Nghệ sĩ với ngày giỗ tổ
(BDO) Với nghệ sĩ, sân khấu là nơi mà họ sống hết lòng với nghệ thuật cho dù bao thăng trầm diễn ra. Ngày 12-8 âm lịch hàng năm là ngày giỗ tổ ngành sân khấu và nghệ sĩ dù bận rộn thế nào cũng dành thời gian thắp nhang lên bàn thờ tổ.
Ở Bình Dương, ngày Sân khấu Việt Nam 12-8 (âm lịch) được tổ chức rất trang trọng, ấm cúng vào tối 9-9, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh. Nhạc sĩ Võ Đông Điền đã có bài phát biểu về truyền thống ngành sân khấu cũng như vai trò, nhiệm vụ của nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa.
Các nghệ sĩ luôn hết lòng với nghệ thuật sân khấu truyền thống
Sân khấu là một trong những loại hình nghệ thuật ra đời sớm nhất ở nước ta. Sân khấu chèo ra đời từ thế kỷ X ở Châu thổ sông Hồng. Sân khấu tuồng, hát bội ra đời muộn hơn, vào thời Tiền Lê, thế kỷ XI. Sau đó, hàng loạt các loại hình sân khấu khác ra đời như: Cải lương, kịch nói, xiếc, ca kịch Huế, ca kịch bài chòi, múa, ca nhạc… Hàng năm, phong tục thờ cúng ông tổ nghề sân khấu vẫn được các nghệ sĩ, các đoàn hát cũng như tổ chức Hội Văn học Nghệ thuật quan tâm tổ chức đúng bài bản, lớp lang. Lễ giỗ tổ nhằm ôn cố tri tân, dâng hương lên tổ nghiệp các bộ môn nghệ thuật sân khấu. Lễ giỗ tổ còn là dịp hướng về tiền nhân có công cho ngành sân khấu truyền thống, giúp các nghệ sĩ thành tâm hướng về tổ nghiệp với tinh thần uống nước nhớ nguồn. Một lòng hướng về tổ nghiệp, nghệ sĩ càng phấn đấu, cống hiến sức mình cho tổ nghiệp, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Cũng tại lễ giỗ tổ này, các nghệ sĩ đã biểu diễn phục vụ khán giả mộ điệu, yêu thích nghệ thuật sân khấu các tiết mục chủ đề Nhớ ơn tổ nghiệp, giao lưu các tác phẩm ca cổ của tác giả, nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. Nhận xét về chuyên ngành sân khấu - đờn ca tài tử của Bình Dương, ông Võ Đông Điền cho biết, sân khấu được đánh giá cao bởi vẫn còn nhiều những con người đam mê nghệ thuật. Sự cố gắng của anh chị em nghệ sĩ nhằm đem lại món ăn tinh thần cho quần chúng cũng như lưu giữ âm nhạc nghệ thuật truyền thống của dân tộc… Bình Dương vẫn duy trì được các sân khấu tuồng, cải lương qua hoạt động của các CLB đờn ca tài tử ở TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên và huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo vẫn giữ được sức bền, ngày càng thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Một số nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng, có tay nghề đang tiếp tục dìu dắt lớp trẻ tại địa phương trên con đường nghệ thuật như Nguyễn Thị Thu Hồng, Cao Thị Thắng, Phạm Ngọc Phú, Huy Thanh… Đến nay, Phân hội Sân khấu có 35 hội viên, trong đó số hội viên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam là 10 người. Năm 2015, đã thành lập được Chi hội Sân khấu Việt Nam tỉnh Bình Dương được tách ra từ Chi hội Sân khấu Việt Nam miền Đông Nam bộ.
Về phí Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các CLB hoạt động có hiệu quả bằng cách tổ chức các chuyến giao lưu đờn ca tài tử, cải lương nhằm trao đổi kinh nghiệm sáng tác, biểu diễn và tạo mối quan hệ gắn bó giữa nghệ sĩ sân khấu ở trong và ngoài khu vực miền Đông Nam bộ. Hội viên chuyên ngành sân khấu luôn là hạt nhân nòng cốt
Những nghệ sĩ hoạt động lâu năm và có nhiều công hiến cho sự nghiệp sân khấu Bình Dương cũng được hội thực hiện các DVD và CD mang dấu ấn cá nhân, như: DVD Hương sắc Bình Dương của nghệ sĩ Thu Hồng, CD Bình Dương ngày mới của nghệ sĩ Cao Thị Thắng, CD Vọng hồn quê của nghệ sĩ Thùy Dương. DVD Về thăm lại Bình Dương của nghệ sĩ Lý Bạch Huệ… Với tấm lòng đam mê vô bờ bến dành cho sân khấu, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Cao Thị Thắng tâm sự: “Trong ngày giỗ tổ ngành sân khấu vừa qua; chị mong muốn lớp trẻ ngày nay đam mê hơn với sân khấu, với nghệ thuật. Do xu hướng chung nên sân khấu ít được… sáng đèn! Những người đam mê nghệ thuật truyền thống may chăng chỉ còn có thể thi thố ở các gameshow trên truyền hình hay các cuộc thi qua đài phát thanh. Về phần mình, chị sẽ đem hết tâm huyết để trao đổi, hướng dẫn cũng như truyền nghề cho những ai yêu thích bộ môn này”.
Dự và nghe các NNƯT Cao Thị Thắng, Thùy Dương, Lệ Hồng hát trong ngày giỗ tổ, mới thấm thía được tấm lòng của họ hướng về tổ nghiệp. Dù đã lớn tuổi nhưng giọng ca của ai cũng dày dạn, vang vọng đầy mê hoặc đối với người nghe có tâm với loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình.
QUỲNH NHƯ