Nghề gốm truyền thống: Cần nhiều nỗ lực để phát triển
(BDO) Nghề gốm truyền thống của tỉnh Bình Dương vốn nổi tiếng khắp cả nước, đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của cả tỉnh. Tuy vậy hiện nay, đối với một số lò gốm gia đình đang chật vật để tồn tại trước sự thay đổi của thị trường.
Thay đổi công nghệ, mẫu mã
Ông Trần Thành Nhân, chủ lò gốm tại TP.Thủ Dầu Một cho biết, lò gốm của ông chuyên sản xuất lu; tất cả công đoạn đều sử dụng lao động phổ thông. Mặt hàng lu tráng men của ông đang khó tìm kiếm đầu ra bởi thói quen dùng lu chứa nước của người dân đang dần mai một. Hiện lu ông làm ra chủ yếu phục vụ cho những người trồng giá (đỗ), làm mắm. Từ thực tế này nên cơ sở của ông đang dần bị thu hẹp. Không những vậy, ông còn lo vấn đề môi trường. Ông Nhân cho biết thêm, cơ sở của ông đã nhiều lần bị cơ quan chức năng nhắc nhở vì chủ yếu đun lò bằng củi gây ô nhiễm. Nhưng để đầu tư một hệ thống đun lò bằng gas hay bằng điện với số tiền lên đến hàng tỷ đồng nằm ngoài khả năng đầu tư của gia đình ông.
Muốn tồn tại và phát triển, các lò gốm cần thay đổi công nghệ thân thiện với môi trường. Trong ảnh: Sản xuất gốm xuất khẩu tại một doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Ảnh: PHÙNG HIẾU
Đó là thực trạng chung của những hộ gia đình làm gốm truyền thống ở tỉnh Bình Dương hiện nay. Theo chủ trương chung của tỉnh, những lò gốm truyền thống sử dụng củi đun sẽ phải di dời khỏi khu dân cư và tỉnh cũng hạn chế cho những lò gốm đun bằng củi hoạt động.
Chủ một doanh nghiệp gốm khác ở TP.Thủ Dầu Một chia sẻ, thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng đối với mặt hàng gốm mỹ nghệ ngày càng cao; ngoài công nghệ tráng men khách hàng còn đòi hỏi sức sáng tạo về mẫu mã và thẩm mỹ của sản phẩm. Bài toán này rất khó cho các hộ sản xuất gốm thích ứng để tồn tại, bởi đầu tư trong lĩnh vực sáng tạo mẫu mã cũng tốn kém không ít tiền.
Xu hướng chung hiện nay của nghề gốm là sử dụng khuôn đúc (bằng silicon) để nhân bản sản phẩm, thay cho quy trình tạo hình gốm bằng bàn xoay. Công đoạn này giúp cơ sở sản xuất gốm tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí nhân công. Tuy vậy, theo các chủ lò gốm, đầu tư khuôn cho một mẫu gốm tốn rất nhiều tiền, trong khi đó một lò gốm thường có hàng chục sản phẩm khác nhau. Vì thế, ngay cả việc làm khuôn cũng ngốn của mỗi cơ sở hàng trăm triệu đồng.
Cần sự nỗ lực lớn
Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ mỹ nghệ tỉnh Bình Dương cho rằng, đầu tư vào hệ thống lò đun bằng gas rất tốn kém, lò nhỏ tầm 70 - 80m3 tốn 3 - 4 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn nên không phải lò gốm nào cũng đáp ứng đủ kinh phí. Nhưng bù lại, lò đun gas bảo đảm chất lượng gốm tốt hơn và giảm tỷ lệ hư hao sản phẩm. Vả lại, đây là xu thế chung của nghề gốm trước đòi hỏi khắt khe của tỉnh trong chính sách bảo vệ môi trường.
Hiện tại, nghề gốm truyền thống ở Bình Dương chia làm hai phân khúc. Phân khúc thị trường xuất khẩu chủ yếu thuộc về các công ty lớn như Minh Long, Cường Phát, Phước Dũ Long… Các doanh nghiệp này đã tích cực đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng lẫn mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu khắt khe của các nước châu Âu, châu Mỹ. Trong khi đó, phân khúc thị trường nội địa, chiếm hơn 80% cơ sở gốm truyền thống hiện nay vẫn loay hoay với bài toán đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, hiện tỉnh Bình Dương có Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT). Quỹ này giúp các doanh nghiệp đầu tư hệ thống thoát nước, chất thải để bảo đảm môi trường sản xuất với lãi suất 5 - 6%/ năm. Các cơ sở, doanh nghiệp làm gốm vẫn có thể tìm nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ BVMT để đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Trong thời gian tới, các lò gốm buộc phải tập trung vào khu công nghiệp, tránh xa khu dân cư. Vì thế, các lò gốm nên có định hướng tái đầu tư thích hợp để bảo đảm chủ trương BVMT của tỉnh đối với một số ngành nghề gây tổn hại đến môi trường.
Khó khăn, thách thức của nghề gốm truyền thống đang ngày càng nhiều. Nếu các cơ sở không nỗ lực đa dạng hóa mẫu mã, thay đổi công nghệ thì rất khó khăn trong việc gìn giữ nghề truyền thống này.
XUÂN VĨ