Ngày kết nạp đảng: Những ký ức thiêng liêng

Thứ tư, ngày 11/03/2020

(BDO) Trong quá trình tham gia công tác tuyên truyền cuộc thi “Ngày tôi vào Đảng Cộng sản Việt Nam” do Tỉnh đoàn và Báo Bình Dương phối hợp tổ chức, chúng tôi vinh dự được nghe những đảng viên có tuổi Đảng cao kể một thời về tuổi trẻ cách mạng hào hùng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Tự hào biết bao khi cảm nhận được lý tưởng của thế hệ cha ông và những giây phút thiêng liêng trong ngày kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam…

 

Cuộc thi “Ngày tôi vào Đảng Cộng sản Việt Nam” do Tỉnh đoàn và Báo Bình Dương phối hợp tổ chức đã thu hút đông đảo đảng viên tham gia dự thi. Ảnh: ĐÀM THANH

 Kết nạp Đảng nơi trận địa

Thật thú vị khi được nghe câu chuyện vào Đảng của ông Hồ Hữu Vinh, quê quán ở xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, hiện là hội viên Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên). Ông Vinh có hơn 50 tuổi Đảng, đã kể về bước ngoặt cuộc đời mình khi được kết nạp Đảng ngay nơi trận địa, chiến trường B3.

Ông Vinh sinh ra trong thời kỳ chống Pháp, lớn lên trong sục sôi đánh Mỹ. Tốt nghiệp cấp II xong, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Vinh hăng hái lên đường tòng quân diệt Mỹ. Ông nhập ngũ đợt thứ hai trong năm, đó là ngày 15-7-1967. Sau 3 tháng quân trường, ông được biên chế về C7-D8-E, Sư đoàn 1 bộ binh và nhận nhiệm vụ chốt chặn cao điểm 1.009 đồi Động Tri, là con mắt cửa ngõ cứ điểm Tà Cơn. Chiến trường B5 vô cùng ác liệt, B52 và bom đạn rải thảm suốt ngày đêm. Một tiểu đoàn vận tải phục vụ 1 đại đội chiến đấu vẫn không đủ gạo mà ăn, phải ăn cháo rau môn mừng Mậu Thân nổi dậy. Ông Vinh nói: “Sau những trận đánh, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và trước khi nhận nhiệm vụ mới, tôi được kết nạp Đảng tại trận địa ngày 13- 8-1968. Bom đạn rèn bản thân thành người đảng viên chân chính, trước Đảng tôi đã thề hy sinh đến giọt máu cuối cùng, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào Đảng giao phó. Với phương châm nhiệm vụ trước mắt của Đảng lúc bấy giờ là giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc, thống nhất đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa”.

Hun đúc niềm tin

Đến ấp Thị Tính, xã Long Hòa (huyện Dầu Tiếng), chúng tôi tiếp tục được nghe câu chuyện của ông Lê Văn Tiếp, quê quán xã Đông Lâm (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Ông Tiếp kể: “Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương có tiếng trống cách mạng ngày 14-10-1930, ngày nông dân đứng lên cướp chính quyền từ thực dân Pháp đã đi vào lịch sử. Ngày nay, Hội Nông dân Việt Nam lấy ngày 14-10 hàng năm là ngày truyền thống hội. Xã Đông Lâm vào những năm kháng chiến chống Mỹ ở giai đoạn cuối càng quyết liệt gay go, những ngày mà thanh niên quê tôi hăng hái lên đường với chiếc gậy trường sơn và thực hiện “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trên đường, đoàn bộ đội ba lô nặng trĩu trên vai hành quân đi trong trời mưa rét. Đêm đêm trên bầu trời tiếng gầm rú của máy bay Mỹ oanh tạc, quần đảo. Đó là những ngày tháng quân và dân ta đang viết lên bản anh hùng ca “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972. Những tháng năm ngồi dưới mái trường, bài học để lại cho tôi nhiều ký ức là câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

“… Đảng ta muôn vạn công nông/ Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin…”.

Tháng 3-1991, ông Tiếp nhập ngũ và khẳng định con đường đẹp nhất của tuổi trẻ lúc bấy giờ vẫn là viết tiếp bản anh hùng ca Điện Biên Phủ, đại thắng mùa xuân trong thời đại mới. Ông Tiếp chia sẻ: “Cha mẹ sinh ra tôi cuộc sống bằng xương bằng thịt, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng. Những người đảng viên đàn anh, chị trong đơn vị đã thực sự là tấm gương sáng về lòng tin, ý chí và nghị lực để tôi khẳng định mình trên con đường phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”. Ngày 5-12- 1992, ông Tiếp được kết nạp vào Đảng và với ông, đó là giây phút không bao giờ quên. Khi đó, ông đã cảm nhận hết niềm vinh dự, thiêng liêng.

Xây dựng quê hương mới

Tháng 12-1985, ông Hồ Hữu Vinh vào miền Nam làm kinh tế mới ở xã Tân Thành (nay là thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên). Hồi tưởng lại chặng đường chinh chiến đã qua, ông Vinh cho rằng, cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta vô cùng cam go ác liệt, với vô vàn những hy sinh mất mát. Dưới sự lãnh đạo tài tình, nghệ thuật quân sự của Đảng, quân và dân ta đã đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, non sông quy về một mối, Nam - Bắc sum một nhà. Đất nước ta đang tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trên quê hương thứ 2, ông Vinh luôn tự nhủ phải tiếp tục cống hiến, tham gia công tác xã hội tại thị trấn Tân Thành.

Còn ông Lê Văn Tiếp chọn xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng làm quê hương thứ hai, khi vùng đất này đã xanh tươi, bạt ngàn cao su. Để phát triển kinh tế gia đình, ông quyết định tìm cho mình một hướng đi riêng với bản lĩnh của người đảng viên. Trên quê hương Long Hòa, mảnh đất Chiến khu Long Nguyên của hai thời kỳ kháng chiến đã cho ông nhiều bài học quý báu. Qua 30 năm công tác cống hiến và xây dựng kinh tế gia đình, ông thể hiện vai trò người đảng viên trong giai đoạn cách mạng mới, bám sát nghị quyết của các cấp ủy Đảng, ra sức học tập rèn luyện trau dồi đạo đức cách mạng gắn bó với các phong trào cách mạng của địa phương.

Hiện nay, với vai trò là bí thư chi bộ, ông Tiếp luôn gương mẫu, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tuyên truyền vận động nhân dân cùng thực hiện quy ước của ấp, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chung tay bảo vệ môi trường góp phần xây dựng quê hương Long Hòa ngày càng giàu đẹp.

 K.TUYẾN