“Nghề” chạy đua với… thần chết!
(BDO)
Trên các tuyến đường, hình ảnh xe cứu thương đã khá quen thuộc với mọi người. Xe chạy tốc độ cao, chạy khi đèn đỏ, lấn làn đường… chạy như vậy có thể gặp nguy hiểm nhưng đó là việc những người “chạy đua với thần chết” phải làm để kịp cứu sống một mạng người. Trên mỗi hành trình, họ gặp biết bao câu chuyện buồn, vui mà không phải ai cũng hiểu được.
Làm việc không kể ngày đêm
Khoảng 22 giờ, ngày 18-9- 2016, một đêm chủ nhật đáng nhớ khi chúng tôi được theo xe anh Nguyễn Hữu Tài (43 tuổi), lái xe cứu thương Phòng khám Đa khoa Phúc Tâm (TX. Tân Uyên). Lúc này anh đang đưa bệnh nhân bị tai nạn giao thông đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Trong buồng lái, gương mặt anh vô cùng căng thẳng khi bên tai là tiếng gia đình nạn nhân khóc, kêu la. Liếc nhìn anh, tôi thấy những giọt mồ hôi ngắn dài rơi trên khuôn mặt đầy “vết chân chim”.
Lái xe cứu thương Phòng khám Đa khoa Phúc Tâm (áo sọc ngang) phụ đưa bệnh nhân vào cấp cứu
Đến Bệnh viện Chợ Rẫy, anh nhanh chóng xuống xe, mở cửa và kéo băng ca giúp các bác sĩ ở đây đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu. Đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời anh thở phào nhẹ nhỏm. Quay sang tôi với nụ cười hiền, anh nói: “Công việc của anh là vậy, túc trực 24/24 giờ, điện thoại và con người luôn trong tâm thế sẵn sàng “chiến đấu” với những cung đường từ Bình Dương lên TP.Hồ Chí Minh để đưa bệnh nhân đến bệnh viện”.
Tạm chia tay với anh Tài, ngày hôm sau chúng tôi tìm đến Đội xe cứu thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương (Bệnh viện tỉnh). Lúc này trời đang mưa tầm tã nhưng khi điện thoại báo tin có người bị nạn, đội trưởng đội xe nhanh chóng điều người đi làm nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Đức Dũng (53 tuổi), Đội trưởng Đội xe cứu thương Bệnh viện tỉnh bộc bạch, đội xe có 9 tài xế, nhiệm vụ chính là lái xe cứu thương. Khác với lái xe ở cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, lái xe cứu thương phải trực 24/24 giờ, bất kể ngày nghỉ, lễ, tết... Mỗi ca trực gồm 6 người, thời gian 24 tiếng. Cũng có ngày số lượng bệnh nhân cấp cứu hoặc chuyển viện đông, phải huy động cả tổ đi làm. Do phần lớn trường hợp chuyển lên tuyến trên bệnh đã nặng, sức khỏe yếu nên áp lực rất lớn.
Theo các tài xế ở đây, do đặc thù công việc, nên họ hiếm khi được ăn cơm đúng giờ. Nhiều bữa đang ăn phải bỏ cơm để đi chuyển viện, về đến nơi cầm hộp cơm đã nguội chưa kịp ăn tiếp lại phải đi. Thậm chí nhiều lúc gấp gáp chỉ kịp ăn ổ bánh mì, hay uống chai nước ngay trên xe để lót dạ. Anh Dũng là người thâm niên nhất trong Đội xe cứu thương Bệnh viện tỉnh với 34 năm kinh nghiệm. 34 năm gắn bó với nghề, anh không nhớ mình đã chở bao nhiêu bệnh nhân gặp tai nạn về Bệnh viện tỉnh, cũng như chuyển viện lên tuyến trên. Trong ký ức anh Dũng, dù chạy nhanh, chạy vượt đèn đỏ nhưng chưa một lần nào xe anh bị va đụng, ảnh hưởng đến bản thân, những người trên xe. Theo anh, điều kiện để trở thành lái xe cứu thương không chỉ là tay lái vững, mà còn phải nhanh nhẹn, biết kỹ năng trong sơ cứu, hỗ trợ bệnh nhân và đặc biệt là phải có thần kinh “thép”. Ngoài ra, tài xế cũng phải nắm vững địa chỉ các bệnh viện, cơ sở y tế trong suốt hành trình để khi xảy ra tình huống nguy cấp có thể đưa bệnh nhân đến nơi gần nhất để cứu chữa.
Vui… buồn chuyện nghề
Qua tiếp xúc những người tài xế xe cứu thương tâm sự, mỗi chuyến đi của họ như một cuộc đua với thần chết. Bởi chạy xe nhanh quá, không bảo đảm an toàn thì dễ gây tai nạn, ngược lại chạy chậm một vài phút có khi làm mất đi cơ hội sống sót của người bệnh.
Anh Nguyễn Văn Nam, tài xế xe cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo (TX.Dĩ An) kể, có lần tôi đưa một ca cấp cứu tai biến sản về Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh). Khi lên xe, bệnh nhân đang trong tình trạng mất máu nhiều, sức khỏe rất yếu. Trong đầu tôi khi đó chỉ nghĩ phải tranh thủ từng phút, từng giây để cứu lấy người bệnh. Rất may không có sự cố nào xảy ra trên đường và bệnh nhân đã được cấp cứu.
Trong những cuộc chạy đua sinh tử, không phải khi nào lái xe và bệnh nhân cũng là người chiến thắng. Anh Nguyễn Hữu Tài (Phòng khám Đa khoa Phúc Tâm) tâm sự, nhiều trường hợp nặng, đang chuyển lên tuyến trên thì bệnh nhân đã không qua khỏi. Những lúc như vậy, anh cảm thấy tâm trạng rất nặng nề, rồi tự nhắc nhở mình phải nỗ lực hết sức để cứu bệnh nhân.
Không chỉ vận chuyển, đôi khi lái xe cứu thương còn trực tiếp tham gia ứng cứu, hỗ trợ bác sĩ điều dưỡng khi khẩn cấp hoặc bệnh nhân bị co giật. Do vậy, nguy cơ bị phơi nhiễm các bệnh truyền nhiễm như lao, cúm, thậm chí HIV/AIDS… là không nhỏ. Vất vả và áp lực là vậy nhưng đôi khi họ vẫn bị người nhà bệnh nhân trách vì không thể chạy kịp cứu bệnh nhân. Những lúc như vậy, họ phải hết sức bình tĩnh để giải thích để người nhà hiểu và thông cảm.
Vượt qua những áp lực, vất vả của nghề, niềm vui của những người lái xe cứu thương là giúp người bệnh được cấp cứu kịp thời và an toàn. Có thể chế độ đãi ngộ dành cho họ vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng những người “chạy đua với thần chết” mà tôi gặp đều xác định sẽ tâm huyết và gắn bó với nghề. Sau mỗi chuyến đi, bệnh nhân đến bệnh viện an toàn, kịp thời là một niềm vui và sự động viên lớn lao bởi đã giúp được một người giành lại sự sống, giúp một gia đình có được hạnh phúc khi người thân được khỏe mạnh trở lại.
Anh Nguyễn Đức Dũng, Đội trưởng Đội xe cứu thương Bệnh viện tỉnh nói: “Khi bệnh viện nhận được tin báo có người gặp nạn, chúng tôi liền chạy đến địa điểm được báo. Thế nhưng, trong 10 trường hợp gọi báo chỉ có khoảng 4 ca là thật. Một số gọi trêu đùa, trường hợp khác đến nơi thì người gặp nạn không chịu đi vì cho rằng chấn thương nhẹ. Do đó, rất mong mọi người hãy báo tin đúng, chính xác địa điểm có người gặp nạn để chúng tôi kịp thời đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị”.
THIÊN LÝ