Nghị định 100/2019/nđ-cp quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Quán nhậu vắng khách

Thứ hai, ngày 13/01/2020

(BDO) Sau gần 2 tuần Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, hàng loạt quán ăn ở Bình Dương rơi vào cảnh ế khách. Điều này cho thấy người dân đang dần hiểu đúng ý nghĩa của luật và chấp hành một cách nghiêm túc.

 Quán nhậu vắng khách, nhân viên ngồi tán gẫu hoặc chơi game để “đốt” thời gian

 Nghiêm túc chấp hành

Dạo quanh các tuyến phố có nhiều quán nhậu trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, hơn 18 giờ, hầu hết các quán nhậu ở các phường Phú Hòa, Chánh Nghĩa, Phú Thọ… đều trong tình trạng vắng khách. Nhiều nhân viên trong quán ngồi tán gẫu hoặc chơi game để “đốt” thời gian. Quán vẫn trang trí, bày biện bàn ghế bắt mắt, nhạc vẫn xập xình sôi động, nhưng quang cảnh vẫn buồn vì vắng khách. Theo anh Võ Tấn Tiến, quản lý quán 1800 Chill Garden trên đường 30-4 (phường Phú Hòa): “Từ ngày Nghị định 100 được áp dụng, số lượng khách đến quán đã giảm hẳn. Không chỉ có quán của chúng tôi mà các quán, nhà hàng quanh đây cũng... vắng khách”.

Cũng trong tình trạng tương tự, quán Buffet hải sản nằm trên đường Lê Hồng Phong (phường Phú Hòa), lượng khách đến quán giảm đi khá nhiều sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được áp dụng. Trao đổi với chúng tôi về tình trạng này, anh Nguyễn Anh Tài, quản lý cho biết mỗi ngày lượng khách đến quán giảm nhiều so với trước. Quán cũng đã lên kế hoạch hỗ trợ khách hàng an tâm ăn uống trong khi vẫn bảo đảm tuân thủ luật giao thông.

Theo anh Ngô Hữu Trí, chủ quán Hữu Tình, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, với mức phạt cao có tính răn đe rất lớn thì một số khách hàng tỏ ra sợ hãi, không đến quán nhậu. Mặc dù có những người chỉ đến quán, uống chơi chơi 1 - 2 chai bia vào buổi trưa nhưng nay thì họ cũng không dám nâng cốc bia.

Để cứu vãn tình trạng trên, nhiều quán đã đưa ra các phương án hỗ trợ khách hàng đến ăn nhậu, như: Bố trí người lái xe túc trực tại quán để đưa khách đi bằng ô tô về nhà hoặc phối hợp với các dịch vụ đưa đón khách nhậu về nhà khi cần và chuẩn bị sẵn nơi để xe cho khách sau khi sử dụng bia rượu.

Người dân đồng tình ủng hộ

Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ rượu bia lớn nhất thế giới. Điều đáng tiếc là uống nhiều rượu bia đồng nghĩa với hao tổn nhiều về sức khỏe, tiền bạc và dẫn đến gây tai nạn giao thông nghiêm trọng... Vì thế, khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP được thực thi, nhiều người dân đã nghiêm túc chấp hành và tỏ ra rất đồng tình ủng hộ.

Trước đây, trong các bữa tiệc vui, nhiều người vẫn hay mời nhau ly bia hoặc ép uống cạn ly, thì nay đã khác. Chị Hoàng Thị Vân (TX.Thuận An) cho biết: “Tôi rất bất an mỗi khi chồng lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Vì thế, tôi thấy nghị định mới này rất hợp lý. Theo đó, trong các cuộc vui chồng tôi có lý do để từ chối lời mời uống bia rượu. Tôi mong mọi người hiểu đúng về ý nghĩa của nó để chấp hành và dần dần thay đổi nhận thức của người lái xe”.

Phấn khởi khi thấy nhiều người trong gia đình và hàng xóm chuyển đổi thức uống, từ bia rượu sang trà hoặc nước uống đóng chai trong các bữa tiệc vui, bà Bùi Thị Đoan Thương, Bí thư Chi bộ khu phố 6, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, nói: “Nghị định 100/2019/NĐ-CP được đưa vào áp dụng như một mũi tên trúng rất nhiều đích. Không những có tác dụng an toàn cho người tham gia giao thông mà nghị định còn bảo vệ được hạnh phúc của biết bao gia đình và giúp giảm sự quá tải của các phòng cấp cứu ở các bệnh viện, cũng như giảm được các loại bệnh do rượu bia gây ra”.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã góp phần bảo vệ hạnh phúc của người dân và gia đình của họ. Bởi phần lớn các vụ tai nạn giao thông, xô xát ẩu đả, mâu thuẫn gia đình cũng vì “rượu vào, lời ra”. Một người tham gia giao thông trong tình trạng sử dụng rượu bia, dẫu uống ít thì về tâm lý và ứng xử đều ở mức độ căng thẳng hoặc kích thích hơn mức bình thường. Với tinh thần của nghị định mới này, mọi người sẽ từng bước nâng dần ý thức từ đó hình thành lối sống lành mạnh hơn.

 Theo Nghị định 100/2019/NĐ- CP, các mức phạt dành cho tài xế uống rượu, bia tham gia giao thông như sau: Phạt tiền 80.000 - 600.000 đồng cho mỗi trường hợp vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp. Phạt tiền 2 - 8 triệu đồng cho mỗi trường hợp vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy. Phạt tiền 3 - 18 triệu đồng cho mỗi trường hợp vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng. Phạt tiền 6 - 40 triệu đồng cho mỗi trường hợp vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe ô tô…

MINH HIẾU