Nghề mướn vườn…

2024-06-21 14:24:52

(BDO) Để có được những sạp trái cây phong phú nhiều chủng loại, tươi ngon và hấp dẫn bày bán trên thị trường, ngoài việc chăm sóc vườn cây thì còn có một phần công sức của người thu hoạch. Đó thường là những người làm nghề mướn vườn…

Ăn, ngủ cùng cây trái

Những ngày về với vườn cây ăn trái ở TP.Thuận An nhân Lễ hội “Lái thiêu mùa hẹn”, chúng tôi mới biết một chuyện thú vị rằng, chủ vườn muốn ăn trái cây ngay trong vườn mình hay biếu tặng ai phải… mua lại từ người mướn vườn. 


Anh Hùng (trái) tại vựa trái cây thu mua từ các vườn lân cận vùng An Thạnh, TP.Thuận An

Chị Hoàng Anh, một chủ vườn cho biết: “Đó là sự tử tế giữa chủ đất và người mướn vườn của mình bởi hai bên đã làm hợp đồng cho thuê đến hết mùa trái rồi”. Có nhiều khi, chủ vườn còn tìm mối bán trái cây phụ người mướn vườn của mình để được giá hơn.

Mong muốn hiểu hơn về nghề này, chúng tôi đã tìm đến ông Võ Thanh Bình, 60 tuổi, quê Kiên Giang, hiện ở phường Bình Nhâm, TP.Thuận An. Ông Bình cho biết trước đây ở quê làm ruộng, sau đó chuyển lên sinh sống tại phường Bình Nhâm, TP.Thuận An. Một lần nhìn cây trái thấy thích quá nên ông tìm hiểu dần dần và làm nghề mướn vườn được 7 năm nay.

Theo ông Bình, đây là nghề khá… hồi hộp theo đúng nghĩa. Bởi, chỉ cần thời tiết đỏng đảnh, nắng mưa thất thường, cây ít đậu trái là thất thu liền.

Theo ông Bình, hàng năm khoảng giữa tháng 2 âm lịch, những người làm nghề mướn vườn sẽ đi… ngắm nghía để lựa chọn vườn nào tốt, xấu từ đó họ quyết định giá mướn vườn. Có người kỹ hơn sẽ mướn trễ từ tháng 3 âm lịch bởi họ chờ xem tình hình thời tiết, tỷ lệ hoa đậu trái… mới quyết định mướn với giá bao nhiêu.

Mùa trái cây bắt đầu rộ từ Tết Đoan ngọ (5-5 âm lịch) đến hết tháng 7 âm lịch. Sau khi vét vườn với đợt trái cuối cùng, người mướn sẽ  trả cho chủ vườn để chủ thuê nhân công đến bang gốc cây, thông các mương nước trong vườn, làm cỏ, bón phân chăm sóc cây. 


Ông Bình tranh thủ ăn cơm trưa tại vườn cây

Ông Bình cho biết năm nay ông mướn 6 vườn tại phường An Thạnh và xã An Sơn, TP.Thuận An với tổng số tiền là 160 triệu đồng. “Năm nay thất thu so với những năm trước do thời tiết thất thường, nắng quá cây ít đậu trái. Rồi có cây đậu trái nhiều sau đó rụng bớt. Bù lại có những năm làm một ăn một. Tuy nhiên, năm nay giá cả khá nhỉnh hơn nên đỡ được phần nào”, ông Bình chia sẻ.

Sau khi mướn vườn thì người mướn sẽ tiếp tục thuê thêm người chăm sóc và thu hoạch trái. Để trái cây sạch, không sử dụng phân thuốc nhiều, họ phải bọc từng trái một từ ổi, mận, đến sầu riêng. Tất cả đều tranh thủ ăn, ngủ tại vườn cây. Họ lo lắng theo từng ngày nắng mưa, họ “vui buồn cùng ông trời” như một người hái trái thuê nói đùa với chúng tôi. 

Công hái trái hiện nay khoảng 500.000 đồng/người/ngày với những ai làm giỏi, năng suất cao. Người mướn vườn phải luôn nhắc nhân công hái trái kỹ để không ảnh hưởng tới cây, hái cả trái điểm (già) vì  măng cụt chín rất nhanh, bữa trước hái còn xanh hôm sau đã chín hết và bán không kịp cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người làm nghề mướn vườn. 

Anh Nguyễn Trí Hùng, năm nay 46 tuổi, ở phường An Thạnh, TP.Thuận An tự nhận mình là “3 trong 1”, tức vừa làm chủ vườn, vừa mướn thêm các vườn lân cận, vừa làm chủ vựa thu mua trái cây đặc sản của quê hương mình. 

Theo anh Hùng, khó khăn của người mướn vườn là không đoán trước được tình hình giá cả thị trường, thời tiết thì… hên xui nên mướn vườn xong lo lắng, hồi hộp lắm. Đa phần người mướn vườn đều lấy công làm lãi. Họ tận dụng lao động nhàn rỗi trong gia đình để kiếm thêm thu nhập trong mùa trái chín.


Nhân công phải bọc từng trái sầu riêng để có sản phẩm sạch

Tận tâm với vùng trái cây đặc sản

Anh Nguyễn Trí Hùng cho biết gia đình anh mấy đời đều là nông dân, anh theo nghề của ông bà, cha mẹ truyền lại cho con cháu và “cảm thấy có lỗi nếu làm mất đi vườn cây, giá trị của gia đình để lại”. Quê hương anh gắn liền với vùng trái cây có thương hiệu từ mấy trăm năm nay nên anh chị em trong nhà luôn động viên nhau không bán đất mà còn mua thêm để mở rộng vườn cây ăn trái. 


Người mướn vườn thu hoạch sầu riêng 

“Bảo tồn vườn cây ăn trái hơn ai hết là trách nhiệm của người dân ở địa phương. Nông dân phải gắn bó với ruộng vườn, nếu thấy khó mà không làm thì còn đâu vùng ăn trái măng cụt, sầu riêng nức tiếng gần xa, còn đâu một vùng xanh tươi hiền hòa làm lá phổi xanh cho đô thị ngày càng phát triển như bây giờ”, anh Hùng chân tình tâm sự. 

Xen vào lời của con trai mình với sự hài lòng pha lẫn tự hào, mẹ của anh Hùng nói thêm: “Ngày xưa tôi leo lên cây măng lão từ vườn nhà mình ở An Thạnh phóng tầm mắt xa tới… miệt Phú Văn, Phú Thọ của TP.Thủ Dầu Một. Nay nhà cao tầng mọc lên nhiều quá nên tầm nhìn không còn bao xa. Vợ chồng tôi thường dặn con cháu khó khăn mấy cũng giữ lại vườn cây ăn trái”.

Hiện nay, trái cây đặc sản ở TP.Thuận An, Bình Dương có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Theo anh Hùng, anh thu mua tất cả trái cây chín từ các xã, phường lân cận để cung cấp cho đại lý là các shop, siêu thị trong cả nước. Trái cây ở vùng này đã xuất đi rất nhiều nơi, nhiều nhất là Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa… rồi từ đó thương lái sẽ đưa về các tỉnh, thành gần đó.


Ông Bình dù bị tật ở tay nhưng vẫn hái măng cụt rất nhanh nhẹn

Việc bảo tồn vườn cây ăn trái ở TP.Thuận An đã được tỉnh quan tâm từ lâu. Trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Thuận An đến năm 2040, tỉnh đã lưu ý địa phương việc bảo tồn các vườn cây ăn trái và bố trí đất cho hạ tầng xã hội. 

Bằng công sức và quyết tâm gắn bó với nghề nông của những chủ vườn, người mướn vườn mà những vùng cây trái sum suê luôn được chăm sóc kỹ càng. Mùa trái chín cũng là thời điểm mà họ thu về quả ngọt cho cả quá trình lao động của mình. Hy vọng những người mướn vườn luôn gặp mưa thuận gió hòa để họ gắn bó với nghề thật lâu. Bởi, cái lợi từ cây xanh mang lại cho con người là vô giá. Giá trị của một thương hiệu trái cây cũng không thể đong đếm được mà đó là niềm tự hào gắn với vùng đất và người Bình Dương từ xưa, nay và đến cả mai sau.

QUỲNH NHƯ
 

 

 

Báo Bình Dương