Nghệ sĩ Thăng Long: Người thổi hồn vào những câu chuyện...
Hiện nay, nhu cầu cuộc sống hối hả nên nhiều người không có thời gian để đọc sách mặc dù họ rất mê sách, thế nên nghe đọc sách qua máy cá nhân, qua đài phát thanh là một nhu cầu có thật. Và để một câu chuyện dễ “thấm” vào người nghe thì ngoài câu chuyện phải hấp dẫn, lôi cuốn còn phải kể đến “giọng đọc”. Và, nghệ sĩ Thăng Long đã và đang là một “giọng đọc” được nhiều người yêu thích...
Sinh trưởng tại An Tây, Bến Cát, Bình Dương. Năm 16 tuổi, Thăng Long đã theo học nhiều trường lớp về âm nhạc của nhiều nhạc sĩ như: Nguyễn Đức, Tùng Lâm, Văn Vĩ... và anh đã lọt vào đến chung kết cuộc thi tuyển lựa ca sĩ tại Sài Gòn vào năm 1966. Nhưng rồi có “khiếu” mà chưa có “duyên” nên sau đó, Thăng Long đành chuyển hướng về ngành giáo dục ở tỉnh Sông Bé. Tại đây, anh cùng nhiều nhạc sĩ khác như: Giáp Văn Thạch, Võ Đông Điền... làm công tác văn nghệ, biểu diễn những bài ca ca ngợi ngành giáo dục phát trên Đài Phát thanh Sông Bé. Rồi từ năm 1983, anh được chuyển hẳn về Đài Phát thanh Sông Bé phụ trách mục văn nghệ tổng hợp (gồm ca, kịch, cải lương, vọng cổ, câu chuyện truyền thanh...). Tuy nhiên, thời gian này, khán giả biết nhiều về anh qua vai trò là một ca sĩ... cho tới những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Đài Phát thanh Sông Bé (nay là Bình Dương) mở thêm chuyên mục “Đằng sau tay lái” thì nghệ sĩ Thăng Long lại nổi tiếng trong vai ông Tư tài xế. Rồi trong chương trình “Đọc chuyện đêm khuya”, nghệ sĩ Thăng Long lại gây ấn tượng hơn qua “giọng đọc” của mình.
“Giọng đọc” của nghệ sĩ Thăng Long sôi nổi, gây được sự chú ý của thính giả ngay từ những câu đầu tiên của mỗi câu chuyện. Và anh “nhập vai” rất đạt... Như, trong một câu chuyện kể (Đằng sau tay lái) về một lái xe nọ, giữa đêm khuya, lái xe cán phải một con chó hoang mà cứ ngỡ là đã cán phải người. Hoảng quá, lái xe bỏ chạy luôn. Nhưng khi về tới nhà thì lại ray rức, bần thần, không sao yên ổn được... Sáng ra, lái xe bèn trở lại chỗ cũ xem “nạn nhân” thế nào để “đền tội” thì mới vỡ lẽ là mình chỉ cán phải... con chó! Nghệ sĩ Thăng Long nhập vai lái xe mà cứ ngỡ như chính mình đã phạm tội khiến lòng anh cứ luôn bất an, sợ sệt lẫn hối hận... đến độ, khi đọc đến đoạn “...nhưng thực ra đó chỉ là một... con chó...” lúc ấy anh mới hoàn hồn trở lại, mới thấy mình như vừa được... giải thoát!
“Chuyện đêm khuya” thường là những câu chuyện chọn lọc kỹ, lắm lúc có nhiều nhân vật. Nhưng cho dẫu có tới 4, 5 nhân vật thì một “giọng đọc” Thăng Long cũng phải thể hiện nốt chừng ấy nhân vật, nào là vai lão, vai trẻ em, vai phụ nữ, vai thanh niên... Và mỗi vai tùy theo tình huống mà có nhiều tâm trạng khác nhau. Người đọc - ở đây là nghệ sĩ Thăng Long - phải thể hiện sao cho thích hợp, cho đúng tính cách, hoàn cảnh của từng nhân vật một y như thật, không những thế, nhiều khi anh còn phải ngắt câu, phải nhấn nhá để câu chuyện được sinh động, lôi cuốn hơn...
Để đạt được trình độ “thượng thừa” trong lối kể chuyện như nghệ sĩ Thăng Long không là chuyện dễ. Ngoài học tập, nghiên cứu... anh còn đã trải qua kinh nghiệm thực tiễn từ cuộc sống của một người con sớm mồ côi cha, có người mẹ tảo tần mua bán sớm hôm nuôi dạy 3 người con nên người, của một con người bặt thiệp, giao lưu nhiều...
Nghệ sĩ Thăng Long hiện đang vẫn đưa “giọng đọc” của mình đến từng gia đình, đến từng mỗi chuyến xe qua làn sóng Đài Phát thanh Bình Dương và anh còn là một chuyên viên văn nghệ cao cấp của CLB Hưu trí tỉnh Bình Dương. Rồi từ 27-9-2011, khán thính giả sẽ có dịp được thưởng thức giọng ca của anh qua cuộc liên hoan “Tiếng hát người cao tuổi Bình Dương mở rộng lần thứ 9” được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh...
DẠ TRẦM