Ngày xuân, nghe chuyện tỷ phú nghề nông
(BDO) Sau một năm thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Nông dân tỷ phú Bình Dương đã trở thành trung tâm kết nối, giúp người nông dân đưa sản phẩm đi đến thị trường nhiều châu lục. Ngành nông nghiệp tỉnh nhà đang tạo ra thế vững chắc trong nông nghiệp công nghệ cao, qua rồi cái thời mạnh ai nấy làm, nấy bán.
Ông Tống Văn Hướng đang từng bước áp dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn liền với du lịch địa phương
Tâm thế vững chắc của nhà nông
Tuy quỹ đất dành cho nông nghiệp không lớn, nhưng trên bản đồ nghề nông cả nước, nông nghiệp Bình Dương mang lại thu nhập không hề nhỏ, không thua kém bất cứ tỉnh nào. Nông nghiệp công nhệ cao của tỉnh đang được người nông dân áp dụng thành thạo, tạo ra nguồn sản phẩm sạch, mang lại thu nhập cao.
Những mô hình điểm như HTX Kim Long, HTX Tân Mỹ mỗi năm xuất ra thị trường hàng trăm tấn dưa lưới, bưởi mang về lợi nhuận cả chục tỷ đồng. Hay mô hình nuôi gà lạnh của ông Đinh Ngọc Khương có tổng thu nhập năm 2021 lên đến 99 tỷ đồng, là một trong những nông dân có thu nhập cao nhất cả nước. Làm nông nghiệp công nghệ cao, người nông dân không còn cảnh chân lấm tay bùn, mà chỉ cầm chiếc smartphone trên tay để điều hành, quản lý cả trang trại rộng hàng trăm ha từ an ninh đến tưới, bón phân, tất cả đều tự động. Sản phẩm làm ra, có sự liên kết, hợp tác với các thương lái, doanh nghiệp đưa đi tiêu thụ trong và ngoài nước.
Ông Tống Văn Hướng, nông dân xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng (Chủ nhiệm CLB Nông dân tỷ phú), người vừa được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba trong năm 2022, cho biết: “CLB là nơi ươm mầm cho nhiều nông dân trong tỉnh trở thành tỷ phú trong nay mai. Được thành lập năm 2021 với 45 thành viên, bao gồm những người nông dân trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, vật tư cùng các nhà khoa học - kỹ thuật có trình độ giáo sư, tiến sĩ trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau một năm, đã tăng thêm 13 thành viên. CLB cũng là nơi kết nối giữa 4 nhà: Nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước, nhà doanh nghiệp”.
Theo ông Hướng, lợi ích mang lại cho người làm nông khi tham gia CLB là rất thiết thực. Bởi thực tế, người nông dân trong thời buổi hiện nay không thể tự bơi như trước. Làm nông nghiệp mà muốn thành công thì phải áp dụng khoa học kỹ thuật, có sự liên kết giữa các bên. Phải áp dụng công nghệ 4.0, 5.0, phải hội tụ những người có tâm huyết trong ngành nông nghiệp, đi theo một hướng mới, thay đổi cả nền nông nghiệp để cạnh tranh với các nước. Tuy là địa phương phát triển công nghiệp, nhưng thu nhập từ nông nghiệp của Bình Dương hiện không thua kém bất cứ tỉnh nào trong cả nước. Điển hình như năm 2020, 2021, khi dịch bệnh ập đến, nhiều nhà máy phải đóng cửa, thì ngành nông vẫn phát triển ổn định, là cứu cánh cho xã hội. Bây giờ, làm nông phải chuyên nghiệp, tri thức nông dân phải được nâng cao. CLB Nông dân tỷ phú hiện chỉ có tỉnh Bến Tre thành lập và sau đó là Bình Dương.
Chỉ sau một năm tham gia CLB, không chỉ riêng ông Hướng, nhiều nông dân cũng nhận ra những lợi ích to lớn mang lại. Ông Đinh Ngọc Khương chia sẻ: “Tôi và những người vào CLB đã thấy được một tâm thế vững chắc để đi vào công cuộc đổi mới nền nông nghiệp tỉnh nhà. Anh em cùng ngồi lại, tập trung thảo luận, tìm ra những hướng đi mới. Không chỉ bán hàng cho thương lái như trước đây, mà đã tận dụng được tất cả các kênh để bán hàng; qua các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, các doanh nghiệp để quảng bá, đưa sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh đến các tỉnh thành và vươn ra thế giới”.
“Khi các nhà khoa học cùng những người nông dân có tâm huyết ngồi lại với nhau, liên kết với nhau thành một chuỗi từ đầu vào cho tới đầu ra. Không thể cứ mãi mạnh ai nấy làm, nấy bán, nấy mua. Qua đó, các sản phẩm như bưởi, dưa lưới, yến... đã đi Úc, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ba Lan...”, ông Hướng chia sẻ.
Hướng đến nông nghiệp du lịch
Tại Bình Dương, những nông dân tỷ phú hôm nay hầu hết nắm trong tay khối tài sản lớn từ hàng trăm, đến ngoài một ngàn tỷ đồng. Điển hình như ông Hướng, ông Khương và nhiều người khác. Họ liên tục nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất, kinh doanh giỏi. Xuất phát điểm từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ chí thú làm ăn, chịu khó học tập, áp dụng công nghệ vào nông nghiệp đã giúp họ thành công ngoài mong đợi.
Nhờ áp dụng công nghệ vào mô hình gà lạnh đã mang lại tổng thu nhập cho gia đình ông Đinh Ngọc Khương mỗi năm gần cả trăm tỷ đồng
Điển hình như vợ chồng ông Hướng, vào Bình Dương lập nghiệp năm 1984, trong túi ông chỉ còn 800.000 đồng. Ông tìm về vùng đất Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) cày thuê, cuốc mướn. Cả năm sau đó, mới mua được vài ngàn mét vuông đất trồng rau. Chí thú làm ăn, ông không ngừng học hỏi về các mô hình nông nghiệp từ nuôi heo, nuôi bò, đến nuôi gà thịt bán ra thị trường với số lượng hàng trăm ngàn con. Năm 2005, qua học tập mô hình nuôi gà lạnh từ các nước, ông mạnh dạn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để chăn nuôi. Thành công nối tiếp thành công, mỗi năm ông thu về nhiều tỷ đồng. Hiện ông đã sở hữu gần 70 ha đất có giá trị để trồng trọt, chăn nuôi với các mô hình công nghệ cao như trồng bưởi, cam để xuất khẩu và hàng chục ha cao su đang khai thác.
Ông Tống Văn Hướng tâm sự: “Người đi tiên phong lúc nào cũng trải qua những gian khó, vấp ngã phải biết tự đứng lên. Những ngày đầu nuôi gà lạnh, khi chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật thành thạo vào chăn nuôi, có lúc đàn gà cả trăm ngàn con lăn ra chết trong vòng 30 phút do thiếu oxy. Khi nuôi heo thịt cho các công ty thực phẩm, bị dính dịch bệnh tai xanh, đàn heo chết một lúc hàng chục ngàn con. Người làm nông như chúng tôi phải ăn, ngủ, nghỉ cùng nông nghiệp. Bỏ ra mồ hôi, công sức và cả tâm huyết nhiều ngày, rồi có lúc thất bại trong nước mắt”.
Hay vợ chồng ông Đinh Ngọc Khương cũng vậy, có thời điểm cả trăm ngàn con heo trong trại bị dịch bệnh lăn ra chết, khiến vợ chồng ông lâm nợ, nghĩ đến việc xa ngành nông nghiệp. Nhưng rồi bằng nghị lực, vượt khó ông chuyển đổi sang mô hình nuôi gà lạnh, vừa cung cấp thịt, trứng cho các doanh nghiệp, vừa bán gà giống nên đã mang lại thành công ngoài mong đợi...
Được tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật để vào nghề nông, những nông dân tỷ phú Bình Dương không chỉ chuẩn bị cho mình tâm thế của người làm nông trong thời đại mới, mà còn dám nghĩ đến những điều xa hơn của nông nghiệp tỉnh nhà. Ông Hướng chia sẻ: “Không lâu nữa, tôi sẽ thực hiện mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch. Tôi luôn tự hỏi, khi khách du lịch đến Dầu Tiếng có gì để tham quan, giải trí? Với diện tích đất hiện có, tôi từng bước nuôi, trồng những cây, con theo mô hình công nghệ cao và hiệu quả nhất. Khi khách đến vùng đất này, sẽ được vào tham quan, chỉ dẫn cách làm nông nghiệp sạch để học hỏi, mua sắm sản vật do chúng tôi tạo ra”.
Có thể nói, CLB Nông dân tỷ phú không chỉ tạo ra mối liên kết, thúc đẩy nông dân áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, đưa sản phẩm của nhà nông vươn cao và đi xa hơn, mà còn giúp nhà nông hình thành hướng đi riêng cho nông nghiệp tỉnh nhà.
QUANG TÁM