Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 1-10-2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Hành vi quan hệ tình dục khác cũng là hành vi hiếp dâm

Thứ bảy, ngày 06/06/2020

(BDO) Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định khái niệm: “Hành vi quan hệ tình dục khác” cũng là hành vi hiếp dâm. Nội dung này được hướng dẫn chi tiết tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 1-10-2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Đối với các tội xâm phạm nhân phẩm của con người thì hành vi “giao cấu” đã được định nghĩa là: “Giao tiếp bộ phận sinh dục ngoài của giống đực với bộ phận sinh dục của giống cái ở động vật” và được hướng dẫn tại Bản tổng kết số 329- HS2 ngày 11-5-1967 của Tòa án nhân dân tối cao về đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về tình dục và Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVN ngày 2-1- 1998 của Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định khái niệm: “Hành vi quan hệ tình dục khác” cũng là hành vi hiếp dâm. Tuy nhiên Bộ luật Hình sự không có giải thích từ ngữ “thế nào là hành vi quan hệ tình dục khác”; vì vậy, việc nhận thức trong các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng mỗi nơi một khác.

Xuất phát từ yêu cầu đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP để hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 06 thì:

Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;

Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.

Đồng thời, nghị quyết cũng liệt kê tình tiết “sử dụng thủ đoạn khác” tại khoản 1 của các Điều 141 và Điều 142, bao gồm: Các thủ đoạn như đầu độc nạn nhân; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

Về hiệu lực thi hành: Nghị quyết đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 20-9-2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5-11-2019. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

 Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 6834/ UBND-NC ngày 31- 12-2019 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.