Ngày Nước Thế giới 2022: Bảo vệ nước ngầm vì mạch nguồn của sự sống

Thứ ba, ngày 22/03/2022

(BDO)

Người dân xã Ea Nuôi, huyện Buôn Đôn phải đi xin nước về phục vụ cho sinh hoạt. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ra đời cách đây gần 3 thập kỷ, Ngày Nước Thế giới (22/3) có ý nghĩa đặc biệt để khuyến khích sự quan tâm chính trị và truyền cảm hứng cho cộng đồng, từ đó cùng chung tay bảo vệ nguồn nước, lan tỏa các hành động vì sự phát triển bền vững.
 
Năm 2022, Ngày Nước Thế giới được Liên Hợp Quốc lựa chọn chủ đề “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình” bởi đây là mạch nguồn đáng tin cậy phục vụ nhu cầu cho sinh hoạt và các hoạt động sản xuất của con người.

Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết từ năm 1994, các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước Thế giới đã được Việt Nam tổ chức và đến nay đang trở thành phong trào rộng khắp trên cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt, nước ngầm.

Mặc dù nguồn nước ngầm ở Việt Nam tương đối dồi dào nhưng thực trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường nước ngầm nói riêng đã và đang là thách thức. Đáng chú ý, trong những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng tăng cao nên nước ngầm đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nhanh chóng.

Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, việc khai thác quá mức nước dưới đất mà không có sự kiểm soát chặt sẽ gây ra một số tác động tiêu cực như: Làm thấp mực nước dưới đất do việc khai thác nước ngầm tràn lan, không có quy hoạch sẽ làm cho mực nước ngầm tại khu vực cạn kiệt dần và làm thấp mực nước ngầm; ảnh hưởng tới công trình khai thác nước ngầm.

Cụ thể, khi một công trình khai thác nước ngầm đi vào hoạt động thì ảnh hưởng của nó sẽ lan rộng khá nhanh tới khu vực xung quanh, tác động tới các công trình khai thác lân cận làm cho mực nước trong các công trình này bị hạ thấp. Việc này sẽ làm tăng chi phí và giảm hiệu suất khai thác của công trình đồng thời khoảng cách giữa các công trình khai thác càng gần nhau thì mực nước hạ thấp càng nhiều.

Theo giới chuyên gia môi trường, so với nước mặt, nước ngầm ít bị ô nhiễm hơn, nhưng đối với các vùng mà lớp phủ trên tầng chứa nước mỏng hoặc có tính thẩm thấu lớn, làm cho nước mặt thấm xuống nhiều cũng rất dễ gây nhiễm bẩn tầng chứa nước.

Bên cạnh đó, ở các lỗ khoan có kết cấu cách ly kém, nước bẩn có thể theo thành lỗ khoan thâm nhập vào tầng chứa nước, từ đó làm ô nhiễm nguồn nước trong lòng đất. Ngoài ra, quá trình khai thác nước sẽ làm cho mực nước hạ thấp sẽ làm tăng độ dốc thủy lực của dòng thấm cũng có thể làm tăng quá trình ô nhiễm.

Chưa kể, khi nước dưới đất đã bị ô nhiễm thì việc khắc phục rất phức tạp, không những tốn kém kinh phí xử lý mà còn đòi hỏi thời gian khắc phục lâu dài…

Như vậy, nếu như không có các chính sách và kế hoạch quy hoạch tổng thể về điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia, đảm bảo tổng lượng khai thác không vượt quá trữ lượng của nước dưới đất, không vượt ngưỡng giới hạn khai thác an toàn thì nguồn tài nguyên hữu hạn, quý giá này sẽ không được bảo vệ.

Sử dụng tiết kiệm nước để chia sẻ cơ hội…

Để giảm thiểu cácsức ép tiềm ẩn nêu trên, thông qua thông điệp chủ đề của Ngày Nước Thế giới năm 2022 là “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình,” Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn sự quan tâm, chung tay của cộng đồng trong việc nhận định nước ngầm quan trọng đối với con người và môi trường; từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả để quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước bền vững.

Trên tinh thần đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra một số khẩu hiệu tuyên truyền, nổi bật như: Nước ngầm vô hình nhưng tác động hữu hình ở khắp nơi; cùng nhau bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm để thích ứng với biến đổi khí hậu; ở những nơi khô hạn nhất, nước ngầm có thể là nguồn nước duy nhất mà chúng ta có; hãy sử dụng tiết kiệm nước để chia sẻ cơ hội cho mọi người…

Trước đó, ngày 25/2 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gấp rút triển khai việc khoanh định, công bố danh mục “vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.”

Chia sẻ với phóng viên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã quy định mọi tổ chức, cá nhân có quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước để phục vụ cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, các mục đích khác và được nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Trên cơ sở đó, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã chú trọng đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Tuy nhiên, thực tế tại môt số địa phương hiện vẫn đang áp dụng biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất chưa phù hợp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Đáng chú ý, nhiều tỉnh, thành phố hiện vẫn chưa triển khai việc khoanh định, công bố danh mục “vùng hạn chế khai thác nước dưới đất” theo quy định của Nghị định số 167/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất.

Vì thế, để sớm chấn chỉnh thực trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các tỉnh, thành phố chưa phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất cần khẩn trương tổ chức triển khai việc khoanh định, công bố danh mục vùng này đồng thời xây dựng, phê duyệt phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất để làm căn cứ triển khai công tác bảo vệ tài nguyên nước.

Gửi thông điệp cho sự kiện quan trọng này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhấn mạnh nhu cầu về nước của nhân loại đang ngày càng lớn dần. Nước có thể là nguồn gốc của xung đột nhưng cũng là khởi nguồn của sự hợp tác. Điều quan trọng là cần phải làm việc cùng nhau để tạo ra khả năng quản lý tốt hơn đối với tất cả các nguồn nước, bao gồm cả nguồn cung cấp nước ngầm trên thế giới.

Theo đó, Hội nghị về nước của Liên Hợp Quốc trong năm 2023 tới sẽ tạo một cơ hội quyết định để thúc đẩy hành động về nước cho sự phát triển bền vững.

“Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nước Thế giới (22/3/2022), chúng ta hãy cam kết tăng cường hợp tác giữa các ngành và hợp tác xuyên biên giới để có thể cân bằng bền vững giữa nhu cầu của con người và thiên nhiên đồng thời khai thác, sử dụng bền vững nước ngầm cho các thế hệ hiện tại và tương lai,” ông António Guterres kêu gọi./.

Theo TTXVN