Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII): Đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

Thứ sáu, ngày 30/06/2017

Sáng qua (29-6), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng. Tại điểm cầu Bình Dương, đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị thành phố, lãnh đạo xã, phường đã dự hội nghị.

 Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng tại điểm cầu Bình Dương. Ảnh: HẢI ĐĂNG

(BDO) Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tầm quan trọng của các nghị quyết và khẳng định, nội dung trọng tâm của các Nghị quyết này là những định hướng lớn, mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân. Đây là những chủ thể rất quan trọng, là nơi tạo ra của cải vật chất chủ yếu của nền kinh tế. Thủ tướng cho rằng, hội nghị lần này nhằm quán triệt, cung cấp thêm và giúp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan Trung ương, tất cả các địa phương nắm vững nội dung cơ bản, những điểm mới của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), đồng thời vận dụng các mục tiêu, những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp vào xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, đề cao trách nhiệm, gương mẫu thực hiện, nói đi đôi với làm, chỉ đạo triển khai nghị quyết một cách có hiệu quả, thiết thực.

Cùng với việc quán triệt nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền vận dụng các mục tiêu, những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp vào xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị; đề cao trách nhiệm, gương mẫu thực hiện, nói đi đôi với làm; chỉ đạo triển khai nghị quyết một cách có hiệu quả, thiết thực.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu cần thống nhất nhận thức và các nội dung cốt lõi của các nghị quyết. Về nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Thủ tướng nêu rõ: Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực giải phóng nguồn lực, tạo mọi thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nhất là trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, tập trung hoàn thiện pháp luật về đất đai, tạo thuận lợi hỗ trợ tích tụ tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đổi mới công tác xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển, đầu tư công và phân bổ các nguồn lực. Đẩy mạnh cải cách tiền lương, tiền công, bảo đảm an sinh xã hội, khẩn trương rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế kinh tế để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu.

Đối với nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Tại nghị quyết lần này, Trung ương xác định rõ kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững.

Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên doanh, liên kết, theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo phong trào khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết, hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác; khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng yêu cầu ngay sau hội nghị, các cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình hành động triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng gắn với thực tiễn của ngành, cơ quan, đơn vị, làm cơ sở để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của từng cấp ủy, từng cơ quan, đề xuất phương hướng, mục tiêu, giải pháp trong những lĩnh vực, nhiệm vụ, công việc được giao. Việc thực hiện các nghị quyết, nhất là 3 nghị quyết về kinh tế lần này, phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán với Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết khác của Trung ương; cụ thể hóa thành các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, của các cấp, các ngành, của các địa phương.

Hội nghị đã được nghe đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương quán triệt 3 nghị quyết chuyên đề về kinh tế gồm: Nghị quyết về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết về Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và Nghị quyết về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

 

 Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Hướng dẫn số 36-HD/BTGTW, ngày 12-6-2017 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã xây dựng Kế hoạch số 33-KH/TU tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (dưới đây viết tắt là nghị quyết) trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Theo yêu cầu của kế hoạch, các cấp ủy Đảng cần tổ chức các hình thức học tập, quán triệt phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị và từng đối tượng. Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt phải thiết thực, hiệu quả, không qua loa, hình thức; kết hợp nghe giới thiệu, luận giải trên hội trường với thảo luận, tự đọc, tự tìm hiểu là chính; chú ý công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết kịp thời việc học tập, quán triệt cũng như việc tổ chức thực hiện nghị quyết; đề cao vai trò của bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo quán triệt nghị quyết; xây dựng chương trình hành động của cấp ủy và kế hoạch hành động của cá nhân thực hiện nghị quyết; nêu cao tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên trong nghiên cứu và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hành động của cấp ủy.

Chương trình hành động của cấp ủy thực hiện nghị quyết cần được chuẩn bị một cách nghiêm túc, bám sát văn kiện Hội nghị lần thứ 5 khóa XII, trong đó, phải bảo đảm quan điểm chỉ đạo, những chủ trương, định hướng lớn được quyết định tại hội nghị và phù hợp với địa phương, bảo đảm điều kiện thực hiện.

TRÍ DŨNG