Nghề săn heo rừng của đồng bào Gia Rai ở Tây nguyên

Thứ tư, ngày 30/01/2019

(BDO) Săn heo rừng ở Tây nguyên một thời từng là đề tài hấp dẫn đối với mọi người. Các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên từng xem việc săn bắt heo rừng là một nghề, vừa mang lại nguồn thực phẩm tự cung tự cấp, vừa có tác dụng bảo vệ nương rẫy. Đặc biệt, đồng bào Gia Rai có cách săn heo rừng độc đáo, hiếm thấy ở các vùng dân tộc thiểu số khác...


Ở Tây nguyên và các tỉnh miền Đông Nam bộ hiện có nhiều trang trại chuyên nuôi heo rừng đủ sức cung cấp nguồn thịt cho người có nhu cầu.
Ảnh: GIA NGUYỄN

Heo rừng Tây nguyên có 2 loại là heo độc và heo cỏ. Con heo độc có trọng lượng trung bình từ 200kg trở lên, thường kiếm ăn một mình hoặc từng đôi. Heo độc rất khỏe, nhanh và hung dữ, xứng đáng là đối thủ của nhiều loại mãnh thú khác ở vùng rừng núi Tây nguyên. Heo cỏ thường nhỏ hơn heo độc, sống theo bầy đàn, không ở cố định, nhưng chỉ hoạt động theo khu vực đã được đánh dấu. Chính vì vậy, người săn heo rừng có kinh nghiệm dễ dàng biết được nơi chốn ra vào của heo rừng. Người Tây nguyên còn biết tập tính của heo rừng là thích trú chân tại những cánh rừng non rậm rạp một vài ngày trước khi xuống núi tấn công nương rẫy của họ. Heo rừng rất đa nghi, chúng không bao giờ đến những vùng đã có dấu hiệu bất thường như cành cây gãy, cỏ bị xéo nát.

Người Tây nguyên khi phát hiện nơi trú ẩn của đàn heo rừng, họ liền bẻ gãy những cành cây xung quanh khu vực chúng ở, tạo ra một vòng vây “vô hình” giam lỏng đàn heo vài ngày. Dù đói, khát nhưng bầy heo không dám liều lĩnh băng qua khu vực đã bị “làm phép”. Trong thời gian này, người đi săn quay về buôn làng báo cho trai tráng chuẩn bị. Tùy theo số lượng đàn heo mà huy động bao nhiêu trai làng cùng tham gia săn bắt. Người ta kể rằng, có lúc gặp phải đàn heo rừng đông hàng trăm con, người trong buôn không đủ, phải huy động buôn làng lân cận cùng vây bắt.

Người Gia Rai đi săn heo rừng thường chuẩn bị mũi lao, cung tên và mỗi người một vác le - loại tre nhỏ nhưng rất cứng và dẻo có sẵn ở núi rừng Tây nguyên. Theo hướng dẫn của chủ bầy (người dẫn đầu phường săn heo rừng), những người đi săn bao vây thành một vòng lớn. Họ đào hố, cắm cây le thành hàng rào chỉ chừa một đường thoát duy nhất cho lũ heo. Tại cửa thoát, người ta dựng 2 dãy sạp dài, chắc chắn. Trên sạp là những chàng trai trẻ cường tráng, tay lao, tay giáo nhọn hoắc sẵn sàng phóng vào các mục tiêu. Khi công việc chuẩn bị xong  xuôi, chủ bầy chọn một số thanh niên trai tráng khỏe mạnh, dũng cảm đi vào giữa đàn heo để xua đuổi. Nghe tiếng động heo rừng liền tháo chạy. Theo tục lệ, chủ bầy phải là người đâm chết con heo rừng đầu tiên. Vì vậy, những người vào trong rào phải khéo léo lừa cho kỳ được một con heo đến đúng vị trí thuận lợi nhất để chủ bầy ra tay. Lúc ấy cuộc săn mới bắt đầu.

Những người dũng cảm khi ở trong rào vây đều phải tuân thủ sự chỉ huy chung, khéo léo tách đàn heo thành từng nhóm nhỏ để xử lý. Đây là một công việc vừa thú vị, vừa nguy hiểm, bởi đàn heo rừng lúc này rất hung dữ. Người đứng ngoài hàng rào thì hỗ trợ người bên trong bằng cách la hét và xử lý những con heo liều lĩnh xé rào. Đường thoát duy nhất của lũ heo rừng lúc này là cửa thoát và ở đây đã có hàng chục ngọn giáo và cung tên chờ sẵn. Tuy nhiên, cuộc săn dù lớn hay nhỏ thì hầu như lúc nào cũng có những con heo rừng sống sót vì người Gia Rai có tục lệ không bao giờ giết hại heo nái đang chửa và heo con. Những con heo rừng sống sót sẽ khôi phục đàn heo cho những cuộc săn sau.

Sau khi săn được heo rừng, đồng bào Gia Rai thường chia đều cho mọi người trong buôn, bất kể người lớn hay trẻ nhỏ. Đối với già làng hoặc chủ bầy và những người trực tiếp xông pha trong vòng vây, thường được chia phần nhiều hơn so với người không tham gia. Cũng theo phong tục của đồng bào Gia Rai, đầu heo bắt được không chia riêng cho ai mà nấu lên để cả làng ăn chung. Trong những buổi tiệc ăn đầu heo, dân làng thường tổ chức nhảy múa và uống rượu cần suốt đêm. Lúc đó, tiếng chiêng, tiếng trống sẽ vang lên lay động núi rừng Tây nguyên thay lời mời đối với tất cả khách xa gần. Điều thú vị là sau khi được ăn uống no say, khách còn được dân làng tặng thịt heo rừng mang về làm quà cho gia đình.

Cũng như bao đồng bào dân tộc ở các vùng miền khác, nghề săn heo rừng của đồng bào Gia Rai ở Tây nguyên hiện không còn do rừng ngày càng bị thu hẹp, heo rừng không còn nhiều như xưa. Tuy nhiên, món thịt heo rừng thơm ngon vẫn được sử dụng trong các dịp lễ, tết nhờ vào kỹ thuật thuần dưỡng heo rừng thành heo nuôi. Tại Tây nguyên hiện có rất nhiều trang trại nuôi heo rừng, có thể cung cấp nguồn thịt cho các dịp lễ hội mà không cần phải vào rừng săn bắt như xưa.

NGUYỄN TẤN