Ngày hội non sông và khát vọng hùng cường
(BDO) “Sông núi hiên ngang”
“Hội toàn thắng náo nức đất nước, ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang…”. Âm hưởng của bài hát mừng non sông thống nhất - “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà - trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử này như đang vang vọng khắp mọi miền Tổ quốc, thúc giục lòng người. Hơn thế nữa, kỷ niệm 48 năm thống nhất đất nước năm nay lại trùng với lễ Giỗ tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), càng khiến người dân đất Việt thêm tự hào về dân tộc, dòng dõi con cháu Lạc Hồng, về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ...”.
Hôm nay, chúng ta ai cũng đều có thể thấy một “Bình Dương ngày mới” với sự đổi thay diệu kỳ… Ảnh: QUỐC CHIẾN
Vậy nên, “Ôi quê hương dẫu bao lần giặc phá điêu tàn mà vẫn ngoan cường”! Lịch sử Việt Nam là lịch sử của biết bao nhiêu cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, từ các cuộc kháng chiến chống các thế lực ngoại xâm phương Bắc, cho đến các thế lực ngoại xâm phương Tây với chủ nghĩa đế quốc Pháp, Mỹ… Để rồi “sông núi hiên ngang” được tạc bằng những chiến công hiển hách trong sử sách và trong thời đại Hồ Chí Minh là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, rồi đại thắng mùa xuân 1975, thu giang sơn về một mối…
Sánh vai các cường quốc năm châu
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và khẳng định: “…Đến ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. 48 năm qua, đặc biệt là sau hơn 35 năm đổi mới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nền kinh tế nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng với những kết quả nổi bật như quy mô kinh tế tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất – nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 22 lần, tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021 tính theo chuẩn mới. Từ một nước còn thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên thành trở thành nước có thu nhập trung bình… “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Với tinh thần đổi mới, bằng khát vọng vươn lên mạnh mẽ cùng đất nước, Sông Bé, rồi Bình Dương sau 48 năm cũng đã thực hiện một bước tiến thần kỳ, trở thành một “hiện tượng”, “hình mẫu” phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Hiện nay, Bình Dương cơ bản đã trở thành tỉnh công nghiệp, không những vậy, còn trở thành một “thủ phủ công nghiệp” lớn, hiện đại của khu vực và cả nước với 29 khu công nghiệp, thu hút trên 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và khoảng 40 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đứng vị trí thứ 2 của cả nước.
Hơn 26 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành tỉnh công nghiệp và phấn đấu xây dựng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đáng sống. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Song hành với công nghiệp hóa là đô thị hóa. Hiện Bình Dương có 4 thành phố trực thuộc tỉnh, bao gồm: TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Tân Uyên, riêng TX.Bến Cát đang trên lộ trình trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Xây dựng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đáng sống là một mục tiêu trong quan điểm phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm, toàn diện, bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau mà Bình Dương đang nỗ lực thực hiện…
Khi nói về sự vươn lên, bứt phá mạnh mẽ của tỉnh trong quá trình đổi mới, đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, từng chia sẻ rằng: “Trong chiến tranh, nước mình yếu mà vẫn đánh giặc được, tay không, tầm vông vạt nhọn chống lại với súng đạn còn làm được, tại sao không phát huy tinh thần đó, trước hết là tự lực, tự cường, đi lên từ mảnh đất này, đi lên từ những con người của mình…”. Và, với ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, Bình Dương đã huy động được tối đa mọi nguồn lực để thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hôm nay, chúng ta ai cũng đều có thể thấy một “Bình Dương ngày mới” với sự đổi thay diệu kỳ: Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ; diện mạo đô thị khởi sắc; kinh tế - xã hội phát triển không ngừng; đời sống của người dân được nâng lên về mọi mặt với mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước… Từ một tỉnh nghèo, Bình Dương đã viết trang sử hơn 26 năm xây dựng và phát triển thật rực rỡ. Tuy vậy, nhìn rộng ra, đất nước và địa phương vẫn chưa thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. Do đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bình Dương cũng như cả nước cần phải tiếp tục phát triển mạnh hơn với bước đi mới bằng ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại, chất lượng tăng trưởng cao hơn để vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu…
THÀNH SƠN