Nghị định 102/2014/NĐ-CP: Cụ thể, rõ ràng, phù hợp
(BDO) Ngày 10-11-2014, Chính phủ ban hành Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thay thế cho Nghị định 105/2009/NĐ-CP. Nghị định mới có nhiều quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với từng hành vi vi phạm, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả, các hành vi vi phạm mới với mức phạt tiền cao hơn.
Cán bộ ngành tài nguyên và môi trường đo vẽ chi tiết ngoài thực địa ở Bình Dương
Nhiều điểm mới
Ngày 1-7-2014, Luật Đất đai 2013 bắt đầu có hiệu lực, thế nhưng, nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi bị nghiêm cấm trong luật chưa được ban hành, đồng thời, khi luật có hiệu lực đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan trong việc phát hiện, xử lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm. Chính vì thế, ngày 10-11-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2014/ NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Nghị định 102/2014/NĐ-CP đã giải thích hành vi chiếm đất cụ thể và rõ ràng hơn Nghị định 105/2009/NĐ-CP. Theo đó, chiếm đất là việc sử dụng đất không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của thủ tục về đất đai. Như vậy, nghị định mới đã bỏ quy định hành vi chiếm đất của chủ sử dụng đất và bổ sung thêm trường hợp sử dụng đất khi chưa làm thủ tục giao đất, cho thuê đất.
Để khắc phục tình trạng xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức như Nghị định 105/2009/NĐ-CP quy định, thì tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 102/2014/NĐ-CP đã quy định hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hành vi vi phạm thì được áp dụng xử lý như đối với cá nhân. Bên cạnh đó, nghị định còn quy định áp dụng mức độ hậu quả để xác định mức phạt tiền trong 2 trường hợp: Chuyển mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp sang mục đích khác trong nhóm phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép (Điều 9); tự ý nhận chuyển quyền vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Điều 24); các hành vi vi phạm khác thì mức phạt tiền căn cứ vào diện tích vi phạm.
Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi chuyển từ đất lúa sang từng loại đất, cụ thể như: đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, nuôi trồng thủy sản… Ngoài ra, đối với hành vi lấn, chiếm đất ngoài mức phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu được quy định tại Nghị định 105/2009/ NĐ-CP thì Nghị định 102/2014/ NĐ-CP quy định thêm biện pháp buộc trả lại đất lấn, chiếm. Mặt khác, Nghị định 102/2014/ NĐ-CP cũng đã bổ sung nhiều quy định hành vi mới cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Hình thức xử phạt đã được cụ thể hóa
Nghị định 102/2014/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã thay đổi đáng kể, khi hầu hết các mức xử phạt đều tăng và được cụ thể hóa đối với các hành vi vi phạm. Theo đó, các hình thức xử phạt chính bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép từ 6 tháng đến 9 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 9 tháng đến 12 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Nghị định quy định mức xử phạt từ 2 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng. Đối với hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sang đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Cũng theo nghị định, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất. Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình.
Hành vi tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất đang có tranh chấp, đất đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án, đất đã hết thời hạn sử dụng nhưng không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gia hạn, chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai thì mức xử phạt được quy định từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi tự ý nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở mà người nhận chuyển nhượng không có ngành nghề kinh doanh phù hợp, không thực hiện ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư, không có đủ năng lực tài chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 43/2014/ NĐ-CP, không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.
Trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở thì hình thức và mức xử phạt cũng được quy định từ 10 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tùy theo thời gian tổ chức đó chậm làm thủ tục.
Thẩm quyền xử phạt
Nghị định mới đã được sửa đổi thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đất đai theo hướng sát với thực tiễn diễn ra trong thời gian qua: Quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng (quy định cũ chỉ 3 triệu đồng) sẽ thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã. Quyền phạt tiền đến 50 triệu đồng (quy định cũ là 30 triệu đồng) thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện. Quy định mới cũng không phân biệt tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hay không mà chỉ phân chia thành thẩm quyền của chủ tịch huyện và chủ tịch tỉnh nói chung. Quyền phạt tiền đến 500 triệu đồng thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Thanh tra viên có thẩm quyền xử phạt với các nội dung như: Quyền phạt cảnh cáo thuộc thẩm quyền của thanh tra viên đang thi hành công vụ; thanh tra viên đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng; quyền phạt tiền đến 50 triệu đồng sẽ thuộc thẩm quyền của Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Giám đốc sở, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra; các cá nhân, đơn vị này cũng có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện đó có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định theo thẩm quyền. Quyền phạt tiền đến 250 triệu đồng thuộc thẩm quyền của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ cũng có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Quyền phạt tiền đến 500 triệu đồng thuộc thẩm quyền của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai…
P.V