Ngày hội công nhân với pháp luật năm 2018: Công nhân thụ hưởng nhiều phúc lợi
(BDO) Trong chuỗi chương trình Ngày hội công nhân với pháp luật năm 2018, các hoạt động tư vấn pháp luật, bán hàng giảm giá nâng cao phúc lợi... đã thu hút đông đảo người lao động (NLĐ) tham gia.
Tuyên truyền pháp luật
Ngay từ sáng sớm, trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa - Lao động tỉnh, hơn 20 gian hàng (tư vấn pháp luật miễn phí, tư vấn giới thiệu việc làm, hướng dẫn sử dụng internet, làm sim điện thoại, làm đẹp, cắt tóc miễn phí, cung cấp hàng may mặc, thực phẩm, hóa mỹ phẩm giá rẻ) phục vụ cho công nhân lao động (CNLĐ) đã sẵn sàng. Hơn 7 giờ, hơn 2.000 CNLĐ ở các công ty, xí nghiệp, các KCN hòa mình vào những gian hàng để được vui chơi, thụ hưởng sự chăm lo mọi mặt đời sống tinh thần của các cấp, các ngành trong tỉnh. Hoạt động chính, có ý nghĩa lớn diễn ra trong 2 ngày hội đó là việc tuyên truyền pháp luật, tư vấn trợ giúp pháp lý tại chỗ cho CNLĐ. Tham gia giải trình những thắc mắc của CNLĐ về những vấn đề liên quan như: Tiền lương, tiền thưởng, hợp đồng lao động… Chị Phạm Thị Tuyết Lan, công nhân Công ty TNHH Liwayway, KCN VSIP hỏi: Tôi nghỉviệc tại công ty cũ từtháng 6-2018. Trong thời gian đó, công ty cũ chưa thể rút sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) vì còn nợ tiền BHXH. Đến tháng 10-2018, sau 4 tháng nghỉ việc tôi mới nhận được sổ BHXH để tiếp tục tham gia BHXH vào công ty mới. Vậy trong thời gian từtháng 6 đến tháng 10-2018, tôi có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không và tôi xin tham gia bảo hiểm tự nguyện có được không? Vấn đề chị Lan đưa ra đã được giải đáp cụ thể để hỗ trợ người lao động. Không chỉ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, cán bộtư vấn còn sẵn sàng lắng nghe cả những vấn đề “nhạy cảm khó nói” nhưng lại rất cần thiết trong cuộc sống. Một sốnội dung liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên, hôn nhân gia đình… cũng được NLĐ quan tâm.
CNLĐ tham gia tư vấn về Luật BHXH
Để tránh tình trạng nhảy việc tự phát, ảnh hưởng đến thị trường lao động, ngày hội đã dành một gian hàng để tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho NLĐ. Các ngành nghề phổ biến, đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay và cũng rất dễ kiếm việc như: Uốn tóc, trang điểm cô dâu, làm bánh kem, may mặc, thợ mộc, sửa chữa điện thoại di động, điện tử dân dụng, điện lạnh…
Nâng cao phúc lợi cho người lao động
Bên cạnh những gian hàng thu hút rất đông CNLĐ như: Tư vấn pháp luật, sức khỏe, giới thiệu việc làm thì những gian hàng bán hàng giảm giá cũng được CNLĐ hứng khởi vào tham quan, mua sắm. Hầu hết các sản phẩm bày bán ở đây đều được giảm giá từ 10 đến 50% với chất lượng tốt, được sản xuất và phân phối bởi các doanh nghiệp có uy tín. Anh Nguyễn Văn Tiến, công nhân Công ty TNHH First Stationnery Việt Nam, cho biết: “Phòng trọ tôi có 4 người, mỗi ngày chúng tôi thường nấu cơm vào buổi sáng sớm và chiều tối. Gạo và dầu ăn ở đây rất rẻ lại còn được khuyến mãi nên tôi mua về để ăn dần”.
Có thể nói, ngày hội còn là ngày của những nữ công nhân thích làm đẹp, họ vui thích khi được mua sắm được bộ đồ mới, tuýp mỹ phẩm giá rẻ hay được tham gia các trò chơi dân gian có thưởng. Bạn Bùi Dương Phúc, công nhân Công ty TNHH Sài Gòn Knitwear, nói: “CNLĐ rất mong các ngành quan tâm hơn nữa, tổ chức thêm nhiều ngày hội như thế này. CNLĐ thỏa sức mua sắm hàng giá rẻ, được tiếp cận kiến thức mới, giao lưu với ca sĩ Nguyễn Phi Hùng và đặc biệt nhắc nhở những CNLĐ cần sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Trao đổi với chúng tôi, bàTrương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và các phúc lợi cho đoàn viên và NLĐ. Cùng với hoạt động chăm lo, các cấp công đoàn cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật. Hoạt động tuyên truyền được tổ chức vào giờ tan ca, nghỉ giữa ca, tại các KCN, doanh nghiệp và khu nhà trọ. Cán bộ tư vấn pháp luật công đoàn lựa chọn thời gian phù hợp vận động chủ sử dụng lao động cho tiếp xúc với CNLĐ ngay tại cơ sở sản xuất, tập hợp những thắc mắc của công nhân để giải đáp. Nhiều nơi, cán bộ công đoàn xuống tận khu nhà trọ vừa nắm bắt tình hình tư tưởng, vừa tuyên truyền pháp luật. Có thể thấy rằng, mục đích của việc tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho NLĐ là nhằm từng bước hình thành thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
KIM HÀ