Ngày quốc tế điều dưỡng 2022: Thắp sáng mãi ngọn đèn Nightingale
(BDO)
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Hartford, Connecticut, Mỹ.
Khi các ca nhập viện vì COVID-19 ở mức ổn định, nhưng nguồn tài trợ cho hệ thống y tế tại Mỹ cạn kiệt cũng là lúc Tiffanie Jones nhận được thông báo hợp đồng làm điều dưỡng viên của cô bị hủy bỏ.
Người phụ nữ với 17 năm kinh nghiệm trong ngành điều dưỡng này không phải là trường hợp duy nhất mất việc dù thời hạn hợp đồng chưa kết thúc.
Có tới 50% đồng nghiệp của Jones trên nhóm Facebook điều dưỡng cũng lâm vào cảnh tương tự. Câu chuyện của Tiffanie Jones phản ánh thực tế rằng việc đảm bảo nguồn nhân lực điều dưỡng không chỉ là vấn đề hóc búa trong suốt hơn hai năm đại dịch COVID-19 vừa qua mà sẽ tiếp tục là bài toán khó cần tìm lời giải khi thế giới đang dần trở lại cuộc sống bình thường.
Đó cũng là thông điệp của Ngày quốc tế điều dưỡng 2022: “Đầu tư, bảo vệ và hỗ trợ phát triển nghề điều dưỡng để củng cố hệ thống y tế toàn cầu”.
Ngày quốc tế điều dưỡng được tổ chức vào ngày 12/5 hằng năm kể từ năm 1965 nhằm tôn vinh, ghi nhận những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng to lớn của người điều dưỡng, hộ sinh đối với xã hội, những người luôn theo sát, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người bệnh bằng tất cả sự tận tâm.
Đây là ngày sinh của bà Florence Nightingale (1820-1910) - người đã đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển ngành điều dưỡng hiện đại.
Đảm nhận công việc vất vả và bị xã hội thời kỳ giữa thế kỷ 19 coi thường, là chăm sóc cho những người bệnh nghèo hay các thương binh, hình ảnh bà Nightingale cầm cây đèn dầu leo lét trên tay, lặng lẽ một mình đi từng phòng, tới từng giường bệnh nhân trong đêm sau này đã trở thành biểu tượng cho ngành điều dưỡng.
Ngày Quốc tế điều dưỡng được tổ chức trên khắp thế giới vào ngày 12/5 (kỷ niệm ngày sinh của Florence Nightingale) hàng năm, để đánh dấu những đóng góp của các điều dưỡng cho xã hội.
Ánh sáng của ngọn đèn Nightingale thể hiện tinh thần sẵn sàng và tận tâm của người điều dưỡng luôn gần gũi, hết lòng chăm sóc bệnh nhân.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), điều dưỡng và hộ sinh là hai loại hình nhân viên y tế giữ vai trò quan trọng và không thể thiếu trong cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân.
Điều dưỡng là nguồn nhân lực lớn nhất, chiếm gần 60% trong tổng số nguồn nhân lực y tế trên toàn cầu, cung cấp dịch vụ nhiều nhất, thường xuyên nhất và liên tục nhất, được coi là xương sống của ngành y tế các quốc gia.
Đặc biệt, hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành trên toàn cầu, ở bất kỳ đâu, người điều dưỡng cũng là lực lượng tiếp sức đầu tiên và cuối cùng trong chăm sóc, điều trị người bệnh, bởi vậy, cũng là nhóm đối mặt với nhiều áp lực và rủi ro nhất.
Đại dịch không chỉ tác động mạnh đến nguồn lực về y tế, gây quá tải cho hệ thống chăm sóc sức khỏe mà còn bộc lộ tình trạng thiếu hụt nhân lực điều dưỡng đã đến mức đáng báo động.
Theo khảo sát do hãng thăm dò Morning Consult thực hiện vào tháng 9/2021, gần 20% nhân viên y tế Mỹ đã nghỉ việc từ khi đại dịch bùng phát. Cục Thống kê lao động Mỹ ước tính, hơn 500.000 điều dưỡng viên dày dạn kinh nghiệm sẽ nghỉ hưu vào cuối năm 2022.
Ngoài ra, một lượng lớn nhân viên điều dưỡng sẽ nghỉ việc do kiệt sức và căng thẳng vì đại dịch COVID-19. Điều này sẽ khiến các bệnh viện tại Mỹ càng đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên nghiêm trọng.
Công ty quản lý tài sản Mercer ước tính khoảng 9,7 triệu người đang làm các công việc được trả lương thấp trong lĩnh vực điều dưỡng.
Theo dự báo của Mercer, với tốc độ hiện tại, hơn 6,5 triệu điều dưỡng sẽ bỏ việc trong 5 năm tới. Số nhân lực khỏa lấp khoảng trống đó chỉ chưa đầy 2 triệu người.
Không riêng tại Mỹ, ngành y tế và các cơ sở chăm sóc dài hạn của nhiều quốc gia khác cũng đang phải “gồng gánh” trước tình trạng thiếu nhân lực. Đơn cử như tại tỉnh Quebec của Canada, chỉ có khoảng 60% điều dưỡng trong hệ thống y tế công làm việc toàn thời gian tính đến đầu quý 4/2021.
Trong khi đó, tại Anh, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Y khoa Chaand Nagpaul thừa nhận Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) chưa bao giờ chứng kiến tình trạng nhân viên vắng mặt nhiều như hiện nay.
Theo số liệu thu thập được từ 70 bệnh viện của NHS trong giai đoạn tháng 3/2020-9/2021, chỉ riêng các bệnh viện vùng England đã ghi nhận gần 2 triệu ngày công nhân viên y tế vắng mặt do mắc hội chứng COVID kéo dài (Long COVID).
Trung bình mỗi bệnh viện có hơn 100 nhân viên nghỉ làm ít nhất 4 tuần vì vấn đề này.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Có nhiều yếu tố dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân lực điều dưỡng, như sự mất cân đối trong đào tạo, sử dụng và chế độ đãi ngộ, thiếu đầu tư dài hạn cho nguồn nhân lực điều dưỡng...
Khi đại dịch bùng phát, những áp lực căng thẳng, mệt mỏi liên tục, bị sang chấn tâm lý khi đảm đương khối lượng công việc và trách nhiệm nặng nề hơn càng làm trầm trọng thêm vấn đề này. Có tới 79% nhân viên tại Mỹ cho biết họ phải chịu những tác động tiêu cực khi các cơ sở y tế thiếu hụt nhân lực.
Tình trạng thiếu nhân lực điều dưỡng được dự báo sẽ còn kéo dài khi thế giới phục hồi sau COVID-19. Nhật Bản ước tính sẽ thiếu trầm trọng điều dưỡng viên trong 10 năm tới, trung bình mỗi năm thiếu khoảng 2.500 người.
Ngành điều dưỡng Đức đang cần khoảng 10.000 người. Dự tính tới năm 2025 nước này cần 150.000 điều dưỡng viên và năm 2030 có thể tăng lên 350.000 điều dưỡng.
Tỷ lệ điều dưỡng ở Việt Nam hiện tại là 11,4 điều dưỡng/10.000 dân, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình trên thế giới.
Hội Điều dưỡng Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đạt chỉ tiêu 25 điều dưỡng/10.000 dân vào năm 2025. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40.000-50.000 nhân lực điều dưỡng.
Ông Howard Catton, Giám đốc điều hành Hiệp hội điều dưỡng quốc tế, tổ chức có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) đại diện cho 27 triệu nhân viên điều dưỡng và hộ sinh trên toàn cầu, nhấn mạnh: “Đại dịch COVID-19 đã cho thấy rõ chúng ta cần đầu tư thực sự cho nghề điều dưỡng để đảm bảo sức khỏe toàn cầu... Tình trạng thiếu hụt điều dưỡng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và cần phải được giải quyết ngay bây giờ.”
Trong khi đó, ngay cả trước đại dịch, toàn cầu đã thiếu 6 triệu điều dưỡng viên, gần 90% số nhân sự thiếu hụt này là ở những nước thu nhập thấp và trung bình thấp. Thực trạng này ảnh hưởng đến nỗ lực toàn cầu để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Nhận thức được thực tế đó, năm 2021, WHO đã thông qua tài liệu Định hướng Chiến lược toàn cầu về điều dưỡng và hộ sinh 2021-2025, gồm bốn lĩnh vực chính là đào tạo, việc làm, lãnh đạo và cung ứng dịch vụ.
WHO khuyến nghị ngoài tạo việc làm và cơ hội cho đội ngũ điều dưỡng, cần đảm bảo họ được hỗ trợ, tôn trọng, bảo vệ, động viên và được trang bị các phương tiện bảo hộ an toàn để đóng góp tối ưu khi thực hiện các dịch vụ y tế.
Ngày 12/5, tại nhiều nơi trên thế giới diễn ra nghi thức thắp đèn, tưởng nhớ ánh đèn dầu của bà Florence Nightingale thăm các bệnh nhân hằng đêm, cũng là để khẳng định tầm quan trọng và tôn vinh những người điều dưỡng, hộ sinh, những người không chỉ chăm sóc sức khỏe mà còn động viên, cổ vũ tinh thần cho bệnh nhân.
Đội ngũ điều dưỡng được coi là “chìa khóa” của hệ thống y tế bền vững, bởi vậy, đầu tư, bảo vệ và hỗ trợ phát triển nghề điều dưỡng chính là để giữ cho "ngọn lửa Nightingale" sáng mãi, để lực lượng này tiếp tục đảm nhận những trọng trách lớn hơn vì sức khỏe cộng đồng./.
Theo TTXVN