Nghệ thuật sân khấu tuyên truyền về Đảng: Dung dị, dễ hiểu và xúc động
(BDO) Đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng sự rung cảm sâu sắc và tự thân của người nghệ sỹ khiến cho tác phẩm sân khấu đậm đặc các mục tiêu chính trị nhưng vẫn đầy cảm xúc sáng tạo nghệ thuật.
Những ngày Tết cổ truyền đã cận kề, nghệ sỹ Trần Quang Khải (Nhà hát Cải lương Việt Nam) vẫn miệt mài nghiên cứu kịch bản để chuẩn bị ra Giêng công diễn vở mới. Đây là một tác phẩm có đề tài về Bác Hồ, mang tên “Nước non vạn dặm,” dự kiến sẽ ra mắt trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Đối với nghệ thuật biểu diễn, đề tài Bác Hồ luôn là chủ đề lớn, thiêng liêng và cũng gây xúc động với người xem. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Với các nghệ sỹ, tham gia tác phẩm sân khấu có nội dung tuyên truyền về Đảng và Bác Hồ luôn là thách thức to lớn bởi họ phải diễn làm sao để chạm đến trái tim khán giả mà vẫn truyền tải được những thông điệp, chủ trương, chính sách của Đảng một cách dễ hiểu nhất.
Chủ đề lớn và thiêng liêng
Những năm gần đây, các đơn vị sân khấu cải lương đã tích cực dàn dựng những vở diễn về đề tài Đảng, lịch sử, cách mạng… Đây được xem là chủ đề lớn, thiêng liêng và cũng gây xúc động với người xem. Thực tế cũng đã có rất nhiều tác phẩm thành công, mang nội dung tuyên truyền bằng ngôn ngữ nghệ thuật.
Đạo diễn Lê Quý Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu Thế giới trực thuộc UNESCO, cho rằng các tác phẩm nghệ thuật lớn nói chung và một vở diễn sân khấu nói riêng luôn trực tiếp hoặc gián tiếp chia sẻ những vấn đề chính trị xã hội một cách sâu sắc, thấu đáo và đầy cảm xúc thông qua các hình tượng nhân vật.
Bởi vậy, nghệ thuật cũng trở thành một kênh truyền thông có hiệu quả sâu rộng và bền vững trong việc góp phần xây dựng, cải tạo và phát triển cuộc sống của con người. Tuy nhiên cần phân biệt rõ tuyên truyền thông qua các tác phẩm nghệ thuật với tuyên truyền thông qua các hình thức cổ động.
Một bên là sản phẩm được chắt lọc từ trái tim và khối óc sáng tạo của người nghệ sỹ. Một bên là các nhiệm vụ mang tính hành chính của những người làm công tác tuyên truyền.
“Biến sáng tạo nghệ thuật thành nhiệm vụ tuyên truyền sẽ trở nên khiên cưỡng. Đòi hỏi nhiệm vụ tuyên truyền phải như sáng tạo nghệ thuật sẽ có nhiều giới hạn. Mục tiêu tuyên truyền chính trị khi được chuyển hóa thành sáng tạo nghệ thuật phải dựa trên sự tôn trọng và lấy sáng tạo của người nghệ sỹ làm nền tảng,” ông nói.
Ông khẳng định sự rung cảm sâu sắc và tự thân của người nghệ sỹ trước các vấn đề chính trị xã hội mới là điều kiện duy nhất để có những tác phẩm độc đáo và thực sự có giá trị. Đó chính là cơ sở của những tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc và mỹ thuật trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc đậm đặc các mục tiêu chính trị nhưng đầy cảm xúc sáng tạo nghệ thuật.
“Hiệu quả của công tác tuyên truyền sẽ được nhân lên gấp bội nếu nó thực sự được thẩm thấu và chắp cánh từ những sáng tạo nghệ thuật đích thực bắt nguồn từ trái tim và khối óc của người nghệ sỹ," đạo diễn khẳng định.
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, cho hay những năm gần đây, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,” nhiều đoàn nghệ thuật đã chuyển thể và dàn dựng nhiều vở diễn về Bác Hồ từng được công chúng hoan nghênh từ vài chục năm trước đồng thời tiếp tục khai thác, dàn dựng những vở diễn mới về đề tài này với những thử nghiệm về nội dung và hình thức, bước đầu tạo hiệu quả nghệ thuật tốt.
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương (trái) xem vở 'Hừng đông.' (Ảnh: Minh Khánh/Vietnam+)
Kịch bản “Hừng đông” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ có hai phiên bản: Cải lương của đạo diễn Triệu Trung Kiên và kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh do đạo diễn, nghệ sỹ nhân dân Lê Hùng cùng Trung tâm bảo tồn và phát huy Di sản dân ca Xứ Nghệ, tỉnh Nghệ An dàn dựng.
Ông Nguyễn Thế Kỷ đã xem cả hai phiên bản và đều rất xúc động bởi hai loại hình nghệ thuật có những nét hấp dẫn, thú vị riêng.
“Mỗi loại hình nghệ thuật đều sẽ có ngôn ngữ nghệ thuật, cách tiếp cận và có lượng khán giả riêng, miễn là truyền tải thông điệp sao cho gần gũi, dễ hiểu, đặc biệt là những vở diễn đề tài Đảng, cách mạng và Bác Hồ,” ông nói.
Những người lưu giữ lịch sử theo cách riêng
Tới đây, đạo diễn Triệu Trung Kiên và các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ ra mắt vở “Nước non vạn dặm” theo đặt hàng của Đài Tiếng nói Việt Nam, tác giả Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản. Đây là vở cải lương về Bác Hồ giai đoạn Bác ra đi tìm đường cứu nước.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao Bác lại chọn nước Pháp. Ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng sự lựa chọn này không hề ngẫu nhiên vì thời điểm đó Bác đã 21 tuổi, là một thanh niên có tri thức, tầm nhìn và bản lĩnh.
“Với một sự nhạy cảm đặc biệt, Người không đi sang nước Nhật, không tìm về châu Á mà Người sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để tìm hiểu xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. Bác ra đi, hành trang chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, quyết tâm tìm con đường cứu nước, cứu dân,” ông Nguyễn Thế Kỷ cảm khái.
Trong vở cải lương, ông không chỉ tái hiện thời niên thiếu của Bác mà còn khắc họa chân dung hai vị song thân Nguyễn Sinh Sắc-Hoàng Thị Loan, một người trăn trở với vận mệnh dân tộc, một người hết lòng vì chồng con, tần tảo ngày ngày bên khung cửi…
“Với ngôn ngữ nghệ thuật của cải lương, những chi tiết này sẽ gây xúc động với khán giả,” ông Kỷ chia sẻ.
Trao kịch bản vào tay nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên, ông Nguyễn Thế Kỷ cho hay mình đã “chọn mặt gửi vàng” bởi đạo diễn có phong cách làm việc nghiêm túc, luôn trăn trở với sáng tạo, day dứt với đổi mới, ít khi tự bằng lòng với những gì đã có.
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, đạo diễn Triệu Trung Kiên tâm sự rằng khi nhận những kịch bản đề tài Bác Hồ, Đảng và cách mạng, ông cũng có áp lực rất lớn rằng làm sao để khán giả tiếp nhận được, đặc biệt là đề tài về Bác, vì tình cảm của nhân dân với Bác rất sâu sắc, những câu chuyện về Bác phải trung thực với lịch sử. Mặt khác, đã có rất nhiều tác phẩm xoay quanh chủ đề này nên đạo diễn phải tạo ra ấn tượng riêng, không bị ảnh hưởng bởi những tác phẩm trước đó.
Vở diễn về đề tài Bác Hồ sẽ được công diễn vào dịp kỷ niệm 30/4. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Vượt qua nỗi lo ban đầu, đạo diễn tự tin cho rằng các tác phẩm sân khấu chính luận vẫn có lượng khán giả nhất định bởi khi tìm đến những vở diễn về Đảng, về Bác tức là công chúng không mong chờ một sản phẩm giải trí thông thường, mà họ muốn tìm hiểu về Bác, muốn sống trong những thời khắc lịch sử của dân tộc, muốn lắng nghe những thông điệp chính trị.
“Khán giả sẵn sàng đón nhận những tác phẩm như vậy, phần còn lại là vai trò của đạo diễn và diễn viên, làm sao để tạo dấu ấn, để những thông điệp đọng lại trong trái tim người xem khi họ ra về,” đạo diễn Trung Kiên nói.
Để làm nên thành công cho tác phẩm, ông cho rằng cần sự kết hợp của hành động kịch, ngôn ngữ của nghệ thuật tổng hợp như nhạc vũ kịch, cải lương… kết hợp cùng các thành tố sân khấu như âm nhạc, biểu diễn hình thể, ánh sáng… Tất cả sẽ cùng hòa hợp để tạo thành tác phẩm nghệ thuật sinh động, giàu cảm xúc.
Hình tượng Bác Hồ trong “Nước non vạn dặm” sẽ do nghệ sỹ Trần Khải đảm nhiệm. Anh có chất giọng xứ Nghệ truyền cảm, ngoại hình sáng, rất phù hợp cho vai diễn này.
Năm 2016, anh đã thể hiện rất thành công hình tượng người chiến sỹ cách mạng Phan Đăng Lưu trên sân khấu cải lương. Nay, hình tượng Bác Hồ sẽ là một thử thách mới và cũng là dấu ấn mới trong sự nghiệp của anh.
Nghệ sỹ khẳng định đó là áp lực, cũng là vinh dự bởi anh ý thức được rằng những trang sử của dân tộc luôn cần được nhắc tới để lòng yêu nước, thương nòi trở thành mã gene của người Việt mọi thế hệ./.
Theo TTXVN