Nghề “xẻ thịt” nhà cũ
Có lẽ ở Bình Dương rộ lên nghề thu mua nhà cũ khi ngày càng nhiều khu vực được giải tỏa, giải phóng mặt bằng và công trình xây dựng mọc lên như nấm sau mưa...
Nhà cũ cũng có giá!
Nếu như trước đây, những căn nhà cũ khi bị đập bỏ phải kêu người đến cho... xà bần, dọn dẹp sạch sẽ để xây dựng lại thì nay khỏi cần. Gia chủ chỉ cần bán cho mấy đầu nậu chuyên thu gom nhà cũ là ok, xong, chìa khóa trao tay sau khi dọn đi ở trọ chờ xây nhà mới hay chuyển đến nơi khác sinh sống.
Một ngày làm cật lực 8 tiếng, thợ được trả công 160.000 đồng. Tiền công... đập nhà bằng thợ hồ đi xây nhà!
Một lần tôi đến khu vực giải tỏa thuộc “xóm nhà lá” của phường Phú Thọ thì nghe anh Minh chủ nhà khoe rằng: “Tôi mới bán... xác nhà được 6 triệu đồng lận đó! Tưởng mình dọn về quê, mặt bằng giao lại cho Nhà nước thì căn nhà cấp 4 của mình cũng bị đập bỏ luôn nhưng không ngờ cũng có một chút đỉnh tiền. Đỡ túng thiếu trong lúc này”. Theo anh Minh, nhà anh xây cấp 4 chỉ rộng gần 60m2. Cửa nẻo cũng chỉ là “làm tàm tạm thôi và tưởng là gỡ ra bán... ve chai cho mấy vựa thu mua phế liệu”. Đất không có thổ cư và diện tích xây dựng không bao nhiêu nên anh Minh nhận được nền đất đền bù cho việc tái định cư thì “để đó, sau này cho con” còn cả nhà anh chuyển về Tân Uyên sống với gia đình bên nội. Anh không ngờ nhà cũ cũng có người mua nên khi nghe có người hỏi thăm, anh bán liền kẻo “sợ người ta đổi ý”!
Theo quy định về xây dựng nhà trọ mới thì những căn nhà thấp tè và chật chội không đủ tiêu chuẩn. Một chị ở TX.Thuận An cũng định mở rộng khu nhà trọ, xây phòng ốc hẳn hoi và có cả công trình phụ, có gác lửng để nâng giá cho thuê cao hơn nên định đập bỏ nhà trọ, xây mới hoàn toàn. Đang loay hoay phải tốn công đập bỏ và phải trả tiền thợ thì có người hỏi mua để lấy cửa và sắt vụn. Mấy cái cầu thang sắt bắc tạm cũng được thu mua nên chị rất mừng. Hỏi giá bao nhiêu chị cũng bán bởi: “Ai biết có nghề này! Tui đang tính phải trả thêm tiền phá bỏ phòng trọ cũ cho phía chủ thầu xây mới, mấy thứ cửa sắt, cầu thang này nọ bán sắt cân ký cho vựa ve chai thì có người đến hỏi mua. Mừng quá chừng. Đòi giá cao làm gì?...”.
Nghề theo thời cuộc
Nghề thu mua “xẻ thịt” nhà cũ rộ lên những năm gần đây bởi nhu cầu xây nhà ở mới, chuyển đến những khu tái định cư của nhiều hộ dân trong khu quy hoạch. Theo một số người trong nghề kinh doanh nhà cũ thì “không giàu có gì nhưng cũng kiếm sống được bằng nghề lương thiện”. Hơn nữa, họ còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trẻ.
Vợ chồng anh Trịnh Quốc Tuấn và chị Nguyễn Thị Cẩm Hường làm nghề thu mua nhà cũ được hơn 7 năm nay. Ban đầu, chồng chị và mấy đứa em trai chỉ là đi làm công ăn lương nhưng sau thời gian dành được chút vốn liếng, chút kinh nghiệm “nhìn nhà đoán... sắt!” thì tách riêng và làm chủ. Nhờ “mát tay” nên công việc làm ăn ngày càng khấm khá. Họ sắm được những đồ nghề cần thiết, xe chuyên dụng và hiện có một đội quân sẵn sàng “vào cuộc tháo dỡ” khi anh chị đi mua được nhà.
Do nhu cầu xây nhà mới, giải tỏa mặt bằng ngày một nhiều nên vợ chồng anh Tuấn ít lúc nào phải nghỉ chơi không. Địa bàn họ mua được nhà cũ nhiều nhất là 3 thị xã: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và 2 huyện Tân Uyên, Bến Cát. 2 huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng họ ít... với tới hơn bởi đường đi xa, tiền thuê nhân công cao và cũng ít có những ngôi nhà cũ “đồ sộ” để hứa hẹn một vụ “thu hoạch” sắt thật nhiều. Điều mà người nào theo nghề mua nhà cũ cũng mong đợi!
Chị Hường cho biết, nhà có giá cao nhất mà anh chị từng mua là 90 triệu đồng/căn và thấp nhất là 5 triệu đồng/căn. Bình quân những căn nhà 2 - 3 tầng, kết cấu đơn giản thì khoảng 20 -30 triệu đồng/căn. Hỏi chị “quá trình” mua và... tiêu thụ nhà cũ như thế nào chị Hường cười cười: “Em cứ hình dung thế này nhé, y như nghề mua bán đồng nát vậy. Bởi là đồ cũ mà! Nhưng tụi chị lấy công làm lời. Đi coi nhà nào được được, định giá sắt dùng để xây nhà khoảng bao nhiêu thì ngã giá với chủ nhà. Khi hai bên thỏa thuận phải làm giấy biên nhận, đặt cọc đàng hoàng không người ta bán cho mối khác trả giá cao hơn. Khi dỡ nhà cũ thì phân loại từng thứ một từ cánh cửa, đồ gỗ... kể cả những thứ vật dụng gia chủ không cần, bán lại. Những thứ đáng giá, có thể sử dụng lại được như cánh cửa, tường rào, cổng thì bán lại cho vựa đồ cũ. Sắt cũ cũng phân loại rồi bán theo ký cho đại lý thu mua sắt phế liệu”...
Nghe ra đơn giản nhưng nghề này cũng khá nhiêu khê. Với những nhân công làm việc cho mình phải là người chịu khó, biết việc. Bởi công việc khá nặng nhọc. Sức trai trẻ với những chiếc búa tạ nặng hơn chục ký đập ầm ầm tường mới chịu đổ. Rồi người thu gom phải cẩn thận gom từng đoạn sắt nhỏ, từng tấm tôn lợp nếu không sẽ hao hụt rất nhiều. Gần chục thanh niên trai tráng đang đầu quân cho vợ chồng anh Tuấn được chủ thầu lo ăn ở nên số tiền công trong tháng còn lại được họ tích lũy gửi cho người thân khá đều đặn. Trong số nhân công này có hai anh em ruột Trương Tuấn Anh (23 tuổi) và Trương Tuấn Em (24 tuổi) quê ở An Giang là những người siêng năng, chịu khó. Tuấn Anh kể: “Qua sự giới thiệu của đứa cháu nên mới biết ở Bình Dương có cái nghề thu mua nhà cũ này. Ở quê hai anh em không biết làm gì nên lên đây xin vào làm hơn 3 năm nay. Tiền công 160.000 đồng/ngày và hàng ngày, không phải lo chuyện ăn uống nên tiền dư cũng khá. Cả hai anh em gửi lại cho chủ lâu lâu mới lấy một lần gửi về quê phụ ba má tiền sinh hoạt hàng ngày và sửa nhà đàng hoàng hơn”. Chị Hường kể thêm về hai anh em Tuấn Anh và Tuấn Em là những người con hiếu thảo. Tiền công gửi lại lâu lâu lấy 10 - 15 triệu đồng gửi về cho gia đình.
Nghề này cũng có những lúc “được ăn cả, ngã về không”! Đó là khi mua trúng cái nhà người ta “xây dối” và không có bao nhiêu sắt như chủ nhà nói! Đồ gỗ thì gặp thứ... mối mọt ăn rỗng hết trơn! Rồi cả chuyện định giá sai nên tiền bán đồ vụn không đủ trả công thợ và chi phí vận chuyển. Cũng như những nghề khác, nghề mua nhà cũ cũng có cạnh tranh và “chơi nhau” thì những chủ thầu gặp nạn cũng “no đòn” luôn. Nhiều người trong nghề cho biết, có những đầu nậu “non tay nghề”, mới mon men làm ăn bị “chơi xỏ” cho vài lần là mau mau tìm nghề khác. Đó là trường hợp những khu nhà bị giải tỏa với nhiều nhà kêu bán cùng lúc nên xảy ra chuyện tranh mua tranh bán. Có khi, một vài người chủ “bắt tay” nhau ra giá cao và một “gà mờ” bị mắc lởm khi trả giá cao nhưng khi phá, bán lại sắt vụn cho vựa bị lỗ vốn. Nhưng cũng có những người làm ăn kiểu “buôn có bạn bán có phường” và giúp nhau trong nghề. Kể cả chuyện những chủ thầu khi nhận xây nhà mới cũng “môi giới” giúp cho chủ đầu nậu thu mua nhà cũ bởi họ muốn có một mặt bằng... đẹp, sạch sẽ để xây dựng.
Đi cùng đội tháo dỡ nhà mới thấy đúng là trong xã hội có “bách nghệ”! Rất nhiều nghề để con người ta kiếm kế sinh nhai. Và một khi, làm những việc có lợi cho mình, có lợi cho người thì nghề cứ thế mà phát triển...
Công việc có để làm thường xuyên, thu nhập khá và được nhà chủ bao ăn, ở là những điều mà các lao động tự do chọn để... đầu quân cho các chủ thầu thu mua nhà cũ. Tuy nhiên, có một điều mà ít ai đề cập là bảo hiểm lao động, bảo hiểm tai nạn bởi đây cũng là nghề khá vất vả, nguy hiểm. Chỉ cần sơ suất một chút cũng có thể bị giẫm phải đinh, sắt nhọn hay những viên gạch đổ vỡ đè lên người gây thương tích.
QUỲNH NHƯ