Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ: Sẽ tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp vượt khó
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Báo Bình Dương giới thiệu toàn văn nghị quyết như sau:
Trong những tháng đầu năm 2012, mặc dù còn nhiều khó khăn do tác động từ bên ngoài và ngay từ trong nước, nhưng nhờ xác định đúng mục tiêu và triển khai tổ chức thực hiện chủ động, tích cực, có hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, nền kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Lạm phát kiềm chế ở mức thấp; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; sức mua của thị trường giảm; nền kinh tế tuy có tăng trưởng nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011. Doanh nghiệp dệt may sẽ được gia hạn 6 tháng thời gian nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5 và tháng 6 - 2012
Vì vậy, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhưng vẫn nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh đang là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ để bảo đảm thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã đề ra.
Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động bám sát tình hình thực tế, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012 và các biện pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời tập trung chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường như sau:
1. Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5 và tháng 6-2012 đối với các doanh nghiệp sau đây đang thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ:
a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực xổ số, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
b) Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
2. Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 theo quy định tại Quyết định số 2093/QĐ-TTg ngày 23-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất trong năm 2011 và năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang được Nhà nước cho thuê đất mà năm 2012 phải xác định đơn giá thuê đất theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30-12-2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 142 /2005 /NĐ-CP ngày 14-11-2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
3. Gia hạn 9 tháng thời hạn nộp đối với thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách Nhà nước (không bao gồm số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn theo Quyết định số 04/2012/QĐ-TTg ngày 19-1-2012 về việc gia hạn nộp thuế thêm 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý I, quý II năm 2011 của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động) của doanh nghiệp quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 của nghị quyết này và của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất, vận tải đường thủy (bao gồm cả vận tải thủy nội địa và vận tải biển), sản xuất thép, xi măng.
4. Miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối.
5. Gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thời gian gia hạn cụ thể cho từng dự án, nhóm dự án sau khi báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp.
6. Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định:
a) Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty) và các doanh nghiệp quy định tại Điểm b Khoản 1 của nghị quyết này.
b) Miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.
7. Các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
a) Tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả và theo đúng quy định.
b) Thực hiện các biện pháp để huy động 2.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn. Bộ Tài chính chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam tổ chức thực hiện theo quy định.
c) Cho phép mua sắm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đối với khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn nhưng chưa sử dụng vì thực hiện theo quy định của Nghị quyết 11/NQ-CP và đã được chuyển sang năm 2012.
d) Thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, xóa bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính... nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư từ nước ngoài.
đ) Thực hiện các biện pháp phù hợp để tăng cường thu hút, đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó chú trọng thu hút làn sóng đầu tư mới, quy mô lớn và công nghệ cao.
e) Bảo đảm các điều kiện cần thiết để tăng cường thu hút, giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), trong đó chú trọng giải phóng mặt bằng, bảo đảm vốn đối ứng cho các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực điện, giao thông.
g) Thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ.
h) Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ theo hướng chủ động tích cực, bảo đảm hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ xúc tiến thương mại cả trong nước và ngoài nước; sớm ký các hiệp định thương mại với các đối tác. Thực hiện rà soát việc sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cho các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2012, xây dựng phương án hỗ trợ bổ sung, trong đó tập trung để mở rộng thị trường có tiềm năng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
i) Tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động vật, thực vật, phân bón,...
k) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nhất là thủ tục về thuế và hải quan; rút ngắn thời gian thông quan, tăng cường công tác khai thuế điện tử qua mạng, đẩy mạnh triển khai nộp thuế qua hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế và hải quan. Phấn đấu giảm 10 - 15% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, hải quan cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương:
a) Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; sử dụng chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán hợp lý để thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra và giảm được mặt bằng lãi suất, bảo đảm phù hợp với diễn biến lạm phát.
b) Tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
c) Thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ...) và các giải pháp khác cần thiết, phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với những doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính.
d) Đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm hiệu quả trong tái cấu trúc ngân hàng thương mại, kiên quyết xử lý các ngân hàng yếu kém, hoạt động kém hiệu quả bằng các biện pháp phù hợp nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật, ổn định hệ thống và quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân gửi tiền và sử dụng dịch vụ ngân hàng.
9. Tổ chức thực hiện:
a) Các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết; trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để thực hiện nghị quyết theo quy định.
b) Căn cứ nghị quyết này, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp trong nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết. Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân; thực hiện cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Bám sát tình hình thực tế, chủ động theo dõi, đánh giá để có biện pháp xử lý linh hoạt, kịp thời hoặc kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp chỉ đạo, điều hành bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện nghị quyết; tổng hợp, báo cáo Chính phủ tình hình, kết quả triển khai thực hiện tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.
d) Các bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm điểm, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm tiếp theo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10-12-2012. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của từng bộ, cơ quan, địa phương, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 12-2012.