tuy nhiên, trái ngược với điều này, trong tháng vừa qua CPI liên tục giảm sâu kỷ lục, trong khi đó giá cả nhiều mặt hàng hóa, dịch vụ trên thị trường lại không có dấu hiệu giảm, ngược lại có mặt hàng vẫn ngo ngoe chờ tăng giá! Đây là một nghịch lý khó giải thích...
Chi phí đầu vào giảm nhưng giá cả hàng hóa trên thị trường vẫn ngo ngoe tăng giá. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Vinatex Bình Dương
Giá đã lên thì khó giảm!
Nhìn vào con số thống kê tháng 6, với mức giảm 0,26% so với tháng 5, tính chung từ đầu năm, CPI của cả nước chỉ tăng 2,52%, mức tăng thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. So với cùng kỳ năm 2011, mặt bằng giá hiện tại cũng chỉ tăng khoảng 6,9%. Mặc dù vậy, có lẽ với nhiều người tiêu dùng, CPI là gì, tăng hay giảm và có ý nghĩa gì không quan trọng, cốt yếu với họ, khi mua sắm một mặt hàng hóa, dịch vụ nào đó, giá cao hay thấp, đắt hay rẻ mà thôi. Chính vì thế, khi được hỏi về tình hình mua sắm và giá cả của hàng hóa trên thị trường khi CPI liên tục giảm sâu trong các tháng vừa qua, nhiều người tiêu dùng cũng không mấy quan tâm về việc CPI giảm có tác động thế nào đến việc tiêu dùng. “CPI giảm thì sao, việc mua sắm và giá cả thời gian qua chẳng có gì suy chuyển, giá vẫn thế...” là những câu trả lời quen thuộc của người tiêu dùng khi được hỏi. Có một thực tế trên thị trường Bình Dương cũng như cả nước nói chung sau những lần hình thành nên một mặt bằng giá mới, mặt bằng giá đó thường luôn tăng lên, tạo lập một bằng giá mới chứ không hề giảm đi.
Nhìn lại qua các lần tạo mặt bằng giá mới trên thị trường hàng hóa, dịch vụ thời gian qua, khi lạm phát tăng cao, có thời điểm lên đến trên 18%, giá cả hầu hết các mặt hàng đều đua nhau tăng giá với mức tăng chóng mặt. Chẳng hạn, đối với nhóm hàng hóa thực phẩm, cụ thể là thịt, cá, tôm các loại đã tăng gấp đôi. Một người tiêu dùng cho hay, nếu trong năm 2010, giá tôm chỉ dao động ở mức 80.000 - 100.000 đồng/kg thì thời điểm cuối năm năm 2011, đã tăng 180.000 - 200.000 đồng/kg và đến nay vẫn giữ nguyên ở mức này mặc cho CPI đã giảm sâu. Thói quen đã tăng thì khó giảm còn thể hiện rõ ở lĩnh vực dịch vụ vận tải. Khi lạm phát và đặc biệt là giá xăng dầu tăng cao, các doanh nghiệp vận tải đua nhau tăng giá; nhưng khi lạm phát tăng trưởng âm, giá xăng dầu đã được Nhà nước điều chỉnh giảm tới 3 lần thì giá cước vận tải vẫn không có dấu hiệu giảm...
Cần đả phá thói quen xấu
Giá cả một loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường được hình thành dựa trên chi phí đầu vào sản xuất, vận chuyển, hao mòn máy móc thiết bị, thuế các loại và một khoản lãi ròng của nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ cùng với một số yếu tố khác của thị trường, đặc biệt là quy luật cung - cầu. Tuy vậy, trên thị trường hiện nay, với những diễn biến như đã nêu, khi mà các yếu tố đầu vào giảm, đặc biệt là lãi suất đã giảm mạnh, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về chính sách thuế do Chính phù hỗ trợ... nhưng giá cả hàng hóa lại không giảm theo là một nghịch lý khó giải thích. Điều này cho thấy việc giá cả tăng còn bị chi phối bởi thói quen đã tăng thì khó giảm!
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là một thói quen xấu trên thị trường giá cả hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, làm cho quy luật giá cả không chỉ bị quy luật cung - cầu chi phối mà còn bị chi phối bởi thói quen tâm lý này. Điều này cũng tác động không nhỏ đến thực tế cán cân cung - cầu trên thị trường hàng hóa, dẫn đến tình trạng cung không gặp cầu, làm giảm cầu của thị trường khi mà đường ngân sách trong khái niệm kinh tế học không tiệm cận được với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân. Cũng theo đó, việc giảm nhu cầu tiêu dùng đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các dấu hiệu giảm phát kinh tế trong tháng 6 vừa qua đã bộc lộ khá rõ khi hầu hết tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương... và nhiều địa phương khác đều công bố mức tăng CPI âm.
Cũng theo các chuyên gia, khi kinh tế suy giảm, Chính phủ thực hiện kích cầu, nhưng các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu dùng, cung cấp dịch vụ không thực hiện quản trị để đưa ra mức giá hàng hóa phù hợp, giá không giảm hoặc giữ nguyên, cứ theo thói quen xấu giá đã tăng thì không giảm, bài toán hàng tồn kho hiện nay của doanh nghiệp cũng khó mà giải quyết. Khi đó, chính các doanh nghiệp này cũng tự làm khó mình khi không thực hiện kích cầu bằng việc giảm giá thành sản phẩm.
THÀNH SƠN