Ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học - cao đẳng năm 2012: Đầy ắp thông tin trường nhà
Sáng qua (18-3), tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học- cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2012, với sự tham gia của các trường ĐH trong tỉnh gồm: Quốc tế Miền Đông, Thủ Dầu Một, Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương. Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức tư vấn tuyển sinh chỉ dành riêng cho các trường ĐH trong tỉnh. Học sinh đặt nhiều câu hỏi với nhà tư vấn
Đầy ắp thông tin về các trường
Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn cung cấp đầy đủ các thông tin về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012, những điểm mới trong quy chế tuyển sinh, đặc biệt là những thế mạnh của các trường ĐH trong tỉnh. Học sinh sẽ được tìm hiểu ngành nghề đào tạo, chỉ tiêu đào tạo, quy mô đào tạo, chế độ học bổng, cơ hội việc làm... của từng trường ĐH trong tỉnh. Mong rằng qua buổi tư vấn hôm nay, các em sẽ căn cứ vào năng lực học tập, sở trường, hoàn cảnh gia đình để lựa chọn cho mình một trường, một ngành nghề phù hợp với các em nhất”.
Những thông tin khái quát về trường các em được biết đến qua các tờ rơi do trường phát trước đó, ở đây đại diện các trường chỉ nói thêm những điểm mạnh của từng trường ĐH. TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Miền Đông cho biết, nhà trường có nhiều chính sách ưu đãi cho sinh viên. Cụ thể, sinh viên thủ khoa các ngành sẽ được nhận học bổng trong 4 năm và 100% học bổng học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ của trường; sinh viên đậu á khoa được nhận học bổng trong 4 năm học và 50% học bổng tiếng Anh. Tất cả sinh viên vào trường đều được tài trợ 30% học phí tiếng Anh. Sinh viên được ở ký túc xá đầy đủ tiện nghi với giá ưu đãi. Những sinh viên ở TP.HCM vì lý do gì mà không ở lại ký túc xá, trường có xe buýt đưa đón các em mỗi ngày...
TS Hoàng Trọng Quyền, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Thủ Dầu Một cũng đã thông tin, ĐH Thủ Dầu Một là trường ĐH công lập trọng điểm của tỉnh, đào tạo đa ngành, đa cấp. Trường được tỉnh dồn sức xây dựng thành trường hùng mạnh, cung cấp đội ngũ tri thức có trình độ cao cho đất nước. Đến với trường, sinh viên có điều kiện học tập, nghiên cứu tốt, chương trình học tiên tiến, đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Sinh viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng nhu cầu xã hội, 98% có việc làm. Chọn Thủ Dầu Một các em được học gần nhà, đội ngũ giảng viên tốt, điều kiện giảng dạy trường không thua kém bất cứ trường ĐH nào.
Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Linh Hiệp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương nói, các em chuẩn bị chặng đường mới cho việc học tập tiếp theo, đây là sự lựa chọn có tính quyết định cho tương lai của các em. Giờ đây, các em đang đứng trước ngã rẽ nhiều hướng đi khác nhau, chọn trường nào, ngành nào cho phù hợp. Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương đào tạo đa ngành, ứng dụng liên thông, đáp ứng nhu cầu xã hội. Đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình. Cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu học tập tiên tiến. Là trường đầu tiên của tỉnh công bố chuẩn đầu ra. Hầu hết học sinh - sinh viên của trường sau tốt nghiệp có việc làm ổn định, do trường phối hợp với các doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và giới thiệu việc làm.
Học sinh quan tâm đến trường nhà
Dù chỉ tập trung tư vấn, giới thiệu các trường ĐH trong tỉnh, nhưng không ngờ ngày hội đã thu hút sự tham gia của trên 2.000 học sinh đến từ các trường THPT thuộc các huyện, thị trong tỉnh. Vừa bước vào cổng trường ĐH Quốc tế Miền Đông, các em đã nhanh chóng sà vào các gian hàng tư vấn của 3 trường để tìm hiểu thông tin về trường. Có em còn tranh thủ đặt câu hỏi với nhà tư vấn về những điều các em chưa hiểu rõ về ngành nghề, chương trình đào tạo, cơ hội việc làm. Học sinh Anh Dũng, trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Giáo) tâm sự, em và các bạn đang phân vân không biết chọn học ở thành phố hay trường nhà. Qua buổi tư vấn hôm nay, chúng em có được những thông tin xác thực về các trường ĐH trong tỉnh để có sự lựa chọn đúng đắn cho bước đường tương lai.
Qua thăm dò ý kiến của nhiều học sinh, chúng tôi nhận thấy các em hiểu khá rõ về các trường ĐH trong tỉnh. Thầy Hoàng Trọng Quyền, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Thủ Dầu Một cho hay: “Tôi rất xúc động khi có em biết những ngành nào của trường đào tạo ở bậc ĐH hoặc CĐ. Điều đó chứng tỏ các trường ĐH trong tỉnh đã có sức hút đối với các em”.
Đến với buổi tư vấn còn có sự tham gia của học sinh trường THPT Thủ Đức (TP.HCM). Em Hồng Hạnh, một học sinh của trường cho biết, Bình Dương và TP.HCM giáp ranh nhau, nên hôm nay chúng em đến đây tìm cơ hội học tập của các trường. Hy vọng đây sẽ là vùng đất lành giúp chúng em thực hiện ước mơ học ĐH ở môi trường tốt nhất.
Tại buổi tư vấn, học sinh đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những ngành nghề đào tạo, điểm xét tuyển, học bổng, học liên thông, cơ hội việc làm... những thắc mắc của các em được đại diện các trường giải đáp thỏa đáng. Đồng thời, các nhà tư vấn cũng khuyên các em nên chọn trường vừa sức, trường gần nhà.
Với lợi thế tỉnh có 8 trường ĐH, 1 trường CĐ, 9 trường trung cấp chuyên nghiệp, hy vọng đó sẽ là một trong những lựa chọn của các em ở bậc học tiếp theo sau khi tốt nghiệp THPT.
Tư vấn tuyển sinh tại trường THPT Trịnh Hoài Đức: Những kinh nghiệm quý giá
Ngày 17-3, trường THPT Trịnh Hoài Đức (Thuận An) đã phối hợp với Tạp chí Thế Giới Mới tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh của trường. Tham gia buổi tư vấn còn có 9 trường đại học - cao đẳng - trung cấp chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh. Học sinh đã được Ban tư vấn giới thiệu những điểm mới trong mùa tuyển sinh năm 2012, hướng dẫn ghi phiếu dự thi. Quan trọng nhất là các chuyên gia tư vấn chia sẻ với các em kinh nghiệm trong việc chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, sở thích và cân nhắc chọn trường theo sức học. Chúng tôi xin ghi lại những kinh nghiệm quý báu mà các nhà tư vấn gửi gắm đến các em trước mùa thi.
Nhà báo Vĩnh Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Thế Giới Mới: Chú ý mượn trường thi
Theo kinh nghiệm, thi “nhờ” trường các em nên chọn những trường bình thường, vì những trường này chấm thi không gắt gao như những trường danh tiếng. Một số thí sinh còn nhầm lẫn về điểm xét tuyển khi mượn trường thi, các em nên nhớ, thi nhờ là để các em có phiếu điểm xét tuyển vào trường khác và điểm xét tuyển do trường đó quy định. Thí sinh cần lưu ý, nếu trường các em muốn vào học có tổ chức thi thì không thể “né”, mượn trường khác thi được.
Thầy Trần Thanh Vũ, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương: Nên chọn trường nhà
Trong 3 kỳ thi ĐH-CĐ, các em nên cố gắng đăng ký thi 2 đợt. Những em học trung bình khá cũng nên đăng ký thi 1 đợt ĐH để có những kinh nghiệm giúp thi tốt ở kỳ thi CĐ. Tôi biết, vào ĐH là ước mơ của hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Nhưng các em cũng cần lưu ý 2 rào cản là năng lực học tập và kinh tế gia đình, nếu các em không có sự lựa chọn đúng đắn thì không thể đi đến đích. Với những em học tập xuất sắc thì nên đăng ký thi các trường ĐH ở TP.HCM, còn những bạn có sức học mức trung bình khá nên chọn trường nhà để có nhiều cơ hội vào ĐH. Với những em có hoàn cảnh kinh tế gia đình không khá giả các em nên chọn học trường nhà để đỡ tốn kém các chi phí, học phí ở những trường ĐH trong tỉnh cũng thấp hơn các trường tư thục ở các tỉnh, thành khác.
Thầy Nguyễn Bình Minh, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Nên chọn ngành, chọn trường phù hợp sở thích, khả năng
Khi chọn ngành, điều đầu tiên thí sinh cần quan tâm là các em có thích không, sau đó mới tham khảo ý kiến cha mẹ. Có đam mê các em mới học được, còn ngược lại sẽ dễ bị chán nản, học không đến nơi đến chốn chỉ tốn thời gian, công sức. Khi chọn ngành các em lưu ý không chọn ngành theo phong trào; không nên chọn ngành đang “hot”, vì sau 4 năm các em ra trường có thể ngành ấy đã không còn sức hấp dẫn nữa. Khi chọn trường các em cũng cần tham khảo điểm chuẩn ở mỗi trường. Có em do sai lầm trong chọn trường nên dù đạt điểm cao nhưng vẫn không vào được ĐH.
Cựu học sinh Trần Hoài Tân: Tạo tâm lý thoải mái khi vào trường thi
Trước khi chọn ngành các em phải có sự đam mê, nhưng điều đó vẫn chưa đủ mà còn phải có nội lực; nếu chỉ thích mà năng lực không có thì cũng không nên đeo đuổi làm gì. Thế nên, khi chọn ngành các em phải thận trọng, cân nhắc ngành nghề chọn phải đúng với sở trường và năng lực bản thân. Đề thi ĐH có mức độ khó gấp 3 lần so với thi tốt nghiệp, nhưng kiến thức hoàn toàn nằm trong chương trình, vì thế các em cần nắm vững và làm quen với các dạng bài tập. Điều quan trọng nhất là nên tạo tâm lý thoải mái khi vào phòng thi. Nếu run quá, các em bị mất bình tĩnh thì kết quả thi chắc chắn không tốt. Thi ĐH hơn nhau chỉ 0,25 điểm, nên các em phải cẩn thận, đừng để vuột mất cơ hội vào ĐH.
A.Sáng
Nhóm P.V GD