Nghề không phụ lòng người tâm huyết…
(BDO) Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm heo đất, chị Đặng Thị Vàng, 44 tuổi ngụ khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An luôn mong muốn duy trì và gìn giữ giá trị nghề truyền thống của cư dân Lái Thiêu qua bao đời nay.
Chị Đặng Thị Vàng trao đổi về sản phẩm với khách hàng
Chị Đặng Thị Vàng là người con đầu trong gia đình có 4 chị em. Chị không nhớ rõ, nghề làm heo đất có từ khi nào. Nhưng đến đời ba mẹ của chị thì đã theo làm nghề này. Ngay từ nhỏ, chị đã học và làm heo đất. Vì là người chị lớn trong nhà nên cần phải phụ giúp ba mẹ. Chị đi xe đạp chở hàng bỏ mối cho các đại lý ở TP.Hồ Chí Minh. Sau khi ba mẹ già yếu, chị tiếp tục nối nghiệp, 3 người em còn lại không ai dám theo vì nghề này vất vả, lại không mang lại lợi ích kinh tế cao.
Trải qua hơn 20 năm trong nghề làm theo đất, những khó khăn, vất vả, chị đã nếm đủ. Tuy nhiên, chị nghĩ rằng, đây là nghề truyền thống của gia đình, của quê hương nên cố gắng bám lấy. Người không phụ nghề thì nghề cũng không phụ lòng người, những năm qua, đời sống kinh tế của gia đình chị từng bước được nâng lên. Vợ chồng chị đã có của ăn của để từ nghề làm heo đất. Thị trường tiêu thụ sản phẩm heo đất ngày càng mở rộng, nhu cầu chơi heo đất của người dân nhiều hơn. Để tạo thuận tiện cho việc vận chuyển sản phẩm heo đất, vợ chồng chị đã sắm thêm xe tải đi bỏ mối tại các đại lý. Thị trường tiêu thụ sản phẩm không bó hẹp trong tỉnh mà còn mở rộng ra Phú Quốc, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Bình Định… Trung bình mỗi ngày cơ sở đưa ra thị trường từ 200 đến 300 con heo đất. Vào cao điểm từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch hàng năm, cơ sở của chị không đủ sản phẩm để giao cho các đại lý. Nguồn lợi nhuận thu về sau khi trừ chi phí bình quân mỗi tháng khoảng từ 15 đến 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, cơ sở heo đất của chị Vàng còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động tại chỗ, chủ yếu là người lớn tuổi, không bảo đảm sức khỏe để làm tại các doanh nghiệp với mức lương ổn định khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nếu làm tốt, thu nhập có thể lên đến 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, chị luôn tạo điều kiện thuận lợi để người làm thuê cảm thấy thoải mái, thuận lợi, nhất là vấn đề về thời gian. Hiện tại, chị Vàng đã mở rộng quy mô sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao. Ngoài cơ sở ở khu phố Hòa Long, chị còn duy trì hoạt động hiệu quả cơ sở ở xã An Sơn. Để duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, chị đã vay và sử dụng nguồn vốn vay giải quyết việc làm 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Hồng Chiến, Chủ tịch Hội LHPN phường Lái Thiêu, cho biết chị Vàng là hội viên tiêu biểu trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp. Từ nghề truyền thống của quê hương, chị đã quảng bá sản phảm heo đất Lái Thiêu đến với các vùng miền. Không chỉ làm kinh tế gia đình giỏi, chị Đặng Thị Vàng còn tích cực tham gia làm từ thiện tại địa phương như tặng heo đất cho Hội LHPN phường, hỗ trợ tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Bằng niềm đam mê và tinh thần chịu khó, chị Đặng Thị Vàng đã gầy dựng và phát triển nghề truyền thống heo đất của vùng đất Lái Thiêu. Điều quan trọng đối với chị là dám nghĩ, dám làm để làm giàu bằng chính nghề truyền thống của quê hương.
VĂN TIẾN