Ngày giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực: Một nét văn hóa độc đáo
Đến thành phố Rạch Giá, Kiên Giang dịp cuối tháng 8 âm lịch hàng năm, khách du lịch sẽ được tham dự lễ hội dân gian mang nét độc đáo riêng của vùng này nhân kỷ niệm ngày giỗ anh hùng dân tộc (AHDT) Nguyễn Trung Trực. Lễ giỗ được xem như một lễ hội lịch sử truyền thống thu hút hàng ngàn lượt khách địa phương và du khách...
Năm nay, lễ hội được tổ chức để kỷ niệm 143 năm ngày hy sinh của AHDT Nguyễn Trung Trực. Người dân tôn kính gọi là giỗ ông Nguyễn. Mặc dù ngày 26-8 (âm lịch) là ngày giỗ chính nhưng những ngày trước đó, rất đông người dân gần xa hội tụ về đền thờ ông tại Rạch Giá, Kiên Giang. Ban tổ chức lễ hội đã tổ chức nhiều hoạt động như hội chợ ẩm thực, triển lãm thương mại, thi đấu các trò chơi dân gian, triển lãm thư pháp, biểu diễn văn nghệ, thể thao để tạo nên sự phong phú cho lễ hội.
Người dân thành kính thắp nhang trước bàn thờ Nguyễn Trung Trực
Nét độc đáo trước tiên ở lễ hội này là mặc dù đền thờ chứ không phải chùa nhưng người dân đến dâng cúng các món chay, không có món mặn. Hỏi sao có điều quy định này thì ông Trương Thanh Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Thường vụ Hội Nghệ sĩ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang cho biết: “Lễ giỗ ông Nguyễn là một lễ giỗ có lịch sử từ dân gian, ban đầu do người dân tự đứng ra làm lễ giỗ. Họ cúng giỗ ông bởi lòng khâm phục tài năng kiệt xuất, tinh thần đấu tranh bất khuất của ông. Ban đầu chỉ là những người bán hàng bông đem rau, cải, hoa quả đến làm mâm cơm cúng và thế là thành lệ, người ta cúng chay luôn chứ không phải ảnh hưởng Phật giáo gì cả”. Cũng vì thế mà người dân ở đây xem ngày giỗ AHDT Nguyễn Trung Trực như một ngày giỗ ông bà, cha mẹ. Tôi gặp gia đình bà Tăng Thị Phú bưng mâm bánh tét ngũ sắc từ Châu Đốc đến cúng. Họ cho biết bánh được làm bằng nếp, đậu xanh, đường và được nhuộm thành 5 màu. Như một cái lệ hàng năm, làm gì thì làm nhưng đến ngày giỗ của ông là họ về đây như về giỗ người thân trong gia tộc vậy.
Và do giỗ cho... cả làng nên tiệc đãi hết ngày này qua ngày khác và cũng đãi hầu hết các món chay. Đến Rạch Giá dịp này, du khách còn được thưởng thức rất nhiều sản vật địa phương từ bánh, trái cây và các món đặc sản khác. Không khí lễ hội vui vẻ nhộn nhịp và người ta thăm hỏi nhau thật chân tình, chất phác kiểu của người dân miền Tây hào sảng vùng sông nước. Anh Nguyễn Ngọc Tân đến từ Cà Mau cho biết năm nào anh cũng kết hợp đi giỗ ông Nguyễn và đưa cả nhà đi du lịch như một cách tìm về cội nguồn. Nghe những lời tâm sự của người dân mới biết người ta tôn kính AHDT Nguyễn Trung Trực đến cỡ nào.
Ngày lễ chính được diễn ra trong không khí trang nghiêm với những hoạt cảnh sân khấu hóa nhằm tái hiện những chiến công, những câu chuyện mà dân gian truyền tụng về Nguyễn Trung Trực. Các đoàn văn nghệ, các nghệ sĩ ở TP.HCM dịp này cũng về biểu diễn ca nhạc, cải lương phục vụ người dân địa phương và du khách.
Từ lễ đặt đá xây mộ AHDT Nguyễn Trung Trực (18-8-1986) đến nay, đình thờ chính của ông tại thành phố Rạch Giá, Kiên Giang ngày càng được trùng tu xây dựng khang trang hơn. Và đây cũng trở thành một nơi để bà con đến chiêm bái, vọng ngưỡng người anh hùng hy sinh cho Tổ quốc, thể hiện qua lễ hội trong dịp giỗ ông mỗi năm một đông hơn, trang trọng hơn.
QUỲNH NHƯ
Theo sử liệu, AHDT Nguyễn Trung Trực (1838-1868) sinh trưởng tại một xóm chài lưới có tên là xóm Nghề ở Bến Lức, Long An. Thuở thiếu thời đã ham học võ, hào khí hun đúc tâm can, có thiên khiếu về quân sự. Cuộc đời tuy ngắn ngủi, 30 năm nhưng công trạng trong 10 năm đánh Pháp với khí phách kiên cường, hy sinh anh dũng đã làm cho hình ảnh của ông sống mãi trong dân gian. Người dân tôn kính gọi ông là ông Nguyễn. Hiện nay, ông Nguyễn được xem là một anh linh hào khí ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Riêng ở tỉnh Kiên Giang có hơn chục ngôi đền, đình miễu uy nghi, khang trang thờ ông và nhiều người thờ ông tại gia. Nhiều người còn giữ hình ông Nguyễn để tôn kính, thờ cúng.
Cùng với các lễ hội khác như Ok Ombok, hái lộc Nguyên tiêu, rước sắc Thành hoàng Hà Tiên, lễ kỷ niệm Tao đàn Chiêu Anh Các, lễ giỗ Mạc Cửu... ngày giỗ của AHDT Nguyễn Trung Trực là một trong những hoạt động tạo nên giá trị văn hóa dân gian, truyền thống lịch sử đặc sắc của tỉnh Kiên Giang.