Nghề điêu khắc gỗ: Mạnh dạn đổi mới để phát triển

Thứ tư, ngày 22/03/2017

(BDO) Cùng với các nghề truyền thống có từ lâu đời như gốm sứ, sơn mài..., điêu khắc gỗ cũng là nghề truyền thống tiêu biểu của Bình Dương. Nghề điêu khắc gỗ hình thành và phát triển trên đất Bình Dương đã hơn 200 năm. Trong điều kiện hiện nay, nghề điêu khắc gỗ đã và đang có nhiều nỗ lực, từng bước đổi mới để duy trì và phát triển ổn định.

 Vang bóng một thời

Trở lại thăm làng nghề điêu khắc gỗ ở phường An Thạnh của TX.Thuận An, phường Phú Thọ của TP.Thủ Dầu Một vào những ngày cao điểm mùa khô, tiết trời nóng bức nhưng văng vẳng vẫn nghe tiếng đục, tiếng cưa… như những năm thịnh vượng của nghề điêu khắc gỗ ở Bình Dương. Nghệ nhân Huỳnh Trung Thu, chủ cơ sở Phương Hiển (khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh), chia sẻ trước đây khu vực này đi đâu cũng nghe tiếng cưa, tiến đục vang lên từ đầu đến cuối xóm. Mẫu mã sản phẩm điêu khắc gỗ của Bình Dương khá đa dạng và phong phú, được các nghệ nhân sáng tạo hoặc bảo lưu phong cách cổ như: Các tượng Phật, tượng Di Lạc… và làm theo một số mẫu do khách hàng đặt làm riêng. Thập niên 90 của thế kỷ trước được coi là thời điểm hưng thịnh của nghề điêu khắc gỗ tại Bình Dương. Khi đó, nhiều thợ điêu khắc có thu nhập hàng tháng gần cả cây vàng.

Theo các chuyên gia, ngành điêu khắc gỗ của Bình Dương cần mạnh dạn đổi mới để tồn tại và phát triển trong điều kiện hiện nay. Trong ảnh: Hoạt động điêu khắc gỗ tại cơ sở Phương Hiển (khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh, TX.Thuận An). Ảnh: HOÀNG PHẠM

Các sản phẩm điêu khắc gỗ của Bình Dương chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước, phần lớn là những sản phẩm mỹ nghệ do du khách mua làm kỷ niệm, bày bán trong các khách sạn, tụ điểm văn hóa - du lịch. Ngoài ra, một số sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới qua những công ty lớn như Thanh Lễ, Xí nghiệp Mỹ nghệ Kim Hưng...

Tuy nhiên, thời gian gần đây nghề điêu khắc gỗ của tỉnh gặp nhiều khó khăn, số người gắn bó với nghề ngày một ít đi. “Hiện nay chỉ còn khoảng 200 hộ còn gắn bó với nghề, tập trung ở An Thạnh và Phú Thọ; chủ yếu là làm gia công, không sản xuất đại trà như trước đây. Thị trường tiêu thụ mặt hàng này cũng ngày càng thu hẹp, do chịu tác động của các sản phẩm gỗ sản xuất theo hướng công nghiệp”, ông Thu nói.

Nghệ nhân chạm Lê Ái Huynh (khu phố 3, phường Phú Thọ) đã có 25 năm trong nghề, chia sẻ hiện nay còn rất ít người theo nghề chạm, chỉ có những người yêu nghề mới gắn bó. “Nghề chạm này đòi hỏi phải có tay nghề, có sáng tạo mới sống được. Còn bây giờ máy móc hầu như làm hết mọi thứ, một dây chuyền có thể làm ra hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm giống nhau, chính xác đến từng chi tiết”, ông Huynh tâm tình.

Đổi mới để tồn tại

Trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm gỗ được làm theo hướng công nghiệp, các cơ sở, các hộ điêu khắc gỗ trong tỉnh cũng đã từng bước đổi mới cách làm, sản xuất để tồn tại và phát triển trong điều kiện hiện nay. Qua tìm hiểu một số cơ sở sản xuất sản phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh cho thấy hầu hết các cơ sở đã có sự đầu tư máy móc, thiết bị mới trong sản xuất.

Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điêu khắc - Sơn mài Bình Dương, cho biết so với trước đây nghề sơn mài, điêu khắc gỗ chủ yếu làm thủ công hoàn toàn, hiện nay do sự phát triển và yêu cầu của thị trường, máy móc cũng được đưa vào sản xuất ở một số công đoạn, còn lại hơn 70% vẫn làm bằng tay. Còn ông Thu cho biết thêm, để phát triển ổn định cơ sở của ông đã đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy móc như máy tiện, máy cắt, máy cưa, máy khoan… Trước đây, cơ sở chủ yếu gia công thô các sản phẩm, hiện nay sản xuất bằng máy móc nên cũng gặp thuận lợi hơn, tuy vậy một số quy trình cũng phải làm bằng tay mới chính xác.

Đối với việc chạm, trổ đồ gỗ, chủ yếu các công đoạn phải làm bằng tay, nhưng hiện nay cách thức làm cũng có sự đổi mới để phù hợp với thực tiễn. Theo ông Huynh, hiện nay hầu như các sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ chủ yếu làm theo hình thức công nghiệp, do đó để sống được với nghề cán bộ, nhân viên của cơ sở cũng mạnh dạn đổi mới, từ hình thức chạm đến sáng tạo các mẫu hoa văn… nhằm tạo ra cái khác biệt với sản phẩm làm theo hướng công nghiệp. “Các sản phẩm điêu khắc gỗ truyền thống khi thể hiện cần có sự uyển chuyển nhằm toát lên được cái hồn của sản phẩm. Trong khi đó, các sản phẩm công nghiệp thì có tính rập khuôn, do đó để giữ được khách hàng phải có cái chất riêng. Đây cũng là điều kiện để các nghệ nhân chạm trổ phát huy tay nghề của mình”, ông Huynh nói.

Bên cạnh đó, một khó khăn của các cơ sở sản xuất điêu khắc gỗ trong tỉnh nữa là về vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Ông Thu cho biết hiện nay việc vay vốn để mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn, cụ thể như một số cơ sở nhỏ không có tài sản thế chấp để vay nên khó tiếp cận được nguồn vay. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ việc duy trì làng nghề truyền thống đã có, nhưng chủ cơ sở không được nắm rõ cần đến cơ quan, đơn vị nào để xác minh vay vốn…

 HOÀNG PHẠM