Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952-2022)
Nghệ thuật nghi binh trong Chiến dịch Tây Bắc
(BDO) Thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc năm 1952 là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân.
Góp phần quan trọng làm nên chiến thắng trước kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần là nhờ ta tổ chức hiệu quả nghệ thuật nghi binh, làm cho kẻ thù bị bất ngờ và liên tục phạm sai lầm. Điểm nổi bật của nghi binh trong chiến dịch này là ta đã kết hợp chặt chẽ nghi binh với công tác phòng gian, giữ bí mật; nghi binh trên nhiều hướng, sử dụng nhiều lực lượng, nhiều đơn vị; nghi binh từ khi chuẩn bị cho đến khi kết thúc chiến dịch.
Bài 1: Kế hoạch nghi binh bài bản
Tây Bắc-địa bàn chiến lược
Tây Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, gồm các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái. Đây là vùng đất rộng lớn, hiểm trở, có nhiều núi, sông, địa bàn cư trú của nhiều tộc người; phía Tây giáp hai tỉnh Phong Sa Lỳ và Sầm Nưa của Lào; phía Đông tiếp giáp với căn cứ địa Việt Bắc; phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); phía Nam là tỉnh Hòa Bình và nối liền với các tỉnh Liên khu 3, Liên khu 4. Do có vị trí hiểm yếu nên Tây Bắc được quân Pháp xác định là vùng chiến lược quan trọng để uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc và che chở cho Thượng Lào.
Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp đã bình định vùng Tây Bắc và thành lập các đạo quan binh, chủ yếu sử dụng quân đội để cai trị nhằm ổn định vùng đất rộng lớn và vị trí chiến lược này. Đến năm 1904, thực dân Pháp bắt đầu thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh ở vùng Tây Bắc, không ngừng củng cố bộ máy, mở rộng hệ thống giao thông, nhưng lại kìm hãm sự phát triển dân trí để dễ bề cai trị, lập ra xứ Thái, xứ Nùng tự trị...
Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam) chuẩn bị sa bàn Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu và giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Ảnh tư liệu
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, quân Pháp ở Tây Bắc dưới sự chỉ huy của Alessandri đã chạy sang Trung Quốc. Tháng 11-1945, hai tiểu đoàn quân Pháp quay lại đánh chiếm Lai Châu và một số nơi khác. Ðầu năm 1946, từ Vân Nam (Trung Quốc), tàn quân của Alessandri kéo vào Tây Bắc. Theo cuốn Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954): Năm 1952, quân Pháp tăng cường lực lượng tại đây trên 14 cứ điểm gồm 8 tiểu đoàn và 43 đại đội với 11 khẩu pháo; đồng thời, tổ chức thành 4 phân khu: Nghĩa Lộ, Sông Đà, Sơn La, Lai Châu và các tiểu khu: Tuần Giáo, Thuận Châu, Phù Yên. Điểm chú ý là lực lượng quân địch ở đây phần lớn là ngụy quân. Tiểu đoàn Thái số 1 và 8 đại đội đóng ở Phân khu Nghĩa Lộ; Tiểu đoàn Thái số 2 và 7 đại đội đóng ở Phân khu Sông Đà; Tiểu đoàn Thái số 3 và 14 đại đội đóng ở Phân khu Sơn La; Tiểu đoàn GFOT và 14 đại đội đóng ở Phân khu Lai Châu; một tiểu đoàn ngụy đóng tại Tiểu khu Tuần Giáo. Ngoài ra tại đây, quân Pháp có 3 tiểu đoàn Âu-Phi đóng tại hai thị xã Sơn La và Lai Châu làm nhiệm vụ cơ động. Nếu vùng này bị uy hiếp về quân sự thì Bộ chỉ huy quân sự Pháp sẽ điều động các tiểu đoàn dù đóng ở Hà Nội và sử dụng đường hàng không cơ động đến ứng chiến.
Nhận thấy tầm quan trọng về vị trí chiến lược vùng Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch tiến công Tây Bắc vào Thu-Đông 1952, mà không mở chiến dịch theo hướng đồng bằng, trung du như Pháp-Mỹ đã phán đoán.
Lừa địch về hướng tiến công
Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 (sau này là Phó cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), năm nay đã bước sang tuổi 94 nhưng ký ức về Chiến thắng Tây Bắc cách đây 70 năm vẫn được ông lưu giữ nguyên vẹn. Theo ông Tài, mở Chiến dịch Tây Bắc sẽ làm cho quân Pháp bất ngờ. Nhưng làm thế nào để chúng tin ta đang tập trung hướng chính ở đồng bằng, trung du là vấn đề không hề dễ dàng. Tây Bắc là một địa bàn rộng, có địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt. Để thực hiện chiến dịch cần nhiều lực lượng tham gia, thời gian dài, trong khi đường hành quân xa, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở chính trị ở địa bàn này còn mỏng và yếu, mặt bằng dân trí rất thấp... Rút kinh nghiệm công tác nghi binh, giữ bí mật ở các chiến dịch trước, như: Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo, Quang Trung... chúng ta đều không đạt được mục đích về mặt chiến lược, bị tổn thất về lực lượng. Bởi vậy, trong chiến dịch này, nghi binh lừa địch, công tác phòng gian, giữ bí mật được chuẩn bị một cách bài bản, khoa học.
Cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Hữu Tài.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài kể: “Đầu tháng 9-1952, đơn vị chúng tôi nhận được lệnh của trên phải tuyệt đối giữ bí mật, đồng thời làm tốt công tác dân vận, tạo tin tưởng trong nhân dân. Sau này, tôi mới biết đó là một phần trong bản kế hoạch nghi binh, bảo vệ, bảo mật phòng gian của Bộ Tổng Tham mưu được triển khai từ ngày 10-8-1952 và gần 3 tuần sau gửi xuống các đơn vị. Trong kế hoạch xác định rõ: Ở trung du, lấy Vĩnh Phúc làm hướng nghi binh chính. Trung đoàn 246 lấy phiên hiệu giả là Đại đoàn 308, tiểu đoàn bộ đội địa phương Phú Thọ lấy phiên hiệu giả là Trung đoàn 246 (Liên khu Việt Bắc) hoạt động ở vùng Vĩnh Phúc. Trung đoàn 176 (Đại đoàn 316) lấy phiên hiệu giả là Đại đoàn 312 hoạt động ở vùng Phú Thọ, Sơn Tây. Trung đoàn 238 (Liên khu Việt Bắc) lấy phiên hiệu giả là Đại đoàn 316 và tiểu đoàn bộ đội địa phương Bắc Giang lấy phiên hiệu giả là Trung đoàn 238 hoạt động ở vùng Bắc Giang”.
Cũng theo kế hoạch nghi binh của Bộ Tổng Tham mưu, ở Liên khu 3, hướng nghi binh chính là Hà Đông, Hà Nam và Ninh Bình. Riêng trên hướng Ninh Bình, ta vừa thực hiện nghi binh, vừa phải làm công tác chuẩn bị để cho Đại đoàn 320 và Đại đoàn 304 vào hoạt động ở vùng địch hậu, sẵn sàng phối hợp với chiến trường chính Tây Bắc. Về phương thức nghi binh, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu: Trên tất cả các hướng đều phải duy trì hoạt động liên tục của các tổ trinh sát vũ trang. Bí mật mở các cung đường mới, sửa chữa đường cũ; bố trí hệ thống kho tàng, tổ chức tập trung dân công; tổ chức di chuyển quân thật rầm rộ trên các hướng nghi binh để đánh lạc hướng phán đoán của địch. Triển khai nhiều biện pháp phong tỏa tin tức, truy quét các ổ gián điệp, giám sát những phần tử phản động dọc các trục đường dự kiến hành quân lên chiến trường Tây Bắc. Điện đài thường trực của các đại đoàn chủ lực tham gia chiến dịch vẫn bố trí ở vị trí cũ, tiếp tục phát tin liên lạc định kỳ theo mật mã cũ để đánh lừa địch. Đặc biệt, ta tổ chức nghi binh ở hướng trung du và đồng bằng, làm cầu, sửa đường qua Tu Vũ để xuống Liên khu 3 nhằm thu hút sự chú ý của địch rằng đây sẽ là hướng chủ yếu trong hoạt động của ta.
Cuối tháng 9, đầu tháng 10-1952, các đơn vị triển khai theo kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu, công tác nghi binh, phòng gian, giữ bí mật được tiến hành rất chặt chẽ nên địch không phát hiện ý định hướng tấn công chủ yếu của ta là Tây Bắc, chúng vẫn phán đoán ta sẽ tiến công trên hướng đồng bằng. Bởi vậy, tướng Raoul Salan, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương cho triển khai lực lượng cơ động dọc tuyến trung du và phần lớn trên sông Đáy. Tất cả cứ điểm của quân Pháp ở đồng bằng và trung du được lệnh báo động khẩn cấp, điều này trúng ý định nghi binh của ta.
Ngày 9-9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch Chiến dịch Tây Bắc. Người căn dặn: Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã cân nhắc kỹ chỗ dễ và chỗ khó của chiến trường sắp đến và quyết tâm là chiến dịch này phải đánh cho thắng lợi. Quyết tâm của Trung ương chưa đủ, còn phải để các chú cân nhắc kỹ, thấy rõ cái dễ và cái khó để truyền cái quyết tâm đó cho các chú. Trung ương và các chú quyết tâm cũng chưa đủ, mà phải làm cho quyết tâm đó xuống mọi chiến sĩ...
(Theo Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Sự thật, năm 1986)
(còn nữa)
Theo QĐND