Nghề “thổi hồn” cho đá
Tượng sư tử hiện được các chủ công ty, doanh nghiệp ưa chuộng. Trong ảnh: Thợ tạc tượng sư tử tại cơ sở điêu khắc đá Sơn Lâm
“Đất lành chim đậu”
Trên địa bàn Bình Dương hiện có hơn 30 cơ sở tạc tượng đá nằm trên quốc lộ 13 thuộc TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An; một số điểm tại TX.Dĩ An. Những chủ nhân (hay còn gọi là thợ cả trong nghề) đến từ các vùng, miền chọn Bình Dương mưu sinh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số những cơ sở nói trên thì có hơn 15 cơ sở do người Nam Định mở ra. Họ là những người theo nghề điêu khắc gỗ tại quê hương, từ cây gỗ “nâng cấp” sang tạc tượng đá. Khi làng nghề cạnh tranh khốc liệt, những người con Nam Định di cư khắp nơi để mưu sinh, đồng thời để lưu giữ nghề.
Theo những nhà điêu khắc tượng đá, tượng Di Lặc là khó làm nhất. Bởi, tượng Phật Di Lặc luôn là biểu tượng của sự vui tươi, an lạc. Do đó, phải làm sao để “thổi” được niềm vui vào trong tượng là điều không dễ dàng.
Nhật Thuật (SN 1975, quê Nam Định), chủ cơ sở đá mỹ nghệ Nhật Thuật (108/10, quốc lộ 13, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An), đến Bình Dương do một đợt “khai hoang” địa bàn làm ăn của anh em trong làng. Sinh ra trong gia đình nhiều đời theo nghề điêu khắc gỗ, đá. Do đó, từ nhỏ anh đã được làm quen với đục, giũa và những âm thanh lọc cọc. Lớn lên, anh nối nghiệp cha và nỗ lực học hỏi thêm kinh nghiệm từ trường Cao đẳng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, chuyên ngành điêu khắc. Với ước mơ mang tay nghề đi thử sức, anh đã đến Bình Dương tìm “bến đỗ”. “Tôi rất thích mảnh đất và con người Bình Dương. Tại đây, công việc làm ăn của tôi thuận tiện và tôi cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ để phát triển nghề”, Nhật Thuật nói.
Không được truyền nghề từ gia đình, anh Phúc Nhi (Đắc Lắc) đến với nghề vì nghề này có thể cho người ta “thỏa” được niềm đam mê nghệ thuật, mặc sức sáng tạo đường nét, hoa văn. Từ nhỏ, Nhi đã đam mê mỹ thuật. Đến Bình Dương được 5 năm, anh làm đủ mọi việc để kiếm sống. Một thời gian được người bạn giới thiệu vào làm tại các cơ sở tạc tượng. Ban đầu, anh chỉ được giao đục những tảng đá lớn thành hình khối. Tuy nhiên, với năng khiếu “trời phú”, sau 3 năm theo nghề, giờ đây anh có thể tạc được nhiều bức tượng khó. Phúc Nhi nói: “Tôi thật sự yêu nghề. Nhờ có nghề tạc tượng tôi đã thực hiện được ước mơ trở thành những nghệ nhân có tay nghề giỏi”.
Gian nan vì nghệ thuật
Đến với nghề từ cái duyên, nhưng để “trụ” với nghề rất cần sự cần mẫn, chịu khó. Để tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật, người làm nghề phải cặm cụi đục, đẽo “bốp bốp, chát chát” trước đá. Tiếng ồn và bụi trắng từ tiếng kêu “lẹt xẹt” của chiếc máy tiện đá phủ kín khuôn mặt, đầu tóc và cả đôi bàn tay chai sạn của họ.
Theo các nghệ nhân tạc tượng đá thì tượng Phật Di Lặc là khó tạc nhất. Trong ảnh: Nghệ nhân cơ sở tạc tượng đá Thuận An tạc tượng Phật Di Lặc
Nguyên liệu chính được nhập là đá trắng Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Đà Nẵng…; đá ngọc nhập từ Canada và Pakistan. Để làm ra được những sản phẩm từ đơn giản như chậu cảnh, bức phù điêu tới các sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo như các linh vật ngựa, voi, sư tử hoặc tượng Phật Bà Quan Âm… các nhà điêu khắc đá phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Sau khi chọn đá phù hợp người thợ đá sẽ vẽ tác phẩm bằng bút sáp trên phiến đá. Anh Nhật Thuật chia sẻ kinh nghiệm: “Mỗi loại sản phẩm yêu cầu một loại đá phù hợp nên khâu lựa chọn nguyên liệu chế tác cũng rất kỳ công. Khâu vẽ tạo ra tác phẩm bằng bút sáp cũng cực kỳ quan trọng. Đây cũng là khâu quyết định “linh hồn” cho một sản phẩm nên hầu hết những người thợ cả có kinh nghiệm mới được làm”.
Khâu cuối cùng là tiến hành tượng. Đầu tiên, người thợ đục thô (hay còn gọi là phá phôi) tạo hình hài cho một sản phẩm để rồi theo đó những người thợ sẽ đục theo từng chi tiết đã phá. Những đường nét tinh xảo, cân đối hay thần thái của một bức tượng phụ thuộc rất nhiều vào khâu này. Nhìn người thợ chăm chỉ đục, đẽo, chạm khắc tạo ra những bức tượng đẹp đến mê hồn, nhưng ai biết rằng đằng sau những sản phẩm kia không biết có bao nhiêu mồ hôi, công sức đổ ra và nó đã ngấm vào từng thớ đá.
“Thổi hồn” vào đá
Có thể thấy, những người thợ từng nghe “đá khóc”, “đá cười”, “đá hát” mới hiểu được lòng dạ đá. Ðá bao bọc, gắn bó và lòng say mê nghề nghiệp mà người thợ đã “thổi hồn” vào đá. Tuy vất vả, nhưng mỗi bức tượng được hoàn thành có thể nói là niềm vui sướng nhất mà người thợ đá có được. Những phiến đá vô tri, vô giác, qua bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân tạc đá tài hoa đã trở nên rất sống động và có “hồn”. Từ thể loại tượng thờ như ông Địa, La Hán, Phật Bà Quan Âm… những linh vật như rùa, ngựa, voi, sư tử tới các phiến đá trang trí, chậu cảnh, các bức phù điêu hay những vị Bồ Tát cao lớn đầy trang nghiêm, những nàng tiên cá uốn mình khoe sắc, những chú sư tử dũng mãnh dựng bờm, những con chiến mã đang phi nước đại… Mỗi sản phẩm mang một vẻ đẹp riêng nhưng tất cả đều được thực hiện rất tỉ mỉ, công phu và có thần. Anh Định Trọng Lâm, chủ xưởng ứng dụng điêu khắc đá thiên nhiên Sơn Lâm (phường An Thạnh, TX.Thuận An), nói: “Các công đoạn làm nên bức tượng, làm mặt tượng là khó nhất, bởi đây là “cái hồn” của tượng. Do đó, nghệ nhân luôn phải ngắm nghía để điều chỉnh các chi tiết tượng sao cho hài hòa, cân đối. Đồng thời, người làm nghề phải luôn giữ cho mình sự bình tĩnh, nghiêm túc. Chỉ một chi tiết bị méo mó có thể đánh mất đi vẻ đẹp của tượng”.
Theo những nhà điêu khắc tượng đá, tượng Di Lặc là khó làm nhất. Bởi, tượng Phật Di Lặc luôn là biểu tượng của sự vui tươi, an lạc. Do đó, phải làm sao để “thổi” được niềm vui vào trong tượng là điều không dễ dàng.
Có thể thấy, để tạc được bức tượng, người thợ điêu khắc phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, đối với họ đây là niềm vui. Đôi bàn tay và thân thể của người nghệ nhận làm nghề tạc tượng đá luôn bám đầy bụi đá nhưng ánh mắt luôn chất chứa niềm đam mê thổi hồn cho đá, để mỗi bức tượng trở nên có hồn, có cốt.
THIÊN LÝ