Nghệ nhân tiên phong của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ
Vào ngày 5-12-2013, Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ được Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là thành quả do nhiều thế hệ nghệ nhân (bao gồm những nghệ nhân đã mất và đang hoạt động) vun đắp, trong đó có công đóng góp của cố Nghệ nhân dân gian (NNDG) - nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người mà nhạc giới tài tử thường gọi ông với cái tên kính mến là cụ Ba Đợi và tôn vinh là một trong những nghệ nhân tiên phong của di sản “đặc thù” vùng đất phương Nam.
(BDO)
Đại diện các ban ĐCTT nhận hoa và cờ lưu niệm tại Liên hoan ĐCTT Nam bộ lần thứ 23 tỉnh Long An năm 2017
Đôi nét về tiểu sử
Theo nhiều tài liệu có ghi, cố NNDG - nhạc sư Nguyễn Quang Đại thuộc dòng họ Nguyễn Nhữ ở Hải Quế, Hải Lăng, Quảng Trị; sinh năm Mậu Ngọ (1855), mất ngày 19 tháng Giêng, nhưng năm nào không rõ. Ông sinh sống và hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp trong dàn nhạc cung đình Huế. Khoảng năm 1885, khi vua Hàm Nghi xuất bôn, ông theo phong trào Cần Vương vào Nam dạy nhạc, đào tạo nhiều thế hệ học trò lừng danh ở các địa phương như: xóm Hàng Dừa - Đa Kao - Sài Gòn (nay là đường Phó Đức Chính, quận 1, TP.Hồ Chí Minh); Cần Đước, Cần Giuộc (Long An); Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang); Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương; Biên Hòa (Đồng Nai). Sau đó, ông về nhà người con trai thứ hai (tức cậu Hai Tuân) ở Rạch Cát, Bến Bình Đông, quận 8, TP.Hồ Chí Minh dạy nhạc cho đến ngày qua đời. Linh vị ông hiện nay được thờ tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Hơn 2 thập niên qua, hàng năm, nhân dịp Lễ cầu an đình Vạn Phước (nhằm ngày 16, 17 và 18 tháng Giêng âm lịch) và lễ Húy kỵ NNDG - nhạc sư Nguyễn Quang Đại; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An phối hợp cùng UBND huyện Cần Đước tổ chức Liên hoan ĐCTT Nam bộ - tỉnh Long An tại đình Vạn Phước nhằm tôn vinh, nhắc nhở mọi người, nhất là thế hệ nghệ nhân, tài tử hôm nay nhớ đến công lao đóng góp của ông cũng như thế hệ nghệ nhân tiền bối đã có công khai sáng, truyền bá di sản âm nhạc vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học và được lưu truyền trong đời sống tinh thần của cư dân Nam bộ hơn một thế kỷ qua.
Những đóng góp của NNDG - Nhạc sư Nguyễn Quang Đại
Ở Nam bộ, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có hai nhóm nhạc tài tử phổ biến âm nhạc theo hai quan điểm, xu hướng khác nhau. Đó là nhóm cổ nhạc miền Đông do ông Nguyễn Quang Đại làm trưởng nhóm và nhóm cổ nhạc miền Tây do cụ Trần Quan Quờn (1875-1946) đứng đầu.
Nếu như chủ trương sáng tác của nhóm cổ nhạc miền Tây là duy trì các nguyên tắc đã được áp dụng trong các bản nhạc miền Trung để cấu tạo âm thanh, vẫn giữ đúng ba loại nhịp: nội, ngoại hoán pháp và thất chánh; thì nhóm cổ nhạc miền Đông, cụ Ba Đợi cùng một số học trò của ông như: Sáu Thới, Bảy Nhỏ, Tám Hạnh, Cao Huỳnh Cư, Cao Huỳnh Diêu, Sáu Thoàng, Chín Chiêu, Năm Tịnh, Sáu Giỏi, Năm Khiết, Ba Đồng, Năm Cần, Giáo Thinh (Nguyễn Văn Thinh), Cao Hoài Sang... đã cải biên một số bài bản của âm nhạc miền Trung bằng cách giản dị hóa lối ấn nhịp để tạo ra nhạc điệu hòa hợp với phương ngữ của người dân Nam bộ. Hệ thống bài bản của nhóm cổ nhạc miền Đông chỉ có hai loại nhịp: nhịp nội và nhịp ngoại.
Trên nền tảng nắm chắc âm nhạc ngũ cung, NNDG - nhạc sư Nguyễn Quang Đại chủ trương tôn trọng “lòng bản” khi trình tấu, nhưng tự do sáng tạo chữ đờn và nối nhịp lơi ra tùy theo người ca và người đờn chung với mình. Với quan điểm đó, ông đã sáng tác rất nhiều bài bản, làn điệu cho nghệ thuật ĐCTT. Trong đó, tiêu biểu nhất là 8 bản Ngự (còn gọi là bộ Bát Ngự) với các loại hơi như: hơi Bắc - Ngự gồm các bản: Đường Thái Tôn, Vọng phu, Chiêu Quân, Ái tử kê, Bát man tấn cống (còn có tên gọi khác là Bắc man tấn cống); hơi Ai - Ngự gồm hai bản: Tương tư và Duyên kỳ ngộ; hơi Ai - Oán - Ngự là bản Quả phụ hàm oan, để cung nghinh vua Thành Thái khi đức vua vào Nam khoảng năm 1898- 1899. Kế đến là các làn điệu trong bộ Ngũ châu bao gồm: Kim tiền bản, Ngự giá, Hồ lan, Vạn liên và Song phi hồ điệp.
Ngoài sáng tác 8 bản Ngự và bộ Ngũ châu, nhiều người cho rằng, chính cụ Nguyễn Quang Đại cùng các môn đệ trong nhóm cổ nhạc miền Đông đã hệ thống lại hơi - điệu bài bản nhạc tài tử với các điệu thức: Bắc, Nam, Hạ, Oán thành 20 bài bản Tổ (còn gọi là Nhị thập huyền bản tổ) bao gồm:
+ Sáu điệu thức Bắc theo hệ thống ngũ cung chánh: Hò, xự, xang, xê, cống, gồm có 6 bản, mỗi bản lấy một chữ trong hệ thống ngũ cung chánh làm chữ khởi đầu: Lưu thủy trường (hò), Phú lục (xự), Cổ bản (xê), Bình bán chấn (xang), Xuân tình (cống) và Tây Thi (liu đồng âm với hò nhưng ở cung cao);
+ Ba điệu thức Nam bao gồm: Nam xuân, Nam ai và Nam đảo (còn gọi là Đảo ngũ cung). Cấu trúc bằng 5 âm chánh: hò, xự, xang, xê, cống nhưng nhấn và rung ở những chữ: xừ, xang, xê, cống. Ba bản nhạc này được ông Nguyễn Quang Đại và các cộng sự lấy hơi điệu từ các bản nhạc miền Trung viết mới lại theo phong cách nhạc tài tử Nam bộ;
+ Bốn điệu thức Oán: Đây là điệu thức đặc thù được sáng tạo tại vùng đất Nam bộ. Ông Ba Đợi cùng các đồng môn chuyển hơi, chuyển cung và phát triển bản Tứ đại cảnh (nhạc miền Trung) từ hơi Bắc dựng thành hơi Oán. Điệu thức Oán gồm có các bài bản: Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang nam cửu khúc và Phụng cầu hoàng duyên.
+ Bảy bài Nhạc lễ (hơi Hạ): Ông Ba Đợi không những dạy nhạc tài tử mà còn bổ sung và chấn chỉnh bộ môn Nhạc lễ. Ông đã đem bảy bài Nhạc lễ còn gọi là bảy bài Cò truyền dạy cho các môn đệ nhạc tài tử. Bảy bài Nhạc lễ bao gồm: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá và Tiểu khúc.
Cho đến hôm nay, tất cả những làn điệu trong 20 bài bản Tổ, bộ Ngũ Châu và Bát Ngự được chia thành bốn điệu: Bắc, Nam, Hạ, Oán và bốn hơi: Xuân, Ai, Đảo, Ngự vẫn còn phổ biến trong nhạc giới tài tử.
Qua việc sáng tác làn điệu và đào tạo nhiều thế hệ học trò lừng danh chứng tỏ, cố NNDG - nhạc sư Nguyễn Quang Đại là một trong những nghệ nhân có nhiều đóng góp đáng kể trong quá trình và phát triển nhạc tài tử Nam bộ. Ông xứng đáng được tôn vinh là một trong những nghệ nhân tiên phong của di sản “đặc thù” của vùng đất phương Nam.
THẠC SĨ PHẠM THÁI BÌNH