Nghị quyết 7C tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Nâng chất lượng bữa ăn ca cho người lao động
(BDO) Chất lượng bữa ăn ca của người lao động (NLĐ) là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thể trạng của NLĐ. Với chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, vấn đề này đã được các cấp công đoàn đặc biệt quan tâm, chủ động tham gia cùng các cơ quan chức năng và người sử dụng lao động trong việc nâng chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ…
Chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ luôn được các doanh nghiệp quan tâm. Trong ảnh: Bữa ăn của NLĐ tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương Ảnh: T.VY
Những năm qua, các cấp công đoàn đã có nhiều biện pháp thiết thực, chủ động tham gia với chủ sử dụng NLĐ nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, góp phần nâng cao thể trạng, sức khỏe của NLĐ. Công đoàn cấp trên cơ sở đã tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở (CĐCS) đưa nội dung bữa ăn ca của NLĐ vào nội dung đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Đến nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm tới bữa ăn ca của NLĐ với chất lượng khá tốt. Nhiều DN tự tổ chức bữa ăn ca nhằm tiết kiệm chi phí; bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua lựa chọn nhà thầu có uy tín, nguồn gốc xuất xứ thực phẩm. Các bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết có nội dung về bữa ăn ca của NLĐ ngày càng tăng. Ông Huỳnh Văn Lương, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết, theo số liệu báo cáo của các cấp công đoàn hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.763/2.150 CĐCS trong các loại hình DN có hỗ trợ bữa ăn ca cho NLĐ, đạt 82%. Đa số các DN có hỗ trợ bữa ăn ca cho NLĐ mức thấp nhất là 11.000 đồng/suất, mức cao nhất là 25.000 đồng/suất; trong đó chưa tính các khoản chi phí quản lý, khấu hao, thuế…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bữa ăn ca của NLĐ tại nhiều DN vẫn còn một số tồn tại như: chất lượng bữa ăn ca chưa đáp ứng nhu cầu tái tạo sức lao động, chất lượng thực phẩm và điều kiện chế biến chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao, mức khẩu phần ăn còn thấp chưa bảo đảm để NLĐ tái tạo sức lao động… Theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng Trung ương, khẩu phần ăn của NLĐ với mức ăn từ 12.000 - 13.000 đồng tại một số DN chỉ đáp ứng được 89,7% nhu cầu về năng lượng. Bữa ăn của NLĐ không chỉ thấp về chất lượng mà còn nghèo về giá trị dinh dưỡng.
Để thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, chủ động tham gia với các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động trong việc bảo đảm chất lượng bữa ăn ca của NLĐ, ngày 25- 2-2016, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Nghị quyết 7C/NQ-BCH về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ” (gọi tắt là Nghị quyết 7C). Để triển khai thực hiện Nghị quyết 7C tại Bình Dương, ngày 10-3- 2016, Thường vụ LĐLĐ tỉnh cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 7C của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Với mục đích chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm chất lượng bữa ăn ca đối với NLĐ, góp phần hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của NLĐ, chương trình hành động gồm 3 nội dung chính: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ, người sử dụng lao động về chất lượng bữa ăn ca; đẩy mạnh thực hiện đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể về bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của NLĐ; chủ động và phối hợp thực hiện hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, tổng kết đánh giá việc thực hiện bảo đảm chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và bữa ăn ca của NLĐ.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, mới đây, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tập huấn triển khai Nghị quyết 7C cho hơn 200 cán bộ là ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ tỉnh, lãnh đạo các ban công đoàn LĐLĐ tỉnh, cán bộ công đoàn cấp trên CĐCS và các CĐCS trên địa bàn tỉnh. Đây chính là sự khởi đầu để cán bộ công đoàn, sau khi được tiếp cận, nắm vững những nội dung của Nghị quyết 7C và được trang bị những kỹ năng cần thiết trong quá trình đối thoại, thương lượng nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ sẽ phát huy vai trò phối hợp với người sử dụng lao động trong việc giám sát chất lượng bữa ăn ca của NLĐ tại các DN trên địa bàn tỉnh. Hy vọng, Nghị quyết 7C sẽ được các DN hưởng ứng tích cực, từ đó góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ ngày càng cao hơn.
“Nghị quyết 7C là một trong những nghị quyết rất đặc biệt, có thể nói là nghị quyết đầu tiên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nâng cao chất lượng bữa ăn của NLĐ, với những nội dung rất rõ ràng. Theo đó, mục tiêu từ năm 2016, các CĐCS trong khu vực DN và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (tại nơi chưa thành lập CĐCS) khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa nội dung bảo đảm bữa ăn ca của NLĐ với mức thấp nhất là 15.000 đồng, khuyến khích các DN nâng mức bữa ăn ca cao hơn. CĐCS hoặc công đoàn cấp trên thực hiện khởi kiện giám đốc DN đối với DN để xảy ra ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của NLĐ”.
(Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh)
CẨM LÝ