Nghệ sĩ Lý Bạch Huệ: Màn nhung sân khấu vẫn thổn thức trái tim yêu
60 năm tuổi đời, 40 năm tuổi nghề, Lý Bạch Huệ (ảnh) đến với nghệ thuật là duyên phận. Thời vàng son của sân khấu, chị như được bay nhảy, được hóa thân ở tất cả các nhân vật để giới mộ điệu thương nhớ chị trong các vai diễn để đời như vai Thứ hậu Linh Sa trong “Ngày tàn của bạo chúa” hay vai Hường (anh hùng Nguyễn Thị Hạnh) trong “Người không cô đơn”...
Vào nghề
Ngay từ bé khi bước lên sân khấu, Lý Bạch Huệ yêu lắm tấm màn nhung của sân khấu, nó làm chị rạo rực, thổn thức, rồi trở nên yêu và dành trọn vẹn tình yêu cho sân khấu đến tận ngày nay. 40 năm theo nghề, chị đã trải qua bao thăng trầm, sóng gió cùng sân khấu qua các đoàn nghệ thuật khác nhau như: Năm 1976, Đoàn Văn công Tây Ninh; năm 1982, Đoàn Văn công Sông Bé; năm 1984, Đoàn Tổng Công ty Cao su Việt Nam, rồi đoàn Bông Dừa Trắng, Trung Hiếu của Bộ Công an và điểm dừng chân cuối cùng là Đoàn Sài Gòn 2...
Sở hữu giọng ca khỏe, ngọt ngào trời phú, Lý Bạch Huệ đã mang đến cho giới mộ điệu cải lương rất nhiều vai diễn để đời khác như: Lài - trong “Tiếng hò sông Hậu”, Hiền - trong “Ánh lửa rừng khuya” hay một vai mà chị khá tâm đắc, đó là Nữ tướng Bùi Thị Xuân tại Đoàn Bông Dừa Trắng.
Nhưng đến năm 1989, điện ảnh đã mỉm cười cùng chị. Phim nhựa màu điện ảnh đầu tiên của Việt Nam, về đề tài chiến tranh - đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn trong phim “Tuổi thơ dữ dội” chị đã vào vai Niệm (mẹ thằng Mừng - một người phụ nữ bệnh tật, khắc khổ). Sau thành công cho vai diễn đầu tiên, Lý Bạch Huệ tiếp tục được đạo diễn Trần Vinh - Huy Thành mời vào vai Cúc - người đàn bà điên trong phim “Bến nước” để lại trong chị một ký ức không thể nào quên. Cúc, dù điên hay tỉnh đều gói trái tim yêu thương nóng bỏng để làm trọn vai một cách xuất sắc đi sâu vào lòng khán giả một thời.
Những người thầy lớn
40 năm gắn bó cùng nghề, Lý Bạch Huệ không quên ơn những người thầy, những người bạn đã chắp cánh cho chị ngày trưởng thành hơn. Chị kể: “Khi vừa bước chân vào nghề, soạn giả Hoa Phượng gọi chị lại để thử giọng, hát xong những tưởng sẽ được khen, được lọt vào con mắt nhà nghề, nào ngờ, ông đã từ tốn nói: “Con biết là con hát còn sống nhăn không?” và ông đã giải thích thêm, không phải chỉ cần bài hát là hát được mà cần phải chuyển tải được cái tâm, cái hồn của nhân vật và để làm được điều đó, phải học, phải tìm hiểu về nhân vật thật kỹ...”. Thế là chị ra sức học, học để tiếng hát dần trở nên ngọt và có hồn trong từng vai diễn.
Người thầy thứ hai cũng là người bạn “cơ hàn” Huỳnh Khải, người đã từng ôm đàn nắn nót từng câu chữ trong bài bản tài tử cho chị. Đó là 2 người thầy đã giúp chị sáng ra, giúp chị luôn biết học hỏi để 40 năm qua đi mà khán giả vẫn còn yêu mến.
Tri ân cuộc đời
Sóng gió, khó khăn đã qua đi, niềm vui lớn nhất của chị bây giờ là vẫn còn được gần khán giả. Nhiều năm nay, chị đã cùng những người bạn, người thầy mang niềm vui của mình chia sẻ cùng bà con khó khăn ở khắp nơi. Năm 2014, cơ duyên đã đưa chị gặp Đại đức Thích Hoằng Nghệ, cùng một số phật tử tổ chức các chương trình thiện nguyện mang tên “Từ tâm yêu thương” 1, 2 và 3 để trao học bổng, trao nhà tình thương cho bà con khó khăn tại các tỉnh Trà Vinh, An Giang và Tây Ninh...
60 năm tuổi đời, 40 năm tuổi nghề với chị không chỉ là tình yêu lớn mà hơn nữa đó là cái tâm để sống trọn vẹn với nghệ thuật và chị vẫn mong sẽ được tiếp tục cống hiến hết mình sân khấu để không phụ lòng cùng tổ nghiệp.
Live show Lý Bạch Huệ 40 năm hoạt động nghệ thuật mang tên “Tri ân cuộc đời” (Từ tâm yêu thương 3) đã được tổ chức thành công vào đầu tháng 5-2015, tại Nhà hát Bến Thành TP.HCM với sự tham gia của các khách mời: NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Phượng Loan, NSƯT Trọng Phúc, Vũ Luân, Tú Sương, danh ca Phương Dung và các ca sĩ Đông Đào, Trung Hậu...
SONG ANH