Nghề “săn” quá khứ!
Khi nói về những hiện vật quá khứ, nhiều người có cảm giác e ngại, chứ chưa nói đến việc “khai quật” để lưu giữ cho mai sau. Thế nhưng, những người làm công tác sưu tầm hiện vật, biên soạn sử lại đến với nghề bằng tình yêu chân chính. Từ đó, họ ngày ngày “dầm mưa dãi nắng”, lặn lội đến những vùng xa xôi để tìm những giá trị văn hóa, lịch sử.
Hành trình vất vả
Một buổi trưa nắng của những ngày cuối tháng 9, chúng tôi theo chân cán bộ Nhà truyền thống (NTT) TX.Dĩ An đi sưu tầm các hiện vật. Đặc thù công việc của họ thường rong ruổi bằng xe gắn máy đến khắp các ngõ ngách, gặp nhiều người để vận động, thuyết phục hiến tặng các hiện vật có giá trị. Theo chị Trương Thị Huy, cán bộ NTT TX.Dĩ An, những ngày đầu làm quen với công việc cảm thấy khó khăn khi thuyết phục người dân tặng kỷ vật. Nhất là đối với những kỷ vật mang giá trị lịch sử, gắn liền với cuộc đời của một người đã mất, hầu hết các gia đình đều muốn giữ lại để thờ cúng. Do đó, để gia đình đồng tình hiến tặng nhiều lúc phải năn nỉ “gãy lưỡi”.
(BDO)
Các cán bộ Phòng Sưu tầm - Triển lãm đang ghi chép lại “sơ yếu lý lịch” các hiện vật
sưu tầm được
Với hơn 17.000 hiện vật, tài liệu, Bảo tàng Bình Dương hàng ngày đón tiếp rất đông người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu. Thế nhưng, mấy ai biết để có những hiện vật đó thật không đơn giản. Anh Dương Ngọc Hải, Trưởng phòng Sưu tầm - Triển lãm cho biết, mỗi hiện vật, tài liệu đều gắn với một câu chuyện về lịch sử, văn hóa địa phương. Muốn có những hiện vật để trưng bày, cán bộ sưu tầm đã phải lặn lội đến những địa bàn xa. Nhiều hiện vật quý, không dễ gì thương lượng, cán bộ sưu tầm phải nghĩ cách “mưa dầm thấm lâu” đi lại thuyết phục nhiều lần. Sau mấy ngày “tỉ tê” về ý định của mình, cuối cùng người dân cũng “xiêu lòng”.
Nghề “săn” quá khứ không chỉ dành cho cán bộ sưu tầm hiện vật mà những người biên soạn sử cũng được “gắn mác” chung. Những cán bộ biên soạn sử phải mày mò, gặp gỡ những nhân chứng sống để ghi chép, biên tập lại những trận đánh, địa danh. Trung úy Ngô Thành Danh, Trợ lý khoa học quân sự (Bộ CHQS tỉnh) chia sẻ, công việc biên soạn sử đòi hỏi người làm phải chịu đi, chịu nghe, kỹ tính và tỉ mỉ. Viết được một trận đánh, mốc lịch sử phải gặp gỡ nhân chứng, đến các nơi, tìm hiểu nhiều sách. Có những mốc lịch sử, người biên soạn phải “ăn dầm nằm dề” tại nhà các cụ lão thành để nghe các cụ kể. Tuổi cao, sức yếu, nhiều cụ trí nhớ không được tốt nên có sự kiện mỗi cụ kể một kiểu. Do đó, phải biết chắt lọc, phân tích, kiểm chứng thông tin.
Đã làm là mê
Công việc vất vả, thường xuyên phải đi công tác xa nhà, thu nhập thấp nhưng khi hỏi tại sao chọn nghề, những người đi “săn” quá khứ đều cười xòa. Họ tâm sự: “Ban đầu nghề chọn mình nhưng càng làm càng mê”, “Yêu lịch sử, thích tìm kiếm những cái cổ”… Mỗi người có một lý do để đến với nghề nhưng tất cả đều chứng minh niềm đam mê qua thành quả đã đạt được. Tại NTT TX.Dĩ An, cán bộ đã sưu tầm khoảng 6.000 hiện vật, 500 hình ảnh. Trong đó, các sản phẩm mang những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt người dân Dĩ An xưa và nay; tinh thần đấu tranh bất khuất, anh dũng, kiên cường của quân và dân Dĩ An trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ. Chị Huy tâm sự: “Ði khảo sát thực địa, sưu tầm hiện vật rất vất vả, nhưng ai cũng vui vì được làm việc mình yêu thích. Nhiều người hay đùa là suốt ngày làm bạn với đồ cổ, những lúc ấy, chúng tôi chỉ biết cười”.
Ông Hà Văn Thăng đã có gần 35 năm gắn bó với lịch sử, dù đã nghỉ hưu nhưng ông
vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu lịch sử
Trong căn phòng nhỏ, chị Bùi Thị Tuyến (36 tuổi), cán bộ Phòng Sưu tầm - Triển lãm (Bảo tàng tỉnh) đang hoàn thành “sơ yếu lý lịch” cho từng mẫu hiện vật đã được sưu tầm. Vừa ghi, chị Tuyến vừa cho hay là để có hiện vật này, các cán bộ bảo tàng phải mất rất nhiều công sức, thời gian lặn lội đi khảo sát thực tế cũng như nghiên cứu tài liệu. Từ khi ra trường, chị đã được phân công nhiệm vụ sưu tầm. Là một cô gái nhỏ nhắn nhưng chị đã cùng anh em trong phòng đi khắp tỉnh tìm hiện vật để trưng bày. “Càng đi, tôi càng háo hức và cảm thấy yêu nghề. Điều này đã giúp tôi trưởng thành và tìm thấy được niềm vui trên mỗi chuyến công tác”, chị Tuyến tâm sự.
“Dù công việc vất vả nhưng mỗi lần tìm được những thông tin có giá trị lịch sử phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn, bao mệt mỏi bỗng dưng tan biến”, đó là câu nói khẳng định của ông Hà Văn Thăng, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Những hiện vật, thông tin hữu ích giúp mọi người hiểu hơn về các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, những câu chuyện về công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của cha ông luôn hấp dẫn, thôi thúc những người viết sử lên đường để tìm hiểu.
Trải qua nhiều năm gắn bó với nghề, các “lão làng” khẳng định, mỗi chuyến đi sưu tầm là một bài học kinh nghiệm. Quá trình cọ xát với thực tế giúp bản thân thấu hiểu được giá trị to lớn của từng hiện vật. Niềm hạnh phúc “vỡ òa” khi những gì sưu tầm được phục vụ nhu cầu khám phá của người dân. Những lúc đó, người làm công tác sưu tầm càng thấy trách nhiệm của mình thật lớn lao.
Trăn trở
Có thể nói, với công việc thầm lặng của những người làm công tác bảo tàng, biên soạn sử mà nhiều hiện vật, di tích được “sống lại”. Tuy nhiên, những người làm công tác này cũng lắm trăn trở. Đối với việc biên soạn sử, nhân chứng sống ngày một già yếu, không nhớ nhiều về lịch sử. Trong khi đó, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn chưa ghi chép lại lịch sử địa phương. Ông Mai Sơn Việt, lão thành cách mạng tại phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, nói: “Những nhân chứng sống qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ còn rất ít. Các ông bà đã rủ nhau về nơi yên nghỉ cuối cùng. Do đó, nếu thế hệ mai sau không chú tâm ghi chép lịch sử, viết hết về các trận đánh, địa danh trong tỉnh để lưu lại cho con cháu mai sau thì sau này muốn tìm hiểu cũng khó”.
Những năm trước việc sưu tầm hiện vật, tài liệu còn dễ nhưng nay rất khó, bởi nạn “chảy máu cổ vật”. Bên cạnh việc khai thác cạn kiệt thì hiện việc sưu tầm vướng những quy định về kinh phí. Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, từ khi có Thông tư số 11/2013/TT-BVHTTDL quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập, mọi thứ càng khó khăn. Muốn mua hiện vật phải qua hội đồng thẩm định, rồi trình Sở VH-TT&DL quyết định. Vì quy định đó mà bảo tàng chậm chân trong việc mua những hiện vật giá trị trôi nổi ngoài thị trường. Quá trình sưu tầm chỉ mang tính “xin cho”. Hiện vật và tài liệu là “linh hồn” của một bảo tàng. Để bồi đắp cho “linh hồn” đó ngày càng phong phú và đa dạng không chỉ trông vào những lần săn tìm, mà cần phải có sự đầu tư tương thích.
Một thực tế hiện nay, thế hệ trẻ không quan tâm đến quá khứ. Các bạn đến với bảo tàng, NTT chỉ mang tính bắt buộc. Đối với lịch sử, thế hệ trẻ vô tình quên đi lời căn dặn của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta”. Từ đó, làm những người cả đời gắn bó với việc sưu tầm cảm thấy lo lắng. Làm sao giúp thế hệ trẻ hiểu được quá khứ, tự hào với những gì cha ông đã làm là “bài toán” khó cần có đáp án.
Ông Nguyễn Minh Đức, nguyên Phó Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Sông Bé, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sông Bé: Để thế hệ trẻ yêu lịch sử, thích tìm hiểu lịch sử bên cạnh nỗ lực của các em còn cần có sự phối hợp của gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội. Gia đình cần coi trọng việc học môn sử của các em. Nhà trường thay đổi biện pháp giảng dạy để buổi học sử thu hút. Các tổ chức như Đoàn - Đội - Hội cần tổ chức về nguồn để học sinh, sinh viên học sử chính nơi mình đến tham quan.
THIÊN LÝ