Nghị lực phi thường của một phụ nữ khuyết tật

Thứ năm, ngày 11/11/2010

Tại buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa những người khuyết tật (NKT) do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức vừa qua, trong rất nhiều tấm gương tiêu biểu về nghị lực vươn lên trong cuộc sống, tôi đặc biệt ấn tượng về chị. Chị tên là Nguyễn Thị Kim Phụng, ở thị trấn Tân Phước Khánh (Tân Uyên), một người biết chiến thắng số phận bằng nghị lực phi thường...

Lúc chào đời, ba mẹ cũng cho chị một thân hình lành lặn như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng rồi, cuộc sống nghiệt ngã đã cướp đi tuổi thơ đáng yêu của chị mà đáng ra một đứa trẻ sẽ được hưởng  trọn vẹn. Đó là vào năm  lên 5 tuổi, sau một cơn sốt bại liệt, toàn thân chị trở nên bất động. Chị trở thành đứa trẻ tật nguyền và sống trong nỗi lo âu, trăn trở của gia đình. Thương con, ba mẹ chị ôm con chạy chữa thuốc men khắp nơi suốt nhiều năm liền. Và rồi, sự cố gắng của ba mẹ chị cũng được đền đáp phần nào để họ có thêm niềm tin giúp con vững bước. 12 tuổi chị bắt đầu đứng được. Cùng với sự dìu dắt của ba mẹ, chị bắt đầu tập đi từng bước, từng bước một dù di chứng của căn bệnh sốt bại liệt vẫn còn trên thân thể chị. Chị chia sẻ: “Lúc đó, tôi luôn sống trong mặc cảm, tự cho mình là gánh nặng của gia đình và xã hội. Với một thân thể không bình thường như thế này, không biết sau này mình có thể làm được gì để sống? Ao ước của tôi lúc đó là được cắp sách đến trường cùng bạn bè để sau này có thể tự nuôi sống bản thân”. Dù chặng đường phía trước còn lắm gian nan, nhưng để thực hiện ước mơ, với đôi chân không vững vàng ngày ngày chị phải tự đi bộ hơn 10 cây số để được học hành. Chính sự kiên trì đó đã giúp chị chiến thắng được khó khăn để vươn lên sau này. Không chỉ hoàn thành chương trình các cấp học một cách đáng khâm phục, mà chị còn là thủ khoa kinh tế của trường Đại học Sài Gòn.

Ra trường với tấm bằng cử nhân ngành kế toán, vui mừng bao nhiêu thì chị lại thất vọng bấy nhiêu bởi không ai chịu nhận một NKT như chị vào làm. Để không trở thành gánh nặng cho gia đình, chị phải nhận quần áo về nhà may, rồi nhận thêm hàng thêu, đan, móc cho người ta... để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Dù thế, chị vẫn tích cực tham gia sinh hoạt trong các tổ chức xã hội ở địa phương, như Hội Phụ nữ, Dân số... Cũng nhờ đó, chị được cô Nguyễn Thị Bảy ở Hội LH Phụ nữ thị trấn Tân Phước Khánh giới thiệu vào làm kế toán trong một công ty. Bằng sự cố gắng vươn lên trong mọi hoàn cảnh, tự tìm tòi, nghiên cứu trong công việc, cuối cùng chị trở thành kế toán trưởng của công ty này. Hiện tại, chị là kế toán trưởng của 15 công ty, doanh nghiệp, điều mà không phải ai cũng có thể làm được.

Để làm nên điều kỳ diệu ấy, chị đã phải nỗ lực phấn đấu không ngừng trong mọi hoàn cảnh. Đó không chỉ là nghị lực vượt qua bệnh tật, số phận, hoàn cảnh để tự khẳng định mình, mà còn phải chiến thắng được sự mặc cảm, khó khăn trong cuộc sống để xây dựng cho mình một gia đình ấm no, hạnh phúc. Chị bộc bạch: “Từ thực tế bản thân, tôi rút ra một điều rằng, NKT cũng có thể làm được mọi việc, chỉ cần chúng ta tự tin, cố gắng và biết chọn cho mình một hướng đi phù hợp. Trước những khó khăn thử thách, mỗi người phải tự chọn cho mình một cách đón nhận khác nhau để có một hướng đi riêng, thích nghi với hoàn cảnh mới, không gục ngã trong giông tố cuộc đời...”.

Dù công việc kế toán chiếm hết phần nhiều thời gian của chị, nhưng hàng năm chị còn tham gia hướng dẫn luận văn cho nhiều sinh viên các trường Đại học Bình Dương, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, Trung cấp Kinh tế Bình Dương và trường Cao đẳng Hải quan TP.HCM. Chia tay chị, tôi nhớ mãi những lời mà chị đã tâm sự chân tình với những người có cùng cảnh ngộ giống mình: “Bất kể là ai, trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người đều tồn tại một khát vọng mãnh liệt, đó là khát vọng sống. Chính khát vọng ấy đã khiến cho biết bao con tim trăn trở, thao thức đi tìm cho mình một cách nghĩ, một hướng đi để theo đuổi hoài bão, ước mơ và tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Khi biết nghĩ về người khác, biết sống vì người khác, anh chị sẽ gia tăng được sức sống cho chính bản thân mình. Anh chị cứ hy vọng rằng, mình vẫn còn có thể sống hữu ích cho người khác và chính niềm hy vọng này sẽ giúp anh chị thành công trong cuộc sống. Tôi luôn mong muốn các anh chị khuyết tật hãy sống tự tin hơn, dễ dàng hòa nhập hơn, bởi cuộc sống này vẫn rất tươi đẹp, vẫn rất công bằng với tất cả mọi người. Mỗi anh chị phải tự vượt lên chính mình, có như thế mới hòa nhập tốt với xã hội, trở thành những người có ích, bởi cuộc sống là không ngừng phấn đấu. Chúng ta hãy luôn lạc quan, hy vọng vào ngày mai tươi sáng với nụ cười luôn nở trên môi”.

HỒNG THUẬN