Nghị lực vượt khó của một thương bệnh binh
(BDO) Đi cùng cán bộ Lao động, Thương binh & Xã hội phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An, chúng tôi đến thăm khu nhà trọ của gia đình thương binh Phạm Huy Hiệu (SN 1952, thương binh loại 1/4, bệnh binh 2/3). Tuy là thương binh nặng nhưng hàng ngày ông vẫn luôn vượt khó, phấn đấu làm ăn phát triển kinh tế gia đình.
Ông Phạm Huy Hiệu chăm sóc vườn rau của mình
Tiếp chúng tôi sau khi trở về từ vườn rau tự trồng ở khu đất trống trước nhà, ông Hiệu lúc này trông không có vẻ gì là một người có thương tật. Ông Hiệu kể, hồi trước sau khi kết hôn với bà Đinh Thị Kim Phong cũng là thương binh 4/4 cùng quê ở Hà Tĩnh, gia đình ông làm lụng nuôi trồng đủ thứ để kiếm sống. May mắn thay, ông nuôi trồng gì cũng thành công nên đàn heo phát triển lên 30 con, đàn gà có khi lên đến 3.000 con, rồi mùa nào thức ấy ông trồng thêm bắp, khoai, rau các loại.
Đến năm 1997, khi KCN VSIP 1 thành lập, gia đình ông cũng chuyển đổi sang xây nhà trọ cho công nhân thuê ở. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên gia đình ông dần có cuộc sống ổn định. Ông Hiệu khoe, con gái ông là Phạm Thị Tâm Hảo học rất giỏi thi đậu 2 trường đại học và năm nào cũng nhận học bổng. Sau khi con gái tốt nghiệp đã được tuyển vào làm ở một công ty Nhật Bản trong KCN VSIP 2. Ông Hiệu nói, được Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm nên con gái tôi ăn học thành tài và có việc làm tốt trên quê hương Bình Dương, tôi vui mừng lắm. Rồi ông kể về một thời sống và chiến đấu anh dũng của ông cho chúng tôi nghe như để nhắc nhở những người trẻ sau này phải biết rèn luyện và cống hiến nhiều hơn để xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu mạnh. Ông kể, năm 18 tuổi ông đăng ký nhập ngũ tại Quân khu 4. 2 năm sau, ông được chuyển vào Nam thuộc Chiến trường B2 vùng Đông Nam bộ, thành lập Quân đoàn 4. Rồi làm quân quản tại phường 13, quận Bình Thạnh sau khi Sài Gòn được giải phóng.
Không chỉ là một người lính chiến đấu ngoan cường vì nền độc lập của dân tộc, ông Hiệu còn tham gia sang Campuchia giúp nước bạn giải phóng Phnôm Pênh vào năm 1979. Năm 1980, ông Hiệu trở về nước và được cử đi học tại Học viện Đà Lạt. Ra trường sau 3 năm đèn sách, ông Hiệu được phân công công tác tại Sư đoàn 7. Năm 1985, ông tiếp tục sang Campuchia giúp nước bạn. Trong Chiến dịch tổng tấn công vào khu vực Battambang, ông Hiệu chẳng may đạp phải mìn của Pol Pot bị thương ở chân phải, hỏng mắt trái và nhiều vết thương phần mềm ở chân tay. Đồng đội đưa ông về điều trị ở Bệnh viện 175 và Bệnh viện Quân đoàn 4. Nhưng vì vết thương quá nặng, nên các y bác sĩ phải cưa bỏ chân của ông. “Nỗi đau thân thể ấy đâu có gì đáng kể, bởi có nhiều đồng đội của ông đã không còn trở về”, ông Hiệu cho biết.
MINH HIẾU