Ngày Nước thế giới 22-3: Nước - yếu tố quan trọng bảo đảm an ninh lương thực
Khu, cụm công nghiệp ngày càng phát triển bên cạnh tích cực, cũng làm bài toán nan giải cho công tác bảo vệ môi trường
- Xin ông cho biết cụ thể hơn tầm quan trọng về mối tương quan giữa nước và an ninh lương thực?
- Với những cảnh báo đưa ra hiện nay, cho biết dân số đã lên con số 7 tỷ người và sẽ tăng lên 9 tỷ người trong 40 năm tới. Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) ước tính vào năm 2025, 1,8 tỷ người sẽ sống ở những khu vực hoàn toàn thiếu nước và 2/3 dân số thế giới có thể bị căng thẳng về nước. Con số thống kê đó cho thấy sự gia tăng dân số, phát triển đô thị hóa, thay đổi thói quen ăn uống đã và đang gây ra những áp lực ngày càng lớn tới tài nguyên nước, gây tình trạng thiếu nước và cạn kiệt nguồn nước, làm cho an ninh lương thực bị đe dọa. Vì thế, mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư về những thách thức của tài nguyên nước nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho hơn 7 tỷ người trên trái đất và dự kiến thêm 2 tỷ người vào năm 2050 là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài.
- Đối với Bình Dương đây là thử thách không nhỏ phải không, thưa ông?
- Đúng! Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong lưu vực sông Đồng Nai. Sau khi khảo sát, được biết tổng nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp trong toàn tỉnh khoảng 650.000m3/ngày, trong đó sử dụng từ nguồn nước mặt khoảng 195.000m3/ngày, nguồn nước dưới đất 455.000m3/ngày. Như vậy, tổng lượng nước thải sẽ phát sinh khoảng 130.000m3/ngày được đổ ra các sông, suối và thậm chí nguồn nước này chưa xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Không chỉ thế, do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong khi cơ sở hạ tầng về cấp, thoát nước chưa đáp ứng kịp thời, cũng gây ô nhiễm nguồn nước. Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường, cho thấy ô nhiễm chính của nguồn nước mặt trên các lưu vực sông, gồm ô nhiễm dinh dưỡng (hầu hết tại các vị trí quan trắc NH3-N đều vượt tiêu chuẩn cho phép); ô nhiễm vi sinh (tổng coliform tại các rạch đổ ra sông hầu hết đều vượt quy chuẩn cho phép); một phần bị ô nhiễm hữu cơ (một số vị trí tiếp nhận lượng lớn nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt như đoạn sông Sài Gòn, các rạch nhỏ) và có dấu hiệu báo động ở các vị trí khác. Ngoài ra, do tác động của hiện tượng xâm nhập mặn, độ muối và độ dẫn điện đoạn sông Sài Gòn khá cao.
Đối với nước dưới đất, một số khu vực phía Nam gồm khu vực Sóng Thần, An Phú, Bình Chuẩn, do khai thác tập trung để phục vụ công nghiệp cũng đã dẫn đến tình trạng mực nước ngầm hạ thấp liên tục trong nhiều năm, chất lượng nước tầng nông có dấu hiệu ô nhiễm, đặc biệt là khu vực Vĩnh Phú (TX.Thuận An) các tầng chứa nước đã bị nhiễm mặn, nồng độ mặn ngày càng tăng lên, chứng tỏ ranh nước mặn ngày càng lấn sâu vào vùng nước nhạt.
- Không có nước thì không có nông nghiệp, không có nông nghiệp thì không thể bảo đảm an ninh lương thực. Vậy, Bình Dương làm gì để quản lý bền vững tài nguyên nước?
- Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết khả năng đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của các công trình thủy lợi gồm hồ chứa, đập dâng, cản dòng và kênh tưới cho khoảng 2.000 ha đất nông nghiệp. Hiện trạng ô nhiễm nguồn nước mặt do đô thị hóa, công nghiệp hóa như trên đã nêu và dự kiến những tác động của biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên nước, thì tất nhiên cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực. Vì thế, để quản lý bền vững tài nguyên nước tại Bình Dương, nhiều giải pháp về chính sách được đặt ra; trước mắt là nên hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, phân cấp mạnh và cụ thể quản lý tài nguyên nước, đồng thời tăng cường nguồn nhân lực có chuyên môn cho cấp huyện, cấp xã.
Về chuyên môn, cần tiến hành lập các quy hoạch tài nguyên nước (quy hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước, quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước và quy hoạch phòng chống tác hại do nước gây ra) để định hướng cho công tác quản lý tài nguyên nước. Kế đến là quy hoạch mạng lưới cấp, thoát nước, thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, tránh tình trạng thải ra sông suối và tự thấm, làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Song song đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đề ra và thực hiện các giải pháp về chính sách để kiểm soát tình hình xả nước thải của các doanh nghiệp (kể cả nước thải tự thấm và thải vào nguồn nước mặt); đồng thời tiếp tục duy trì, mở rộng, nâng cao hiệu quả của hệ thống quan trắc nước thải tự động và các điểm quan trắc nước mặt, nước dưới đất, kịp thời phát hiện những diễn biến xấu về chất lượng nước để có giải pháp xử lý. Trong quá trình thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, giữa các ngành, các cấp trong quản lý bảo vệ tài nguyên nước; đồng thời, vận động người dân và doanh nghiệp trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng, tránh nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm. Yếu tố quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức khai thác, sử dụng tiết kiệm, bảo vệ tài nguyên nước cũng như chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
M.HUY (thực hiện)