Ngày đen tối của chứng khoán toàn cầu
(BDO)
Các giao dịch viên trên Sàn giao dịch New York tỏ ra căng thẳng và mệt mỏi với việc giá cổ phiếu giảm ồ ạt Ảnh: Reuters
Mở cửa sau châu Á và châu Âu, chứng khoán Mỹ đã lập tức nối dài cơn hoảng loạn toàn cầu bằng việc mất điểm đồng loạt và đậm đà ở cả 3 chỉ số chính.
Theo Reuters, giá cổ phiếu tại Mỹ sụt giảm gần 4% trong một phiên giao dịch đầy biến động. Chỉ số chứng khoán S&P 500 sụt tới 3,94% xuống còn 1.893,21 điểm, Dow Jones hạ 3,58% xuống 15.871,28 điểm, trong khi Nasdaq cũng giảm 3,82% xuống còn 4.526,25 điểm.
Ngưng giao dịch 1.200 lần để ngăn đổ vỡ.
Đầu phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ đã giảm điểm và chỉ sau 10 phút sau hồi chuông mở cửa sàn, Dow đã mất 1.089 điểm, mức tuột dốc dữ dội nhất kể từ 5 năm nay. Một loạt blue-chips nổi tiếng của Mỹ như General Electric hay Pepsi thời điểm đó thậm chí mất giá tới hơn 20%.
Trước cơn giảm giá kinh khủng đó, chế độ tạm dừng giao dịch tự động tại nhiều sàn chứng khoán đã được kích hoạt đối với hàng loạt cổ phiếu và chứng chỉ quỹ khi chạm ngưỡng nguy hiểm.
Theo Nasdaq, có tới 1.200 lần gián đoạn cổ phiếu như vậy trong phiên giao dịch đêm qua rạng sáng nay (theo giờ VN). "Chúng tôi chưa thấy mức độ hoảng loạn như thế này trên thị trường đã nhiều năm qua", Peter Kenny, chiến lược gia của hãng công nghệ tài chính Clear Pool Group, nhận xét.
Đà giảm đỡ đi vào nửa sau của ngày giao dịch song chốt phiên, chỉ số chính của chứng khoán Mỹ vẫn mất 588,4 điểm, tương đương giảm 3,57%, xuống còn 15.871,35. Đây là ngày mất điểm tồi tệ nhất của Dow kể từ tháng 8-2011.
Chỉ số S&P 500 mất 77,68 điểm, tương đương 3,94%, xuống còn 1.893,21 điểm. Chỉ số dành cho các cổ phiếu công nghệ là Nasdaq mất 179,79 điểm, tức 3,82%, xuống mức 4.526,25 điểm. Đây đều là mức mất điểm dữ dội nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. "Nếu mọi việc ở Trung Quốc không sớm ổn định lại, chúng ta có thể tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm trong phiên tới", Randy Frederick, giám đốc điều hành mảng chứng khoán phái sinh của hãng Charles Schwab, nhận định.
Theo CNN, ngoài yếu tố lo ngại từ kinh tế và sự lao dốc chứng khoán TQ, giới đầu tư Mỹ còn bị tác động bởi việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa đưa ra thông điệp rõ ràng đối với đồng USD sau khi TQ phá giá đồng NDT. Với họ, sự không rõ ràng chính là kẻ thù lớn nhất của chứng khoán.
Chứng khoán bị bán tháo
Giá cổ phiếu tại Mỹ đã sụt giảm năm ngày liên tiếp.
Tại châu Âu, các thị trường Anh, Pháp và Đức cũng đều tuột dốc ít nhất 4,5-5%. Chỉ số chứng khoán châu Âu STOXX 600 giảm 5,3%. Tồi tệ nhất là thị trường Hi Lạp với cú giảm 10,5%. Các thị trường chứng khoán ở Mỹ Latinh cũng không tránh khỏi sự hỗn loạn. Tại Brazil, chỉ số chứng khoán IBOVESPA hạ 3,03%. Chỉ số IPC của Mexico giảm 1,65%. Thị trường Argentina sụt tới 6,3%, Chile 2,77% và Colombia 3,52%. Rất nhiều quốc gia khu vực này cung cấp tài nguyên thô cho Trung Quốc.
Sự hoang mang bùng lên sau khi thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) sụt giảm tới 8,5% hôm qua, cú giảm trong một ngày tồi tệ nhất trong tám năm qua, bất chấp việc chính quyền Bắc Kinh thực hiện hàng loạt biện pháp can thiệp nhằm ổn định thị trường. Báo chí quốc tế mô tả đó là “ngày thứ hai đen tối” tại Trung Quốc. “Các nhà đầu tư đã sợ hãi quá mức - Reuters dẫn lời chuyên gia Philip Blancato của hãng Ladenberg Thalmann bình luận - Mối lo kinh tế Trung Quốc hụt hơi sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái là không có cơ sở, bởi kinh tế Mỹ lớn gấp hai lần Trung Quốc và dựa vào tiêu dùng”.
Các nhà phân tích cảnh báo nguy cơ thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu tiếp tục diễn biến tồi tệ. “Nếu tình hình ở Trung Quốc không sớm ổn định trở lại, chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến một phiên giao dịch tệ hại nữa vào ngày mai” - chuyên gia Randy Frederic thuộc hãng Charles Schwab cảnh báo.
Dầu bị ảnh hưởng mạnh, tuột dốc không phanh 38 USD/thùng
Không chỉ có chứng khoán lao đao. Giá các loại hàng hóa cũng tuột dốc không phanh.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu thô trên thị trường New York tiếp tục mất 2,21 USD/thùng, tương đương 5,5%, xuống chỉ còn 38,24 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2-2009 tới nay.
Giữa phiên, có lúc dầu còn giảm hơn 6% và tuột xuống dưới ngưỡng 38 USD/thùng, theo số liệu từ Reuters.
Tại London (Anh), giá dầu Brent biển Bắc cũng hạ 2,8 USD xuống còn 42,69 USD/thùng. “Sự lo ngại về kinh tế Trung Quốc còn ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường dầu thô toàn cầu nghiêm trọng hơn nhiều so với thị trường chứng khoán” - AFP dẫn lời chuyên gia John Killduff thuộc hãng Again Capital.
Nguy cơ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hụt hơi là cú đòn đánh thẳng vào nhu cầu dầu và các loại hàng hóa khác. Chuyên gia Killduff dự báo giá dầu thô Mỹ sẽ còn tiếp tục giảm mạnh.
“Tôi từng nghĩ giá dầu sẽ giảm xuống mức 35 USD/thùng, nhưng bây giờ tôi nghĩ chúng ta có thể chứng kiến mức giá 25 USD/thùng” - ông Killduff nhấn mạnh.
Chuyên gia Bart Melek thuộc hãng TD Securities cho biết giá dầu chịu sức ép dữ dội từ hai phía là tình hình kinh tế Trung Quốc đáng lo ngại và nguồn cung dầu toàn cầu quá dồi dào. Các hàng hóa khác như nhiên liệu thô cũng sụt giảm mạnh. Chỉ số 19 loại hàng hóa Thomson Reuters/Core Commodity CRB hạ gần 2,7% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Cũng như chứng khoán, dầu chịu tác động tiêu cực từ lo ngại về tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng dầu mỏ Iran vừa tuyên bố nước này quyết định sẽ gia tăng sản lượng khai thác với bất cứ giá nào.
Đêm qua không chỉ giới kinh doanh mà các chính trị gia cũng căng mắt dõi theo biến động thị trường tài chính Mỹ. Giữa phiên giao dịch khi thị trường đỏ lửa dữ dội, tỉ phú Donald J. Trump, ứng viên đang chạy đua cho ghế tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, cho rằng lỗi là do chính quyền Mỹ hiện tại. “Thị trường đang đổ vỡ. Tất cả là do sự kém cỏi trong việc lên kế hoạch và do đã cho phép Trung Quốc và châu Á thống trị diễn đàn...”, tỷ phú này viết trên Twiter của mình.
Theo TTO