Nghĩa tình ở Vĩnh Phú

Thứ tư, ngày 23/04/2014

Chiến tranh đã đi qua, toàn phường Vĩnh Phú có 94 gia đình liệt sĩ, 31 thương binh, 1 bệnh binh, 49 người có công cách mạng và 3 mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 1 mẹ còn sống. Nói về công tác đền ơn đáp nghĩa cho người có công cách mạng, Vĩnh Phú được xem là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác này. Với trách nhiệm chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, năm 2013, Vĩnh Phú đã phối hợp tổ chức thăm, tặng 16 phần quà tết cho gia đình chính sách khó khăn, ốm đau, số tiền 16 triệu đồng; đồng thời phát tiền ưu đãi hàng tháng cho gia đình chính sách hơn 1,1 tỷ đồng; phát 155 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng chính sách sử dụng 2 năm (2013-2014); sửa chữa 1 căn nhà tình nghĩa cho mẹ liệt sĩ Trần Thị Vận ở khu phố Hòa Long 26 triệu đồng. Việc làm đáng trân trọng là Vĩnh Phú đã xác nhận cho thương binh, gia đình liệt sĩ ưu tiên giảm thuế; lập sổ ưu đãi học sinh, sinh viên con của thương binh được hưởng chế độ về giáo dục, nhằm tạo điều kiện cho con em gia đình chính sách có điều kiện đến trường.

Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phú và bà Ong Thụy Hoàng Mai tặng quà cho gia đình chính sách. Ảnh: V.SƠN

Bên cạnh đó, Vĩnh Phú luôn quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa chăm lo đời sống gia đình chính sách. Thời gian qua, cùng với phường, Công ty TNHH Tân Hiệp Phát đã nhận phụng dưỡng suốt đời cho 9 đối tượng với 3,6 triệu đồng/tháng; Công ty TNHH MTV An Bình, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bình Dương nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sáu 2 triệu đồng/tháng. Nhân dịp lễ, tết, Vĩnh Phú còn vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tặng hàng trăm phần quà và tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí tại Phòng khám Đa khoa khu vực phường Vĩnh Phú cho gia đình chính sách… Nhờ đó, đời sống của gia đình chính sách ở Vĩnh Phú ổn định hơn, thậm chí có nhiều hộ vươn lên khá giả. Điển hình như hộ ông Trần Tấn Bửu, thương binh 2/4, ở khu phố Trung trước đó rất khó khăn nhưng nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và ý chí tự vươn lên, đến nay, gia đình ông đã trở thành hộ khá.

Phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa và nhân rộng mô hình xã hội hóa chăm lo đời sống gia đình chính sách đã góp phần trọn nghĩa vẹn tình với những người con trung hiếu ở địa phương.

VĂN SƠN