Nghe những lời nói thẳng của giáo sư Xuân…
Đăng đàn trước công luận để bàn về chuyện nông dân khóc ròng khi nông sản ùn ứ không bán được, hoặc có bán được thì giá lại rẻ như bèo, giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân - nhà nông học nổi tiếng - đã thẳng thắn đặt trách nhiệm lên các nhà quản lý chuyên ngành cùng chính quyền các cấp. Những lời nói thẳng của giáo sư Xuân chắc chắn sẽ “mất lòng” những cấp, ngành liên quan nhưng lại rất đáng nghe. Đó có thể coi là tiếng lòng mà ông nói hộ cho hàng triệu nông dân khắp cả nước đang trong cảnh mất cả vốn, cả lời bởi nông sản ế ẩm!
Trả lời báo chí, giáo sư Xuân nêu thẳng rằng, chính Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương đã không cung cấp được cho nông dân những thông tin thị trường một cách chính xác. Lãnh đạo các ngành đi xuống địa phương thường khuyến khích trồng cây này, nuôi con kia để phát huy thế mạnh nhưng không chỉ ra được sản xuất để bán cho ai, thị trường nào? Giáo sư xuân cũng thẳng thắn “phê bình” một đặc tính cố hữu của người nông dân là thường chạy theo phong trào, thấy ai bán được thứ gì là bắt chước làm theo chứ không cần biết thị trường có chấp nhận hay không. Thương lái cũng phải “gánh” một phần trách nhiệm, bởi chính thương lái đến đặt hàng cho nông dân sản xuất nhưng không nắm chắc thị trường tiêu thụ. Vậy nên, dù đã đặt tiền cọc cho nông dân nhưng khi không có nơi để tiêu thụ, thương lái có khi lại “bỏ của chạy lấy người”, để người nông dân chẳng biết kêu ai!
Đề cập đến chuyện ngành nông nghiệp “đổ lỗi” cho nông dân sản xuất không theo quy hoạch nên mới xảy ra tình trạng cung vượt cầu, giáo sư Xuân không hoàn toàn đồng ý theo quan điểm đó. Theo lời giáo sư Xuân rằng, ngành nông nghiệp phải nói vậy bởi không dám nhận trách nhiệm trước nông dân. Ngược lại, nếu may mắn nông sản tiêu thụ được thị họ sẽ nhận công lao “chỉ đạo”! Cũng theo giáo sư Xuân, quy hoạch phát triển nông nghiệp của Việt Nam từ trước tới nay chủ yếu là theo mong muốn của lãnh đạo ngành chứ không hoàn toàn dựa vào khoa học chân chính, không theo điều kiện của thị trường. Ông nêu thẳng vấn đề, ngành nông nghiệp đang hành động theo kiểu chắp vá, thấy sai đâu sửa đó chứ không có một chiến lược dài hạn, bài bản, đồng bộ, có hệ thống.
Để nông dân không khỏi phải khóc vì nông sản ế thừa, giáo sư Xuân đề xuất cần tổ chức sản xuất mỗi ngành hàng một cách có hệ thống chuỗi giá trị từ khâu tìm hoặc mở thị trường rồi về tổ chức lại cho nông dân kết hợp với nhau sản xuất theo cùng một quy trình GAP. Liên kết với doanh nghiệp có đầu ra để bao tiêu sản phẩm nguyên liệu, sản xuất hàng có thương hiệu bán cho thị trường. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và áp dụng cho từng công đoạn của cả chuỗi giá trị đó.
Những lời nói thật của giáo sư Xuân có chút “mất lòng” những ai liên quan, nhưng thiết thực với ngành nông nghiệp, thiết thực với hàng triệu nông dân khắp mọi miền nên rất cần phải lắng nghe!
TRIỆU PHONG