Nghị định 52/2021/NĐ-CP: Chiếc “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp
(BDO) Mặc dù dịch bệnh Covid-19 trên cả nước được kiểm soát tốt, nhưng rất nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa thoát khỏi khó khăn do những tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Nghị định 52/2021/NĐ-CP (Nghị định 52) của Chính phủ vừa ban hành được xem là “liều thuốc” quý giá giúp DN “hồi sức” ổn định và phát triển.
Các DN ngành gỗ đang nỗ lực vượt khó cùng các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại một DN trên địa bàn TX.Tân Uyên
Doanh nghiệp phấn khởi
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52 ngày 19-4-2021, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Theo đánh giá của các DN, việc gia hạn là cần thiết để các DN, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021.
Theo thông tin từ Cục thuế tỉnh, để được gian hạn, người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm, thực hiện nộp 1 lần duy nhất giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho cơ quan thuế. Hiện nay, thủ tục này đã được thực hiện trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế để tạo thuận lợi cho người dân và DN. Trong trường hợp DN, hộ kinh doanh không nằm trong diện được gia hạn nhưng do xác định nhầm lẫn vẫn có thể nộp đơn, cơ quan thuế sẽ có phản hồi ngay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh, cho rằng các chính sách hoãn, giãn các loại thuế trong Nghị định 52 của Chính phủ rất hữu hiệu với DN, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh Covid-19. Thực hiện giãn, hoãn thuế giúp các DN có thêm nguồn vốn tạm thời để quay vòng, phục vụ sản xuất kinh doanh. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19, DN gặp rất nhiều khó khăn, thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ bị hạn chế, thiếu hụt lao động, doanh thu sụt giảm, nguồn tiền chi trả các chi phí vận hành DN hạn hẹp… Chính phủ ban hành Nghị định 52 không chỉ đơn thuần hỗ trợ DN mà còn tạo hiệu ứng xã hội rất tốt. Ông Hiệp cũng đánh giá cao việc chỉ trong vòng 1 năm, lần thứ ba Chính phủ đã gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ DN gặp khó khăn. Việc gia hạn các loại thuế rất kịp thời, như chiếc “phao cứu sinh” cho các DN vượt qua khủng hoảng.
Chia sẻ và đồng hành
Nghị định 52 có đối tượng áp dụng rộng rãi, không chỉ DN bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 như bán lẻ, logistics, du lịch mà kể cả những DN bị tác động ít hơn như khai khoáng... cũng được thụ hưởng. Đây là điều khá đặc biệt, thể hiện sự bình đẳng, không phân biệt giữa các loại hình kinh doanh khác nhau trên thị trường, đồng thời thể hiện quyết tâm, chia sẻ và đồng hành với cộng đồng DN từ phía Chính phủ.
Tính đến thời điểm này, Chính phủ đã ban hành 3 chính sách hỗ trợ DN gặp khó khăn. Trong quá trình thực hiện 2 lần trước từ chính sách gia hạn, giãn, miễn giảm thuế, khảo sát từ cộng đồng DN cho thấy, hoãn và giãn thuế là chính sách DN ưa thích nhất, việc tiếp cận cũng thuận lợi, dễ dàng. Phấn khởi là thế song các chuyên gia kinh tế cho rằng chủ trương là rất tốt nhưng quan trọng là triển khai phải hiệu quả. Nếu để tình trạng vướng mắc về thủ tục, triển khai chậm hoặc cán bộ thực thi gây khó dễ, có thể khiến các DN bị lỡ thời cơ tận dụng nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành đã và đang hỗ trợ DN tiếp cận kênh thông tin xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh trong thương mại quốc tế, đẩy mạnh các chính sách kích cầu, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước… Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, các chuyên gia kinh tế cho rằng cộng đồng DN cần chủ động, tích cực tìm kiếm cơ hội, ý tưởng, đối tác kinh doanh mới. Từ đó, khai thác tối đa những tiềm năng của DN và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia.
Đại diện cộng đồng DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng thời điểm này chính là lúc cần có sự chung tay góp sức của tất cả các DN, các hiệp hội DN, các cơ quan, từng cán bộ trong bộ máy nhà nước, không chỉ bằng công sức mà còn phải cả trí tuệ để có thể tiếp tục đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến lên. Đây không chỉ là thách thức đối với Chính phủ, mà còn là thách thức đối với cả các DN, hiệp hội, các chuyên gia để đưa ra được các giải pháp hiệu quả về lâu dài.
TIỂU MY